Cà Mau: Chủ động nắm bắt, tận dụng tiềm năng của công nghệ

Cà Mau đang triển khai nhiều giải pháp, đặc biệt là huy động sự chung sức của toàn xã hội nhằm kịp thời nắm bắt cơ hội, đồng thời hạn chế các rủi ro, thách thức mà chuyển đổi số đặt ra.

Ứng dụng Chính quyền điện tử tỉnh Cà Mau (CaMau-G). (Nguồn: Báo Cà Mau)
Ứng dụng Chính quyền điện tử tỉnh Cà Mau (CaMau-G). (Nguồn: Báo Cà Mau)

Chuyển đổi số đã trở thành xu hướng phát triển tất yếu của xã hội. Trong tiến trình đó, tỉnh Cà Mau đang triển khai nhiều giải pháp, đặc biệt là huy động sự chung sức của toàn xã hội nhằm kịp thời nắm bắt cơ hội, đồng thời hạn chế các rủi ro, thách thức mà chuyển đổi số đặt ra.

Điểm sáng từ cơ sở

Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, bên cạnh huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tỉnh Cà Mau hướng tới mục tiêu chuyển đổi số bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm.

Để tiến trình chuyển đổi số thành công, sau thời gian thí điểm, ngày 31/8/2023, Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch số 220/KH-UBND triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.

Đây được xác định là lực lượng nòng cốt, “cánh tay nối dài” của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số các cấp, giúp người dân có điều kiện nắm bắt kiến thức số, nền tảng số, kỹ năng số một cách kịp thời.

Tỉnh hiện có 883/883 ấp/khóm thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng với tổng cộng 4.518 thành viên tham gia. Các Tổ công nghệ số cộng đồng đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, cài đặt ứng dụng Chính quyền điện tử tỉnh Cà Mau (CaMau-G), ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt, đặt lịch khám bệnh từ xa…

Đến nay, các tổ này đã thực hiện làm mẫu, hướng dẫn cho hơn 210.000 hộ gia đình cài đặt, sử dụng các nền tảng số, chiếm 65% số hộ gia đình trên toàn tỉnh.

Bà Mã Tố Phương (Tổ trưởng Tổ công nghệ số cộng đồng khóm 2, phường 6, thành phố Cà Mau) chia sẻ thời gian qua, Tổ đã phối hợp triển khai nhiều mô hình, hoạt động chuyển đổi số thiết thực, hiệu quả.

Cụ thể, hằng tuần, các thành viên trong Tổ đến tận nhà người dân để tuyên truyền, vận động cài đặt các phần mềm dịch vụ công trực tuyến, CaMau-G, sổ sức khỏe điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt...; thành lập các nhóm zalo tổ tự quản, khu dân cư... để kịp thời tuyên truyền, cung cấp thông tin, quy định của chính quyền địa phương đến với người dân.

Bên cạnh đó, Tổ còn phối hợp triển khai mô hình tiếp nhận và trả kết quả tại Nhà Văn hóa khóm vào ngày thứ Bảy hằng tuần để tiện cho người dân trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, công sức.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường 6 Trần Văn Thơm đánh giá qua quá trình thực hiện, các thành viên trong Tổ với lợi thế nắm chắc địa bàn nên công tác tuyên truyền được triển khai sâu rộng, hiệu quả.

“Không ngại khó khăn, vào các ngày cuối tuần, thành viên tổ đều tích cực, hăng hái đến tận nhà để hướng dẫn, vận động cập nhập kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số nên luôn được người dân đồng tình, ủng hộ,” ông Trần Văn Thơm, ghi nhận.

Để từng bước tạo lập hành vi, thói quen số cho người dân trên môi trường số, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của tỉnh mạnh mẽ hơn, hiện các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh cũng thành lập các mô hình “Khu dân cư điện tử.”

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Chuôi (Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường 9, thành phố Cà Mau) cho biết chuyển đổi số chỉ thành công khi được người dân hiểu, hướng ứng, tham gia, người dân thực sự trở thành công dân số. Do vậy, địa phương luôn chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn cài đặt các ứng dụng số, giúp người dân bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ, đào tạo, nâng cao tri thức.

Việc thành lập “Khu dân cư điện tử" của khu nhà ở xã hội Khóm 4 là một trong những “đòn bẩy,” thúc đẩy chuyển đổi số toàn dân trên địa bàn phường.

anh_7.JPG
Mô hình điểm “Khu dân cư điện tử” tại khóm 6, phường 1 (Thành phố Cà Mau) có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong việc hỗ trợ người dân tiếp cận công nghệ số. (Nguồn: Báo Pháp luật)

Theo Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Cà Mau, với mục tiêu “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm trong chuyển đổi số,” tỉnh đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp tiếp cận các nền tảng công nghệ số, kỹ năng số, được thụ hưởng những lợi ích thiết thực chuyển đổi số mang lại.

Từng bước hướng tới nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, tạo động lực thúc đẩy phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trong tương lai.

Huy động sự vào cuộc của cả cộng đồng

Năm 2024, tỉnh Cà Mau xác định chủ đề của Ngày hội Chuyển đổi số là: “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động.”

Đây sự kiện quan trọng, thể hiện sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị đối với công tác chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển nhanh và bền vững trong tương lai.

Với sự chủ động này, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh đã tiên phong cung cấp các ứng dụng số, phát triển hạ tầng số, nền tảng số đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân.

Ngành chức năng đã xây dựng cơ sở hạ tầng Internet băng rộng đến từng hộ gia đình, phủ sóng di động 4G trên toàn địa bàn, khai trương sóng 5G tại tỉnh Cà Mau; hướng dẫn người dân cách bảo vệ thông tin cá nhân, người thân và gia đình trên môi trường mạng; đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện chuyển đổi số phù hợp với quy mô của doanh nghiệp…

Phó Giám đốc VNPT Cà Mau Hồ Lệ Quyên thông tin đơn vị đã phối hợp với các Tổ công nghệ số cộng đồng hướng dẫn người dân cài đặt các ứng dụng như: thanh toán không dùng tiền mặt, app đặt lịch khám bệnh từ xa vnCare, chữ ký số công dân smart CA...

Đồng thời, đơn vị tích cực triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số cho các ngành Giáo dục, Nông nghiệp, Y tế…

Ông Nguyễn Thành Tâm, Giám đốc Viettel Cà Mau, chia sẻ với vai trò là đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin, Viettel Cà Mau cam kết sẽ luôn hỗ trợ, đồng hành cùng các cơ quan, đơn vị, địa phương trong quá trình hiện đại hóa, nâng cao năng lực công nghệ số phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, giúp cải thiện hiệu quả quản lý, điều hành của địa phương cũng như của địa phương trong thời gian tới.

Với mạng lưới rộng khắp, các ngân hàng đã đóng vai trò quan trọng trong tăng cường hỗ trợ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân tiếp cận và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Cà Mau Giang Viễn Hòa cam kết ngân hàng luôn đồng hành, sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, người dân tiếp cận và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đem lại nhiều giá trị gia tăng, sự tiện lợi và trải nghiệm vượt trội cho khách hàng, người dân.

Trong khuôn khổ Ngày hội Chuyển đổi số tỉnh Cà Mau năm 2024, lần đầu tiên, một “phiên chợ số” được tổ chức nhằm giới thiệu các sản phẩm đặc sản, đặc trưng OCOP của địa phương. Phiên chợ đặc biệt này không chỉ tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ, thu hút nhiều chủ thể, doanh nghiệp tham gia mà còn nhận được sự quan tâm của các đơn vị đồng hành.

Giám đốc Chi nhánh HDBank Cà Mau Lê Minh Luân chia sẻ tham gia chương trình chợ phiên sản phẩm đặc sản, đặc trưng, sản phẩm OCOP tỉnh Cà Mau năm 2024 là cơ hội để HDBank được đồng hành và phát triển các chương trình hỗ trợ cộng đồng, nhất là chương trình mỗi xã một sản phẩm.

Bên cạnh việc thực hiện các chương trình hỗ trợ vốn cho chủ thể OCOP phát triển sản phẩm, nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường, HDBank còn tích cực hỗ trợ các hoạt động đào tạo, chuyển giao công nghệ, tư vấn và tăng cường kỹ năng số, kết nối tiêu thụ sản phẩm, giúp các doanh nghiệp và chủ thể OCOP nâng cao khả năng cạnh tranh, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương, gia tăng giá trị các sản phẩm nông sản, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử khẳng định chuyển đổi số không còn là sự lựa chọn mà đã trở thành xu hướng phát triển tất yếu của xã hội. Vấn đề đặt ra hiện nay là phải biết nắm bắt, tận dụng cơ hội và hạn chế những rủi ro, thách thức mà chuyển đổi số đặt ra.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lê Văn Sử kêu gọi các ngành, cấp, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia hoạt động chuyển đổi số, biến những thách thức thành cơ hội và tận dụng tối đa tiềm năng của công nghệ để làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục