CAB: Tác nhân thay đổi tích cực các nỗ lực ứng phó với dịch HIV của VN

CAB là một sáng kiến tại ra cơ chế để cộng đồng và xã hội đóng góp ý kiến cho chương trình phòng chống HIV/AIDS, đặc biệt là các dịch vụ hỗ trợ như: điều trị ARV và các chính sách dịch vụ...
Thành viên Nhóm tư vấn hỗ trợ cộng đồng tư vấn cho người bệnh về HIV/AIDS. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Thành viên Nhóm tư vấn hỗ trợ cộng đồng tư vấn cho người bệnh về HIV/AIDS. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nhóm tư vấn hỗ trợ cộng đồng nâng cao chất lượng dịch vụ phòng chống HIV/AIDS (CAB) chính là tác nhân thay đổi “cuộc chơi” cho các nỗ lực ứng phó với HIV trong giai đoạn hiện nay.

Đây là một phần quan trọng trong khả năng để Việt Nam thu hẹp khoảng cách về bình đẳng y tế và cung cấp các dịch vụ HIV lấy con người làm trung tâm.

Bác sĩ Eric Dziuban - Giám đốc quốc gia Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ tại Việt Nam (CDC Hoa Kỳ) đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị thường niên của nhóm tư vấn và hỗ trợ khách hàng trong phòng chống HIV/AIDS, diễn ra ngày 8/9.

Đổi mới bền vững mang tính đáp ứng

Theo số liệu thống kê của Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), trên toàn quốc ước tính có tổng số 230.000 người nhiễm HIV, trong đó có 213.800 trường hợp báo cáo còn sống, số ca tử vong lũy tích: 110.990 ca.

[Bộ Y tế và CDC Hoa Kỳ hợp tác ứng phó với các dịch bệnh nguy hiểm]

Trong năm 2020, cả nước phát hiện thêm 13.000 trường hợp mắc mới HIV. Vào năm 2021, con số này vẫn khoảng 13.000 trường hợp mắc mới và trong 3 tháng đầu năm 2022 phát hiện thêm hơn 1.500 trường hợp mắc mới. Trong khi đó, các năm 2015, 2016, 2017, 2018, 2019 mỗi năm chỉ ghi nhận thêm khoảng 11.000 trường hợp mắc mới HIV.

CAB: Tác nhân thay đổi tích cực các nỗ lực ứng phó với dịch HIV của VN ảnh 1Bác sĩ Eric Dziuban - Giám đốc quốc gia Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ tại Việt Nam. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Đại diện cho CDC và Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống AIDS (PEPFAR) của Hoa Kỳ, ông Eric Dziuban cho hay CAB là một đổi mới bền vững và mang tính đáp ứng, góp phần đáng kể vào việc đạt được các mục tiêu kiểm soát dịch HIV và xóa bỏ kỳ thị với HIV. Thông qua khuôn khổ giám sát cộng đồng, CAB đóng một vai trò quan trọng trong việc lồng ghép tiếng nói của người sử dụng dịch vụ và cộng đồng trong việc thiết kế các dịch vụ HIV thân thiện.

Tiến sỹ Nguyễn Thị Minh Tâm - Trưởng phòng dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS, Cục Phòng chống HIV (Bộ Y tế) nhận định mô hình CAB là một sáng kiến tại ra cơ chế để cộng đồng và xã hội đóng góp ý kiến cho chương trình phòng chống HIV/AIDS, đặc biệt là các dịch vụ hỗ trợ như: điều trị ARV, các chính sách của chương trình để cải thiện các dịch vụ này để ngày một tốt hơn, đúng với tiêu chí lấy khách hàng làm trung tâm…

Cục Phòng chống HIV ủng hộ mô hình CAB, bởi sau 2 năm triển khai thí điểm đã cho thấy tính hiệu quả cao. Mô hình đã góp phần làm giảm, loại bỏ kỳ thị liên quan đến HIV - một cấu phần trọng tâm của mô hình CAB và giám sát cộng đồng sẽ giúp Việt Nam đạt được chặng đường cuối cùng trong việc kiểm soát dịch.

“Mô hình này đáp ứng được nhiều mục tiêu cùng một lúc như thúc đẩy quan hệ hợp tác lâu dài, quan trọng và đầy ý nghĩa giữa khu vực nhà nước và cộng đồng để đảm bảo ứng phó với HIV bền vững. Mô hình góp phần đảm bảo chất lượng cao của các dịch vụ HIV thông qua việc lắng nghe ý kiến, khó khăn, những hạn chế của người sử dụng dịch vụ để xác định các điểm cần khắc phục ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc cho người bệnh,” bà Tâm phân tích.

CAB: Tác nhân thay đổi tích cực các nỗ lực ứng phó với dịch HIV của VN ảnh 2Tiến sỹ Nguyễn Thị Minh Tâm - Trưởng phòng dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS, Cục Phòng chống HIV. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Theo tiến sỹ Tâm, việc kết hợp tiếng nói của người sử dụng dịch vụ và cộng đồng giám sát trong cung cấp dịch vụ HIV tạo ra một cơ chế cùng có trách nhiệm cho tất cả cơ quan liên quan đến HIV và những hỗ trợ.

CAB tạo cơ hội cho người có HIV và các nhóm đích trao đổi về các nhu cầu cũng như các sáng kiến của họ về chất lượng chăm sóc ở tỉnh để hỗ trợ chương trình đạt mục tiêu 95-95-95 (95% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 95% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV; 95% người điều trị bằng thuốc ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện) vào năm 2030.

Thu hẹp khoảng cách về bình đẳng y tế

Bà Võ Thị Tuyết Nhung, Phó giám đốc Tổ chức hợp tác vì sự phát triển y tế Việt Nam (HAIVN) - đơn vị nhận tài trợ từ CDC Hoa Kỳ và thành lập và hỗ trợ kỹ thuật cho các nhóm CAB cho hay CAB là nhóm Hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ, gồm những bạn tình nguyện viên tham gia với mục tiêu là hỗ trợ đưa các quan điểm, ý kiến của cộng đồng đích và khách hàng tới hệ thống cung cấp dịch vụ y tế, từ đó cải thiện chất lượng dịch vụ và giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS đối với nhóm nguy cơ cao và những người sống chung với HIV.

Hiện nhóm CAB đang có tổng cộng 81 thành viên (bao gồm chính thức và dự bị), hỗ trợ hơn 41 cơ sở y tế trải dài tại 6 tỉnh (Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Thái Nguyên, Hải Phòng, Hà Nội). Trong năm 2021-2022, tổng số lượt khách hàng nhóm CAB hỗ trợ là trên 15.000 lượt trong hỗ trợ điều hướng tiếp cận dịch vụ, tư vấn bảo hiểm y tế, tư vấn điều trị, thu thập hơn 18.000 phiếu phản hồi khách hàng, phân tích và báo cáo trong các cuộc họp giao ban nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ.

CAB: Tác nhân thay đổi tích cực các nỗ lực ứng phó với dịch HIV của VN ảnh 3(Ảnh: PV/Vietnam+)

Giám đốc quốc gia Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ tại Việt Nam đánh giá: “CAB chính là tác nhân thay đổi cuộc chơi cho các nỗ lực ứng phó với HIV. Đây là một phần quan trọng trong thu hẹp khoảng cách về bình đẳng y tế và cung cấp các dịch vụ HIV lấy con người làm trung tâm, cả hai đều là ưu tiên của PEPFAR cho giai đoạn tiếp theo trong công tác ứng phó với HIV toàn cầu. Đây là một mô hình độc đáo về thành lập và giám sát của chính phủ kết hợp với sự dẫn dắt của những người sử dụng dịch vụ và cộng đồng nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác dựa trên kết quả”.

Là một bác sĩ HIV làm việc tại Hoa Kỳ và Châu Phi, điều trị cho bà mẹ, trẻ sơ sinh, thanh thiếu niên, những người đồng tính nam (MSM) trẻ tuổi, phụ nữ chuyển giới và nhiều nhóm người khác, bác sĩ Eric Dziuban cho hay ông hiểu rõ tầm quan trọng của việc hiểu bệnh nhân cần những gì để tiếp cận và tiếp tục cuộc sống, để điều trị tiết kiệm. Bên ngoài phòng khám, các bệnh nhân phải đối mặt với những thách thức, đặc biệt là về khả năng tiếp cận các dịch vụ, cho dù đó là những thách thức do hệ thống hay vì lý do cá nhân.

Vì vậy, mô hình này đã tạo ra sự khác biệt khi cộng đồng có tiếng nói về cách thức cung cấp dịch vụ và khi tiếng nói đó được đưa vào bàn cùng các nhà cung cấp dịch vụ y tế và cơ quan y tế.

"CAB là một nền tảng để đạt được sự hiểu biết sâu sắc hơn, thúc đẩy chúng ta làm việc cùng nhau để giải quyết những thách thức này. CAB tạo điều kiện thuận lợi cho sự hiểu biết quan trọng về ‘con người’ và đặt họ vào vị trí trung tâm của công việc. Những thành tựu của mô hình này là minh thực tế. Kể từ khi hoạt động tại Bình Dương vào tháng 4/2019, sáu CAB đã góp phần tạo ra các dịch vụ HIV có chất lượng tốt hơn và thay đổi trong thực hành”, bác sĩ Eric Dziuban cho biết.

CAB: Tác nhân thay đổi tích cực các nỗ lực ứng phó với dịch HIV của VN ảnh 4Nhóm CAB cấp phát thuốc, đưa tận tay cho các đối tượng trong thời gian dịch COVID-19. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thực tế, trong thời gian cao điểm xảy ra dịch COVID-19 tại Việt Nam, CAB đóng một vai trò quan trọng trong quá trình làm giảm bớt sự gián đoạn hệ thống y tế khi các thành viên của nhóm đã kết nối đảm bảo việc điều trị liên tục đối với điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) và Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) thông qua điều hướng, chuyển tuyến và phân phối thuốc tại nhà trong thời gian phong tỏa do COVID. Nhóm tiếp tục thúc đẩy mức độ bao phủ và tính liên tục của việc sử dụng bảo hiểm y tế trong thời gian thiếu hụt nguồn cung cấp thuốc ARV và các vấn đề liên quan đến chuyển tiếp bảo hiểm y tế.

Giám đốc CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam cho hay việc từ những thành công của CAB có thể hướng tới xây dựng một mô hình hợp tác lâu dài và bền vững giữa chính phủ và cộng đồng mà có thể được tiếp nối sang các bệnh khác và các môi trường khác.

Chính vì vậy, cuộc họp nhằm chia sẻ kinh nghiệm triển khai CAB giữa 6 tỉnh. Hội nghị xác định các ưu tiên cho sự phát triển của mô hình CAB, hợp tác cùng nhau để đảm bảo CAB tiếp tục là mối quan hệ đối tác hiệu quả cho cộng đồng và hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ phòng chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế công.

Tiến sỹ Nguyễn Thị Minh Tâm phân tích về hiệu quả của nhóm CAB:

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục