Các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng cần làm gì để đề phòng hỏa hoạn dịp đầu Xuân?

Công an Thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân, các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng nâng cao ý thức về phòng cháy, chữa cháy và thực hiện tốt các biện pháp để phòng tránh cháy nổ trong dịp đầu năm.

Hiện trường vụ cháy chùa Hòa Phúc, xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai, Hà Nội vào tháng 6/2022. (Ảnh: TTXVN phát)
Hiện trường vụ cháy chùa Hòa Phúc, xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai, Hà Nội vào tháng 6/2022. (Ảnh: TTXVN phát)

Đầu Xuân năm mới là thời điểm diễn ra nhiều hoạt động tâm linh của người dân tại các đền, chùa và tại hộ gia đình, tiềm ẩn nguy cơ gây cháy, nổ.

Vì thế, để hạn chế tối đa việc xảy ra cháy, nổ, Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) khuyến cáo người dân, các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng nâng cao ý thức về phòng cháy, chữa cháy và thực hiện tốt các biện pháp để phòng tránh cháy, nổ cụ thể như sau:

Đối với các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, nơi thờ tự:

- Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng cháy,chữa cháy cho những người làm việc và phục vụ tại các cơ sở tôn giáo tín ngưỡng (đình, đền, chùa,...) kết hợp phát trên loa tuyên truyền cho khách đến cúng, viếng, có ý thức chấp hành về phòng cháy, chữa cháy.

- Thường xuyên tuyên truyền nâng cao kiến thức về phòng cháy, chữa cháy cho những người làm việc, phục vụ tại chỗ và khách đến thăm, có ý thức chấp hành về phòng cháy, chữa cháy.

- Ban hành nội quy về phòng cháy, chữa cháy, dự phòng các điều kiện thoát nạn khi có cháy xảy ra.

vnp_6.jpg
Có rất nhiều các hoạt động tâm linh diễn ra trong đầu mùa Xuân. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

- Chủ động trang bị phương tiện chữa cháy như: bình chữa cháy, hệ thống báo cháy tự động, thang dây, dụng cụ phá dỡ, mặt nạ lọc độc; trang bị kiến thức về phòng cháy, chữa cháy, cách sử dụng phương tiện chữa cháy và kỹ năng thoát nạn khi có cháy xảy ra. Thường xuyên và định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện chữa cháy, dụng cụ, phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ hiện có để đảm bảo hoạt động tốt khi có cháy xảy ra.

- Chủ động kiểm tra hệ thống điện, thiết bị tiêu thụ điện, điện chiếu sáng, dây dẫn điện.

- Phải bố trí khu vực riêng dùng để hóa vàng mã tại các vị trí an toàn, cách xa các vật dụng dễ cháy…; cử người trông coi khi khách đến thắp nhang, đèn, để xử lý ngay những trường hợp bất cẩn.

- Hạn chế đến mức thấp nhất việc thắp hương thờ cúng và hóa vàng. Khi cần thiết phải thắp hương thờ cúng để phục vụ cho việc hành lễ, cúng, tế phải có người trông coi; dụng cụ đỡ nhang, đèn bố trí nơi chắc chắn, cố định, tránh ngã, đổ.

- Tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ thường trực trong thời điểm khách đến viếng, cúng và sau khi kết thúc công việc trong ngày.

- Tổ chức cho các tăng, ni, lực lượng bảo vệ tập luyện sử dụng phương tiện chữa cháy tại chỗ và cách xử lý khi có cháy, nổ xảy ra.

Đối với hộ gia đình và người dân:

- Quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt khi thắp hương, thờ cúng, thắp nến, đốt vàng mã,...

- Các thiết bị điện được bố trí trên bàn thờ cần đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy như thiết bị đóng ngắt để tránh sự cố về điện có thể gây ra cháy.

vnp__gioi_tre_cau_duyen_11.JPG
Người dân cần đốt vàng mã đúng nơi quy định tại đền, chùa. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

- Bố trí nơi thắp hương, thờ cúng phải đảm bảo những yếu tố dưới đây:

+ Bát hương phải kê, đặt trên các vật liệu không cháy hoặc khó cháy.

+ Đồ lễ thắp hương dễ cháy như vàng mã, đèn, nến phải để xa bát hương.

+ Khi thắp hương phải có người trông coi đến khi hết tàn hương.

- Đốt vàng mã đúng nơi quy định. Không đốt vàng mã ở những nơi cấm như chợ, trung tâm thương mại, nơi có vật liệu dễ cháy,… và luôn có biện pháp ngăn chặn cháy lan.

- Đốt vàng mã phải có người trông coi, tuân thủ các quy định, biện pháp an toàn phòng, chống cháy, nổ, tránh xa nhưng nơi có vật dễ cháy, cụ thể:

+ Không đốt vàng mã trong nhà ở, hành lang, cửa hàng kinh doanh dịch vụ, trên các tuyến phố, nơi tập trung đông người và phương tiện giao thông cơ giới qua lại.

+ Trước khi hóa vàng mã phải chọn khu vực kín gió, hoặc sử dụng các vật dụng che chắn tránh gió cuốn tàn lửa sang các khu vực xung quanh gây cháy.

+ Khi đốt vàng mã phải có người trông coi đến khi không còn tàn lửa.
+ Đốt vàng mã trong các dụng cụ làm bằng vật liệu không cháy như thùng kim loại (sắt, inox), lư đồng, bê tông, nhà xây bằng gạch,... có nắp đậy kín để tránh tàn lửa bay ra xung quanh, đồng thời phải chờ vàng mã cháy hết, dùng nước vẩy lên tro, đốt xong để nguội hẳn mới đổ tro.
+ Chủ động trang bị phương tiện chữa cháy cho hộ gia đình để kịp thời xử lý khi có sự cố cháy, nổ.

- Không đốt quá nhiều vàng mã, nhất là các loại vàng mã có khối lượng lớn.

- Khi xảy ra cháy, nổ nhanh chóng gọi cho lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, Chữa cháy và Cứu nạn, Cứu hộ theo số điện thoại 114. Ngoài ra,người dân cũng có thể báo cháy qua Ứng dụng BAOCHAY 114, Công an quận hoặc Công an phường gần nhất. Người dân thực hiện quy trình và các bước xử lý sau:

Bước 1: Báo động, hô hoán cho mọi người trong gia đình và người dân xung quanh biết.

Bước 2: Cắt điện. Sử dụng bình chữa cháy và các phương tiện tại chỗ để chữa cháy.

Bước 3: Tổ chức thoát nạn, cứu người bị nạn, di chuyển tài sản ra nơi an toàn.

Để không để xảy ra những sự việc đáng tiếc, mỗi người dân cũng như các cơ sở tâm linh cần thực hiện nghiêm túc các quy định và hướng dẫn về đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục