Các địa phương triển khai phòng chống cơn bão số 8

Các tỉnh miền Trung từ Phú Yên đến Thanh Hóa đang khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống và ứng phó với cơn bão số 8.
Chiều 26/10, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi tổ chức cuộc họp khẩn cấp Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh và lãnh đạo các huyện để triển khai các biện pháp phòng, chống cơn bão số 8.

Trong hai ngày qua, lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các đồn biên phòng phối hợp với các Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các huyện ven biển và huyện đảo Lý Sơn nắm bắt số lượng tàu thuyền, kêu gọi, thông báo cho các chủ phương tiện tàu thuyền đang hoạt động ở các khu vực biển, biết vị trí, đường đi của cơn bão số 8.

Theo thông tin trực ban của Bộ chỉ huy Biên phòng Quảng Ngãi, tính đến 10 giờ 30 phút sáng 26/10, tổng số tàu thuyền của tỉnh đang hoạt động trên biển tại các khu vực là 956 phương tiện với 8.515 lao động. Trong đó, vùng biển quần đảo Hoàng sa có 7 phương tiện/103 lao động; vùng biển quần đảo Trường Sa có 94 phương tiện/2.216 lao động; vùng biển các tỉnh phía Bắc có 324 phương tiện/2.539 lao động; vùng biển các tỉnh phía Nam 299 phương tiện/2.075 lao động và vùng biển tỉnh Quảng Ngãi có 232 phương tiện/1.582 lao động.

Riêng ở huyện đảo Lý Sơn có 7 tàu 103 lao động hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, trong đó có 5 tàu đang trên đường về, 2 tàu chạy ra phía Bắc nhưng chưa liên lạc được.

Tại Phú Yên, Trung tá Nguyễn Danh Dự, Bộ đội biên phòng tỉnh Phú Yên cho biết đến 15 giờ ngày 26/10 còn 163 tàu thuyền với 1.444 ngư dân Phú Yên đang hoạt động tại vị trí 12 độ Vĩ Bắc, 117 độ Kinh Đông thuộc khu vực phía Nam quần đảo Trường Sa đều liên lạc được với các đồn biên phòng và gia đình.

Tất cả tàu thuyền còn lại của ngư dân Phú Yên đều đã vào bờ để tránh trú tại các điểm neo đậu thuộc địa bàn các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận. Khi nghe tin bão số 8, ngày 26/10 không còn tàu nào của ngư dân Phú Yên ra bờ.

Tại bến cá phường 6 (thành phố Tuy Hòa) có 181 tàu câu cá ngừ đại dương đang neo đậu an toàn.

Thượng úy Nguyễn Ngọc Ry, Đội phó Đội kiểm soát hành chính thuộc Đồn biên phòng thành phố Tuy Hòa cho biết, hiện còn 77 tàu với 739 ngư dân phường 6 đang câu cá ngừ đại dương thuộc khu vực phía Nam quần đảo Trường Sa, đều liên lạc được với đồn biên phòng và gia đình.

Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Phú Yên chủ động triển khai phương án ứng phó với thiên tai, trong đó duy trì 160 cán bộ, chiến sĩ thường trực, 5 tàu cứu hộ và 10 ca nô. Tại các đồn biên phòng luôn có cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng cơ động.

Cũng trong ngày 26/10, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam đã có công điện khẩn gửi các ban, ngành chức năng và các địa phương chủ động các biện pháp khẩn trương phòng chống bão số 8.

Tỉnh khuyến cáo nhân dân vùng dễ bị chia cắt dự trữ lương thực, các nhu yếu phẩm đảm bảo sinh hoạt từ 7 đến 10 ngày; duy trì lực lượng xung kích phòng chống lụt bão ở địa phương để sẵn sàng cứu hộ cứu nạn khi có sự cố xảy ra; nghiêm cấm các đò ngang, đò dọc, bè không đảm bảo an toàn di chuyển người, hàng hóa tại những nơi nguy hiểm; bố trí lực lượng chốt chặn, nghiêm cấm người và phương tiện đi lại trên những tuyến bị ngập sâu, nước chảy xiết.

Lực lượng công an tỉnh Quảng Nam triển khai lực lượng tại các vị trí ngập sâu trên quốc lộ 1A và các tuyến giao thông huyết mạch để hướng dẫn, phân luồng các phương tiện giao thông…

Tại thành phố Đà Nẵng, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn cho biết hiện tại có 84 phương tiện tàu thuyền của thành phố đang còn trên biển, với gần 690 lao động. Trong đó, khu vực Trường Sa (đảo Song Tử Tây) có 1 phương tiện, khu vực Vịnh Bắc Bộ có 22 phương tiện, khu vực ven biển Khánh Hòa có 2 phương tiện và khu vực ven biển Huế-Đà Nẵng có 59 phương tiện.

Các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng, các chủ đầu tư khẩn trương tổ chức phòng chống cho các công trình xây dựng, nhất là các công trình xây dựng trên cao, các tháp cầu, các nhà cao tầng, các công trình xây dựng trên sông.

Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố và Cảnh sát đường thủy tổ chức di chuyển toàn bộ tàu thuyền trên sông Hàn vào neo đậu an toàn trong vịnh Mân Quang và âu thuyền Thọ Quang.

Quận Sơn Trà tổ chức di chuyển tàu thuyền trên bãi ngang về vịnh Mân Quang và sẵn sàng triển khai phương án kéo tàu thuyền bãi ngang lên bờ.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác Thủy lợi Đà Nẵng và các địa phương có hồ chứa nước theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước các hồ chứa, chủ động triển khai lực lượng cứu hộ để xử lý sự cố phát sinh, đảm bảo an toàn tuyệt đối công trình

Tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo các địa phương cảnh báo và chuẩn bị các phương án di dời dân ở những vùng có nguy cơ lũ quét, nhất là khu vực cửa sông, vùng sạt lở ven biển Hải Dương (Hương Trà) và thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang) để đối phó với cơn bão số 8.

Toàn tỉnh hiện có hơn 1.600 tàu thuyền được sắp xếp tránh trú bão an toàn tại các âu thuyền lớn, nhỏ và trên các con sông khuất gió. Thời gian qua, tỉnh đã hoàn thành xây dựng thêm cảng cá Tư Hiền có năng lực tiếp nhận 500 tàu công suất từ 20CV đến 300CV; xây dựng bến neo đậu tàu thuyền Phú Hải tiếp nhận công suất chứa 500 tàu công suất từ 20-500CV.

Các dịch vụ hậu cần nghề cá tại cảng cá Thuận An được mở rộng, thu hút nhiều tàu cá ngoại tỉnh vào tránh trú bão ở khu vực cảng. Hệ thống dịch vụ tại cảng cá Thuận An, Tư Hiền, kết hợp nơi neo đậu tàu Vinh Hiền, Phú Thuận, góp phần đáng kể trong công tác phòng chống bão lụt và phát triển nghề cá trong tỉnh.

Bão số 8 xảy ra trong các ngày nghỉ cuối tuần, vì vậy tỉnh Thừa Thiên-Huế yêu cầu các địa phương tăng cường hơn nữa các phương án đối phó, phòng chống bão, nhất là đối với các khu du lịch ven biển và đầm phá, các khu nuôi trồng thủy sản trên đầm phá, đồng thời nghiêm cấm các bến đò ngang hoạt động trong thời gian bão xảy ra.

Chiều 26/10, tỉnh Nghệ An rà soát, kiểm tra cư dân sống tại vùng ven biển, vùng cửa sông, vùng trũng thấp để có phương án sơ tán và bảo vệ an toàn cho người và tài sản. Nghệ An cũng duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu nếu có tình huống phức tạp bão lũ xảy ra.

Đến chiều 26/10, hầu hết các tàu thuyền trên địa bàn tỉnh đã nhận được thông tin về cơn bão và di chuyển đến vùng an toàn. Tại cảng cá Cửa Hội nằm trên địa bàn xã Nghi Hải, thị xã Cửa Lò đã có trên 50 tàu thuyền công suất lớn của Nghệ An và của các tỉnh về neo đậu, trú ẩn.

Theo báo cáo của Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Thanh Hóa, đến chiều 26/10, toàn tỉnh vẫn còn 1.030 phương tiện/7.812 lao động đang hoạt động trên biển, trong đó có 25 phương tiện và 245 lao động chưa liên lạc được. Số tàu thuyền này chủ yếu ở huyện Hoằng Hóa, thị xã Sầm Sơn.

Theo dự báo, khu vực Thanh Hóa có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 8, nhất là từ đêm 27/10 đến 31/10 khu vực Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa có khả năng đạt từ 200-400mm.

Trước diễn biến phức tạp của bão, các địa phương tập trung thông báo, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động ở ngoài khơi vào nơi trú ẩn an toàn, đặc biệt bằng mọi biện pháp để liên lạc với 25 tàu thuyền chưa có liên lạc.

Đơn vị chức năng liên quan cắt cử cán bộ tổ chức hướng dẫn, sắp xếp tàu thuyền tại khu neo đậu tránh bị va đập khi bão đổ bộ vào đất liền. Tỉnh cũng yêu cầu các địa phương đặc biệt chú ý kiểm tra và có biện pháp đảm bảo an toàn cho một số đoạn đê bị vỡ, sạt lở trong đợt lũ đầu tháng Chín, các tuyến đê đang thi công dở dang chưa đảm bảo yêu cầu chống lũ.

Riêng đối với các huyện miền núi phải kiểm tra, rà soát phương án sơ tán dân sinh sống ở ven sông suối, hạ lưu các hồ đập, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất, đồng thời có phương án chuẩn bị đầy đủ lương thực và các nhu yếu phẩm cần thiết để cứu trợ cho nhân dân vùng bị chia cắt, cô lập do lũ lụt gây ra.

Tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị quản lý các hồ đập lớn chủ động xả nước theo phương án đã được duyệt và đúng quy định. Đối với những hồ đập có khả năng mất an toàn phải cử cán bộ xuống tận địa bàn để theo dõi, chỉ đạo.../.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục