Các nhà hàng Nga lâm vào thế “bí” sau lệnh cấm nhập khẩu

Các nhà hàng, các chuỗi bán lẻ, nhà cung cấp thực phẩm nước này đang phải bước vào "cuộc đua" tìm kiếm nguồn cung thay thế.
Các nhà hàng Nga lâm vào thế “bí” sau lệnh cấm nhập khẩu ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: themoscownews.com)

Lệnh cấm nhập khẩu của Nga đối với các mặt hàng thực phẩm châu Âu đang đẩy các nhà hàng, các chuỗi bán lẻ, nhà cung cấp thực phẩm nước này vào "cuộc đua" tìm kiếm nguồn cung thay thế.

Để trả đũa các lệnh trừng phạt phương Tây áp đặt đối với Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine, Chính phủ Nga đã cấm nhập khẩu nhiều nông sản và thực phẩm từ châu Âu, Mỹ , Canada , Australia trong thời hạn một năm. Lệnh cấm này đã giáng một đòn mạnh vào nông dân ở những nước phương Tây vốn dựa vào Nga - khách mua nhiều nhất các sản phẩm đó của Liên minh châu Âu (EU). Nhưng chính lệnh cấm này cũng tác động tiêu cực đến người tiêu dùng Nga và đẩy họ vào tình trạng cô lập nhất trong hoạt động giao thương trên thế giới kể từ hơn hai thập niên qua.

Các món như thịt bò Ribeye của Australia , pho mát Pháp, hải sản của Italy có nguy cơ “biến mất” khỏi thực đơn của các nhà hàng sau lệnh cấm. Một chủ nhà hàng bày tỏ lo ngại giá cả sẽ tăng cao hơn và nhiều nguyên liệu sẽ không nhập được nữa.

Dự trữ năng lượng dồi dào đã đem lại nguồn thu khổng lồ từ dầu mỏ, giúp kinh tế Nga tăng trưởng mạnh mẽ và trong vài thập niên qua, người Nga đã có điều kiện thưởng thức nhiều món ăn đa dạng. Sushi là một món ăn khá phổ biến tại Nga và thậm chí còn xuất hiện trong cả thực đơn của các các nhà hàng Pháp và Italy. Tuy nhiên, món ăn này có khả năng trở nên khan hiếm.

Rosinter, một trong những chuỗi nhà hàng lớn nhất nước Nga, cho biết hơn 50% nguyên liệu để chế biến món sushi là nhập khẩu. Theo người đại diện của Rosinter, Elena Mazur, lệnh cấm nhập khẩu đã đẩy công việc kinh doanh của hệ thống nhà hàng này rơi vào khó khăn.

Ngược với tâm trạng lo âu của các nhà chủ nhà hàng, giới sản xuất thực phẩm trong nước lại tỏ ra hoan hỉ.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong ngành công nghiệp thực phẩm tỏ ý nghi ngờ về khả năng của các nhà sản xuất trong nước bù đắp nguồn cung thiếu hụt. Theo họ, ngành nông nghiệp Nga, vốn đã mất nhiều thời gian mới có thể phục hồi sau khi Liên Xô tan rã, hiện đang gặp khó khăn về nguồn lực.

Trong lúc một số chuyên gia về nông nghiệp vẫn tỏ ra khá lạc quan với nhận định lệnh cấm sẽ tạo động lực cho ngành nông nghiệp và nông dân Nga sẽ có cơ hội bán nhiều sản phẩm hơn ra thị trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục