Các nhà khoa học khuyến cáo không tiêm mũi vaccine tăng cường quá sớm

Các nhà khoa học cho rằng mục tiêu của mũi vaccine tăng cường không chỉ là tạo ra kháng thể mà còn cả miễn dịch đặc hiệu qua tế bào lympho T nhằm ngăn chặn nguy cơ nhập viện.
Các nhà khoa học khuyến cáo không tiêm mũi vaccine tăng cường quá sớm ảnh 1Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Sydney, Australia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới rút ngắn thời gian chờ tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19, từ 6 tháng xuống gần nhất là 3 tháng, sau khi các dữ liệu ban đầu cho thấy biến thể Omicron lây truyền nhanh hơn so với biến thể Delta và có thể “tấn công” cả những người đã tiêm phòng hoặc từng mắc COVID-19.

Tuy nhiên, một số nhà khoa học cho rằng việc tiêm mũi tăng cường quá sớm có thể ảnh hưởng đến mức độ bảo vệ của vaccine trong dài hạn.

Thông tin về biến thể Omicron hiện còn hạn chế. Tuy nhiên, đến nay đã có 6 nghiên cứu thực hiện trong phòng thí nghiệm kết luận một liệu trình vaccine ngừa COVID-19 (thường là hai mũi) là không đủ để chống lại biến thể Omicron, song cho rằng một mũi tăng cường có thể tăng khả năng bảo vệ.

Đầu năm nay, nhiều quốc gia - trong đó có Mỹ, đã cấp phép tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 sau 6 tháng kể từ khi hoàn tất tiêm chủng.

Trong tháng 12 này, Mỹ cùng với Hàn Quốc, Anh và Thái Lan đã rút ngắn thời gian chờ mũi tiêm tăng cường xuống còn 3 tháng.

Bỉ quy định thời gian có thể nhận mũi tiêm tăng cường là sau 4 tháng, trong khi Pháp, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Italy và Australia khuyến nghị tiêm mũi tăng cường sau 5 tháng.

Phần Lan đề xuất thời gian chờ mũi tăng cường là 3 tháng đối với những người có nguy cơ cao mắc COVID-19. Tây Ban Nha và Lítva đến nay chỉ cung cấp mũi bổ sung cho những người có hệ miễn dịch suy giảm, người cao tuổi hoặc người có nguy cơ cao.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng thời gian chờ mũi tiêm tăng cường ngắn hơn có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của các loại vaccine có liệu trình ít nhất hai mũi.

[Hãng Moderna khẳng định tiêm mũi tăng cường giúp bảo vệ chống Omicron]

Chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại Trường Y thuộc Đại học Vanderbilt (Mỹ) - Tiến sỹ William Schaffner, nhấn mạnh: “Với các loại vaccine đa liều, hệ miễn dịch cần thời gian để phản ứng tốt hơn.”

Trong khi các kết quả nghiên cứu cho thấy việc tiêm mũi tăng cường có thể giúp tăng nồng độ kháng thể trong ngắn hạn, các nhà khoa học cho rằng mục tiêu của vaccine là tạo ra không chỉ kháng thể mà còn cả miễn dịch đặc hiệu qua tế bào lympho T nhằm ngăn chặn nguy cơ nhập viện.

Tiến sỹ Luciano Borio, từng là trưởng nhóm khoa học tại Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) của Mỹ, bày tỏ lo ngại khi đến nay vẫn chưa rõ tác động của việc tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 quá sớm đối với miễn dịch tạo ra sau khi tiêm phòng đầy đủ.

Ông cho rằng: “Ba tháng dường như là một khoảng thời gian rất ngắn”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục