Các nhà mạng ứng phó thế nào khi cáp AAG, APG cùng gián đoạn?

Các nhà cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam đã có những phương án cần thiết để ứng phó với việc hai tuyến cáp quang biển quan trọng có thể bị gián đoạn kết nối.
Các nhà mạng ứng phó thế nào khi cáp AAG, APG cùng gián đoạn? ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: fwallpapers.com)

Như VietnamPlus đã đưa, trong vài ngày tới, Internet Việt Nam đi quốc tế nhiều khả năng sẽ bị gián đoạn do tuyến cáp AAG phải dịch chuyển để phục vụ việc mở rộng sân bay Changi – Singapore và AAG thì tiến hành cấu hình lại nguồn.

Sự việc này sẽ gây ảnh hưởng lên toàn bộ các nhà mạng của Việt Nam và quốc tế khai thác trên hai tuyến cáp nói trên. Dự báo, trong quá trình 2 tuyến cáp biển được tiến hành di dời và cấu hình hệ thống, lưu lượng kênh truyền kết nối Internet quốc tế trên các tuyến cáp biển này có thể tạm thời bị gián đoạn.

Ứng phó

Trao đổi với phóng viên VietnamPlus, đại diện của CMC Telecom cho hay, đơn vị này đã chuyển lưu lượng sang tuyến cáp đất liền để bù đắp dung lượng kết nối đi quốc tế bị ảnh hưởng do các tuyến cáp biển APG và AAG gián đoạn liên lạc trên kênh truyền trong những ngày tới.

[Internet từ Việt Nam đi quốc tế sẽ bị ảnh hưởng 2 ngày cuối tuần]

Trong khi đó, ông Vũ Thế Bình, Tổng Giám đốc của NetNam cũng cho biết, dung lượng quốc tế của đơn vị này chủ yếu sử dụng qua tuyến cáp biển AI và tuyến cáp đất liền, còn dung lượng qua APG và AAG chỉ sử dụng cho chức năng ứng cứu. Bên cạnh đó, thời điểm tạm dừng hoạt động của hai tuyến cáp trên là cuối tuần, cũng là giai đoạn thấp điểm dịch vụ, nên nhìn chung không có ảnh hưởng tới khách hàng của NetNam.

Cũng theo ông Bình, dung lượng thực tế sử dụng của NetNam mới chiếm khoảng 60% dung lượng khả dụng. Vì vậy với sự tạm dừng hoạt động của hai tuyến cáp nói trên, NetNam không phải triển khai biện pháp ứng cứu và chuẩn bị gì.

“Tuy nhiên, NetNam cũng có ảnh hưởng gián tiếp đối với một nhóm khách hàng có hai đường kết nối. Khi đường kết nối với một nhà cung cấp dịch vụ khác có vấn đề, thì khách hàng sẽ đẩy lưu lượng qua NetNam nhiều hơn, khi đó sẽ làm tăng lưu lượng chung của NetNam. Song, theo tính toán của chúng tôi, tổng dung lượng khả dụng của NetNam vẫn đảm bảo được,” ông Bình nhận định.

Trước đó, VNPT cũng cho biết đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức định tuyến, ưu tiên lưu lượng trên các hướng cáp biển khác và tuyến cáp quốc tế chạy trên đất liền đang hoạt động ổn định nhằm đảm bảo chất lượng kết nối quốc tế cho các khách hàng. Tuy nhiên, đơn vị này cho biết việc hai tuyến cáp cùng gián đoạn sẽ gây ra ảnh hưởng nhất định tới chất lượng kết nối.

Phía Viettel thì cho hay, để đảm bảo dich vụ cho khách hàng, nhà mạng đã chủ động định tuyến lưu lượng quốc tế trên các hướng cáp biển khác và hướng đất liền nhằm đảm bảo chất lượng kết nối không chỉ cho khách hàng Viettel mà cho các các doanh nghiệp, nhà mạng khác đang thuê kênh kết nối quốc tế trên các tuyến cáp biển này.

Ảnh hưởng không lớn?

Vẫn theo phía Viettel, dung lượng còn lại của đơn vị này vẫn đủ để đảm bảo dịch vụ, kể cả vào giờ cao điểm nên khách hàng Viettel sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự cố của 2 tuyến cáp biển AAG, APG nói trên.

Đứng ở góc độ Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam, ông Bình cho rằng các nhà cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam đã quen ứng phó với việc một hoặc hai tuyến cáp biển cùng dừng hoạt động. Bên cạnh đó, các đơn vị đều có độ dư nhất định nên việc tạm dừng có kế hoạch của hai tuyến cáp AAG và APG lần này, theo ông Bình, có lẽ không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng dịch vụ Internet Việt Nam nói chung.

Các nhà mạng ứng phó thế nào khi cáp AAG, APG cùng gián đoạn? ảnh 2Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: mmbiztoday.com)

Tuy nhiên, ông Bình cho rằng, mỗi nhà cung cấp dịch vụ sẽ có sự ảnh hưởng khác nhau bởi dung lượng qua cáp AAG vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu quốc tế của một vài doanh nghiệp.

Ngoài ra, về chất lượng dịch vụ, thông thường để ứng cứu đủ dung lượng ban đầu, các nhà cung cấp cần vài ngày để thực hiện. Do đó, rất có thể một số nhóm khác hàng ít ưu tiên hơn sẽ bị ảnh hưởng về chất lượng dịch vụ và thông thường các khách hàng tổ chức, doanh nghiệp và 3G/4G thường được coi là các nhóm ưu tiên hơn.

Trước việc một số doanh nghiệp thương mại điện tử xuyên biên giới lo ngại khi hai tuyến cáp cùng bảo trì, di dời sẽ gây ảnh hưởng cho hoạt động của họ, ông Bình thẳng chắn cho rằng, khi hệ thống cáp biển gặp sự cố thì chất lượng dịch vụ không thể đảm bảo như thông thường.

Theo ông Bình, với các doanh nghiệp thương mại điện tử xuyên biên giới, ngoài yếu tố băng thông, hoạt động của họ còn liên quan đến chất lượng dịch vụ. Khi có sự cố các tuyến cáp, thông thường các nhà cung cấp dịch vụ phải định tuyến lại hướng đi của mình và dù ít dù nhiều sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ của các giao dịch trực tuyến.

Do đó, ông Bình khuyến nghị với các giao dịch quan trọng, doanh nghiệp nên có tối thiểu 2 kết nối với hai nhóm nhà cung cấp dịch vụ Internet khác nhau./.

Cáp quang biển quốc tế AAG gặp sự cố. (Nguồn: Vnews)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục