Các nước Nam Á bàn chiến lược chung đối phó với dịch COVID-19

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhấn mạnh, mặc dù tổng số ca nhiễm bệnh được báo cáo ở khu vực Nam Á là chưa tới 200 trường hợp, song các quốc gia cần duy trì cảnh giác.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Bangalore, Ấn Độ, ngày 11/3 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Bangalore, Ấn Độ, ngày 11/3 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cùng với lãnh đạo và đại diện các quốc gia thuộc Hiệp hội hợp tác khu vực Nam Á (SAARC) chiều 15/3 đã tổ chức một hội nghị thông qua cầu truyền hình để đề ra một chiến lược chung nhằm đối phó với sự bùng phát của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đến nay đã khiến hơn 6.000 người tử vong trên thế giới.

Tham dự hội nghị, ngoài ông Modi còn có Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa, Tổng thống Maldives Ibrahim Mohamed Solih, Thủ tướng Nepal K.P. Sharma Oli, Thủ tướng Bhutan Lotay Tshering, Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani và Trợ lý đặc biệt của Thủ tướng Pakistan về Y tế Zafar Mirza.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Modi nhấn mạnh, mặc dù tổng số ca nhiễm bệnh được báo cáo ở khu vực Nam Á là chưa tới 200 trường hợp, song các quốc gia cần duy trì cảnh giác.

Khẩu hiệu của Ấn Độ trong đối phó với dịch COVID-19 là "luôn sẵn sàng nhưng không hoang mang."

Ấn Độ cũng hưởng ứng lời kêu gọi của các công dân nước này ở nước ngoài và đã sơ tán gần 1.400 người Ấn Độ từ các vùng dịch khác nhau.

[Học giả Ấn Độ ca ngợi vai trò của Việt Nam trong phòng chống COVID-19]

Tại hội nghị, nhà lãnh đạo Ấn Độ đề xuất lập một quỹ khẩn cấp chống dịch COVID-19 và New Delhi sẽ đóng góp một khoản ban đầu trị giá 10 triệu USD.

Hội nghị thượng đỉnh trên có ý nghĩa quan trọng vì SAARC đã hầu như không hoạt động kể từ năm 2016.

Thủ tướng Modi đã từ chối tham dự hội nghị thượng đỉnh SAARC 2016, theo kế hoạch được tổ chức tại Islamabad, tiếp sau vụ tấn công khủng bố Uri do các phần tử khủng bố Pakistan gây ra.

Sau khi Bangladesh, Afghanistan và Bhutan cũng rút khỏi cuộc họp, hội nghị đã bị hủy bỏ.

Hội nghị thượng đỉnh SAARC được tổ chức hai năm một lần bởi các quốc gia thành viên theo thứ tự bảng chữ cái.

Hội nghị thượng đỉnh gần nhất được tổ chức vào năm 2014 tại Kathmandu, Nepal./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục