Các nước thận trọng phát triển năng lượng hạt nhân

Quan ngại về những nguy cơ hạt nhân sau vụ động đất ở Nhật Bản, các nước đã cân nhắc kế hoạch phát triển năng lượng hạt nhân.
Quan ngại về những nguy cơ hạt nhân sau vụ động đất kinh hoàng ở Nhật Bản cuối tuần qua, đặc biệt sau khi xảy ra vụ nổ tại nhà máy điện hạt nhân ở tỉnh Fukushima, ngày 13/3, các nghị sỹ Mỹ đã kêu gọi chính quyền cân nhắc các biện pháp hạn chế tốc độ phát triển các nhà máy điện hạt nhân tại nước này.

Phát biểu trên kênh truyền hình CBS News, Thượng nghị sỹ Joseph Liberman, Chủ tịch Ủy ban An ninh nội địa của Thượng viện, cho rằng các chương trình phát triển năng lượng hạt nhân tại Mỹ hiện nay cần tạm ngừng cho tới khi các chuyên gia đánh giá được chính xác mức độ nguy hiểm hạt nhân sau vụ động đất mạnh 8,9 độ Richter ở Nhật Bản.

Trả lời phỏng vấn tờ Thời báo New York ngày 11/3, Hạ nghị sĩ Edward Markey đã kêu gọi chính quyền ngừng các dự án xây dựng lò phản ứng hạt nhân tại các khu vực có hoạt động địa chất mạnh. Theo ông, thảm họa động đất gây sóng thần vừa qua ở Nhật Bản cho thấy mức độ dễ tổn thương của các nhà máy điện hạt nhân và các hậu quả nghiêm trọng liên quan tới rò rỉ phóng xạ sau động đất.

Tuy nhiên, một số nghị sĩ Mỹ vẫn bảo vệ quan điểm cho rằng cần phát triển năng lượng hạt nhân nhằm giảm sự phụ thuộc của nước này vào nguồn dầu mỏ nước ngoài.

Ngay từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Barack Obama đã chủ trương phát triển năng lượng hạt nhân, xây dựng thêm nhiều nhà máy điện hạt nhân nhằm giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào nguồn dầu mỏ và than đá của nước ngoài.

Tại Philippines, các thượng nghị sĩ cũng kêu gọi cần thận trọng Huhne trong kế hoạch phát triển năng lượng hạt nhân ở nước này. Philippines đã xây dựng nhà máy điện hạt nhân Bataan (BNPP) từ lâu song chưa đưa vào sử dụng do vẫn còn nhiều ý kiến quan ngại về mức độ an toàn vì nhà máy này nằm gần núi lửa Pinatubo.

Chủ tịch Thượng viện Philippines Juan Ponce Enrile cho rằng cần phải chờ nghiên cứu vấn đề an toàn hạt nhân trước khi thảo luận lại về hoạt động của nhà máy Bataan. Bộ trưởng Khoa học và công nghệ Mario G. Montejo và Bộ trưởng Năng lượng Jose Rene D. Almendras cũng nhất trí rằng cần chú trọng vấn đề an toàn hạt nhân và hiện vẫn còn quá sớm để thảo luận về việc sử dụng điện hạt nhân ở Philippines.

Viện Nghiên cứu hạt nhân Philippines cho biết đang theo dõi chặt chẽ tình hình tại tỉnh Fukushima của Nhật Bản và sẽ chuẩn bị một kế hoạch phản ứng khẩn cấp trong trường hợp có rò rỉ phóng xạ đe dọa Philippines. Một phần của kế hoạch này bao gồm mua và phân phối cho người dân iốt kali dạng viên để ngăn chặn tuyến giáp hấp thụ chất phóng xạ.

Nhiều nước châu Âu đã xúc tiến kế hoạch kiểm tra mức độ an toàn của các nhà máy điện hạt nhân trong khu vực sau vụ nổ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima.

Ngày 13/3, Áo đã kêu gọi kiểm tra toàn bộ các nhà máy điện hạt nhân ở 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) để xác định mức độ an toàn. Bộ trưởng Môi trường Áo Nikolaus Berlakovich cho biết ông sẽ đề nghị các bộ trưởng môi trường EU trong cuộc họp tại Brussels (Bỉ) vào ngày 14/3 thông qua kế hoạch kiểm tra độ an toàn của các nhà máy hạt nhân, giống như chương trình kiểm tra hệ thống ngân hàng sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Theo ông Berlakovich, kế hoạch kiểm tra cần bao gồm đánh giá độ an toàn của các nhà máy hạt nhân khi xảy ra động đất, hệ thống làm mát của các nhà máy cũng như vỏ bảo vệ lò phản ứng.

Tại Anh, người phát ngôn Bộ Năng lượng và biến đổi khí hậu tuyên bố chính phủ và các cơ quan hữu quan đang theo dõi sát tình hình hạt nhân tại Nhật Bản và sẽ rút ra những bài học kinh nghiệm cho các nhà máy điện hạt nhân ở Anh. Trước đó, Bộ trưởng bộ này Chris Huhne cho biết Anh xác định an toàn là ưu tiên số một trong phát triển năng lượng hạt nhân.

Tháng 12 năm ngoái, Chính phủ Anh đã thông qua kế hoạch trong những năm tới xây dựng thêm 8 nhà máy điện hạt nhân ở một số địa điểm tại vùng England và xứ Wales.

Pháp cũng tuyên bố sẽ rút ra những bài học bổ ích từ thảm họa ở Nhật Bản trong kế hoạch vận hành các nhà máy điện hạt nhân của mình. Ngày 13/3, những người đứng đầu các bộ chủ chốt, lãnh đạo các cơ quan năng lượng hạt nhân và các công ty hoạt động trong lĩnh vực này ở Pháp đã nhóm họp. Tại cuộc họp, Thủ tướng Pháp Francois Fillon bày tỏ mong muốn Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) phổ biến thông tin đầy đủ về những nguy cơ hạt nhân sau thảm họa ở Nhật Bản.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết nước này sẽ kiểm tra toàn diện các tiêu chuẩn về an toàn của 17 nhà máy điện hạt nhân tại nước này. Phát biểu với báo giới sau cuộc họp khẩn cấp tối 12/3, Thủ tướng Merkel cho biết sự cố tại Nhật Bản là bước ngoặt đối với thế giới, bởi Nhật Bản là quốc gia có tiêu chuẩn an toàn thuộc hàng cao nhất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục