Các phe phái tại Libya nhất trí về lộ trình cho giải pháp chính trị

Các cuộc đàm phán ngày 5/1 giữa các phe phái tại Libya diễn ra vài ngày sau khi Thủ tướng Chính phủ Thống nhất Quốc gia Libya cam kết rằng, năm 2023 sẽ là "năm bầu cử và thống nhất các thể chế."
Các phe phái tại Libya nhất trí về lộ trình cho giải pháp chính trị ảnh 1Binh sỹ thuộc quân đội Chính phủ Thống nhất Quốc gia Libya (GNU) gác gần khu vực sân bay quốc tế Tripoli (Libya), ngày 25/7/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các phe phái tại Libya vừa thông báo nhất trí nhanh chóng đạt được “cơ sở hiến pháp” nhằm thúc đẩy một giải pháp chính trị ở quốc gia Bắc Phi này.

Tuyên bố chung của các phe phái được đưa ra tại cuộc họp ngày 5/1 ở Cairo sau nỗ lực mới nhất của Ai Cập nhằm chấm dứt chia rẽ và xung đột ở Libya, quốc gia vốn đang chìm trong bất ổn chính trị và an ninh.

Chủ tịch Quốc hội Ai Cập Hanafy El Gibaly chủ trì cuộc họp với sự tham dự của ông Khaled Al Mishri, Chủ tịch Hội đồng Cấp cao Nhà nước Libya - cơ quan cố vấn của chính phủ có trụ sở tại Tripoli - và Chủ tịch Quốc hội ở miền Đông Libya Aguila Saleh.

Tuyên bố chung được đưa ra sau khi ông Saleh và ông Al Mishri đồng ý "vạch ra một lộ trình rõ ràng, dự kiến được công bố sau đó, nhằm hoàn thành tất cả các bước cần thiết để thực hiện quy trình bầu cử liên quan đến cơ sở hiến pháp, các luật cũng như các vấn đề về hành pháp và việc thống nhất các thể chế."

Libya đã rơi vào cảnh chia rẽ và bạo lực nghiêm trọng kể từ sau cuộc chính biến lật đổ nhà độc tài Muammar Gaddafi vào năm 2011.

Quốc gia này bị chia cắt bởi các nhóm vũ trang hùng mạnh có ảnh hưởng đối với các chính trị gia. Ai Cập lâu nay đã nỗ lực làm trung gian hòa giải giữa các phe phái ở Libya, nhưng đến nay chưa đạt được nhiều tiến triển rõ rệt.

Mối quan tâm của Ai Cập đối với Libya chủ yếu bắt nguồn từ mối lo ngại rằng sự hiện diện của các nhóm chiến binh và binh sỹ nước ngoài tại quốc gia láng giềng này có thể đe dọa an ninh quốc gia của Cairo.

Những năm gần đây, các chiến binh có căn cứ tại Libya đã tiến hành các cuộc tấn công xuyên biên giới nhằm vào lực lượng an ninh Ai Cập và những người Cơ đốc giao thiểu số đi lại trên các tuyến đường sa mạc gần khu vực biên giới.

Kết quả các cuộc đàm phán ngày 5/1 vừa qua dường như không giúp các nỗ lực hòa giải của Ai Cập tiến xa hơn do các bên của Libya không đề cập đến mốc thời gian cụ thể để đạt được cơ sở hiến pháp hoặc ấn định ngày bầu cử.

[Mỹ kêu gọi các phe phái tại Libya tìm giải pháp tổ chức bầu cử]

Các cuộc đàm phán diễn ra vài ngày sau khi Thủ tướng Chính phủ Thống nhất Quốc gia Libya Abdul Hamid Dbeibeh thông báo chính quyền của ông sẵn sàng tổ chức các cuộc bầu cử quốc gia trong năm nay, đồng thời cam kết rằng năm 2023 sẽ là "năm bầu cử và thống nhất các thể chế."

Mới đây, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về bế tắc chính trị dai dẳng ở Libya, gần một năm sau cuộc bầu cử dự kiến vào ngày 24/12/2021 không thành hiện thực và hơn hai năm sau thỏa thuận về lộ trình của Diễn đàn Đối thoại Chính trị Libya.

Các thành viên của Hội đồng Bảo an tỏ ra thất vọng về sự thiếu tiến triển, tiếp tục gây rủi ro cho việc đạt được sự ổn định và thống nhất của đất nước này.

Trong một thông cáo báo chí, họ kêu gọi tất cả các bên ở Libya và các bên liên quan chính tham gia đối thoại với Abdoulaye Bathily, Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc và người đứng đầu Phái bộ hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Libya, một cách xây dựng trên tinh thần thỏa hiệp và đồng thuận.

Các phe phái tại Libya nhất trí về lộ trình cho giải pháp chính trị ảnh 2Binh sỹ thuộc Bộ Quốc phòng Libya gác tại khu vực ngoại ô Tripoli (Libya), ngày 22/7/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hồi cuối tháng 11 vừa qua, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry nhấn mạnh sự cần thiết của việc tiến hành đồng bộ các cuộc bầu cử tổng thống và lập pháp nhằm chấm dứt bế tắc và hiện thực hóa nguyện vọng của người dân Libya, dựa trên một giải pháp chính trị nội bộ và tôn trọng cơ quan lập pháp được bầu ra.

Ngoại trưởng Ai Cập cũng kêu gọi “sự theo dõi tích cực” của cộng đồng quốc tế đối với các bên chịu trách nhiệm thực thi các thỏa thuận liên quan.

Ông Shoukry nhấn mạnh rằng các quyết định của Liên hợp quốc và quốc tế liên quan đến việc rút tất cả các lực lượng nước ngoài khỏi Libya bao gồm lính đánh thuê và chiến binh người nước ngoài, cần phải được “thực hiện trong một khung thời gian cụ thể.”

Ông Shoukry đồng thời kêu gọi hỗ trợ cho Ủy ban quân sự hỗn hợp 5 + 5 của Libya. Ủy ban này được thành lập vào năm 2020 - là một trong ba lộ trình trong quy trình dàn xếp do Liên hợp quốc hậu thuẫn, nhằm đảm bảo việc rút tất cả các chiến binh nước ngoài được hỗ trợ bởi các cường quốc nhằm ủng hộ cho lực lượng miền Đông và miền Tây Libya./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục