Tại Hội thảo quốc tế về kiểm soát chế độ dinh dưỡng liên quan đến bệnh không lây nhiễm tại châu Á, vừa được Bộ Y tế tổ chức, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng ngày càng gia tăng của các bệnh không lây nhiễm, chủ yếu là bệnh tim mạch, tiểu đường, phổi tắc nghẹn mạn tính và ung thư.
Ước tính cứ trong 10 ca tử vong ở Việt Nam thì có gần 8 ca tử vong là do bệnh không lây nhiễm.
Nâng cao nhận thức của người dân
Đặc biệt, theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, trong số 12 triệu người mắc bệnh tăng huyết áp ở cộng đồng hiện nay có tới gần 60% chưa được phát hiện bệnh. Trong tổng số hơn 3 triệu người bị đái tháo đường thì có gần 70% chưa được phát hiện bệnh.
Các chuyên gia cho biết, việc phát hiện sớm các bệnh không lây nhiễm (những trường hợp nghi ngờ, hay nguy cơ cao) có giá trị lớn trong điều trị, có thể phòng ngừa và giảm các hậu quả của bệnh đối với người bệnh, gia đình và xã hội.
[Công bố 9 sự kiện tiêu biểu của ngành y tế trong năm 2018]
Trước tình hình trên, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Sức khoẻ Việt Nam tại Quyết định số 1092/QĐ-TTg, trong đó phát hiện và quản lý một số bệnh không lây nhiễm là một trong 11 nội dung ưu tiên giai đoạn 2018- 2030.
Chương trình và đặt ra mục tiêu: Tăng tỷ lệ phát hiện tăng huyết áp, đái tháo đường lên 50% (2025) và 70% (2030); Tăng tỷ lệ người thuộc đối tượng nguy cơ được khám phát hiện sớm ung thư (Ung thư vú, ung thư cổ tử cung và ung thư đại trực tràng) từ 40% (2025) lên 50% (2030).
Để thực hiện mục tiêu này, ngành y tế cần tăng cường, nâng cao nhận thức của người dân, cán bộ y tế, đặc biệt là cán bộ tuyến cơ sở (huyện, xã...) về cách phát hiện sớm những bệnh không lây nhiễm, đặc biệt là tăng huyết áp, đái tháo đường hay các bệnh lý ung thư trên đây.
Những đối tượng nguy cơ mắc bệnh
Theo khuyến cáo của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), để phát hiện người có yếu tố nguy cơ mắc tăng huyết áp và nguy cơ tim mạch, đái tháo đường, cần lưu ý tới những người có hút thuốc lá/thuốc lào; Những người vận động thể lực dưới 30 phút/ngày, dưới 5 ngày tuần (bao gồm thể dục, thể thao, đi bộ và lao động chân tay); những người thừa cân (chỉ số khối cơ thể BMI từ 25 -30), béo phì (BMI trên 30). Chỉ số BMI này được tính theo công thức: cân nặng (kg) chia cho chiều cao (m) bình phương.
Riêng với bệnh tăng huyết áp, nguy cơ tim mạch, những đối tượng sau được coi là có yếu tố nguy cơ như: Nam giới trên 55 tuổi và nữ giới trên 65 tuổi, người ăn trên 5gam muối/ngày (tương đương một thìa café); ăn ít rau, trái cây dưới 400gam/ngày; những người có bố, mẹ, anh, chị em ruột mắc bệnh tim mạch ở độ tuổi dưới 55 (với nam), dưới 65 (với nữ), người hay bị stress và căng thẳng tâm lý; người đã được cơ sở y tế chẩn đoán mắc đái tháo đường, rối loạn lipid máu…
Ngoài ra, các chuyên gia Cục Y tế Dự phòng cũng chỉ ra những người được xếp vào đối tượng có nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm rất phổ biến này, đó là những người uống nhiều rượu bia… Với nam giới, đó là những người trong một ngày nếu uống hơn 2 đơn vị cồn tương đương với trên 2 chai/hộp/cốc bia 330 ml (5%) hoặc trên 2 ly rượu vang 100 ml (13,5%), trên 2 chén rượu mạnh 30 ml (40%) sẽ được coi là uống nhiều, có nguy cơ cao.
Với bệnh đái tháo đường type 2, Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo, cần lưu tâm đến những người từ 45 tuổi trở lên; được chẩn đoán tăng huyết áp; có bố, mẹ, anh, chị em ruột mắc bệnh đái tháo đường type 2; Phụ nữ bị buồng trứng đa nang hoặc đã mắc đái tháo đường thai kỳ.
“Khi phát hiện người có yếu tố nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm phổ biến như tăng huyết áp, nguy cơ tim mạch hay đái tháo đường, cần tư vấn cho đối tượng thay đổi hành vi lối sống và khám sức khỏe định kỳ” – tiến sỹ Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục y tế Dự phòng cho hay.
Đối với nhân viên y tế, khi phát hiện người có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần giới thiệu họ đến cơ sở y tế để khám, phát hiện và điều trị kịp thời, cùng đó, những tư vấn thay đổi hành vi lối sống để dự phòng bệnh tật cũng rất quan trọng./.
Cục Y tế Dự phòng cũng đưa ra hướng dẫn để phát hiện người nghi ngờ mắc một số bệnh không lây nhiễm thường gặp như:
Bệnh tăng huyết áp: Đo huyết áp nếu có chỉ số huyết áp như sau: huyết áp tâm thu từ 130 - 139mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương từ 80 - 89mmHg
Bệnh đái tháo đường: Tiểu nhiều; Uống nhiều nước; Ăn nhiều; Sút cân không rõ nguyên nhân.
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính: Ho, khạc đờm mạn tính (thường ho khạc đờm vào sáng sớm, đờm nhầy, trắng), khó thở tăng dần.
Một số bệnh ung thư: Vết loét trên cơ thể lâu liền; Ho dai dẳng, tức ngực, điều trị không đỡ; Chậm tiêu, khó nuốt; Thay đổi thói quen bài tiết phân, nước tiểu; Có khối u ở vú hay ở trên cơ thể; Hạch bạch huyết to không bình thường; Chảy máu, dịch ra bất thường ở âm đạo; Ù tai, nhìn đôi; Gầy sút, thiếu máu không rõ nguyên nhân…