Cần phân biệt các loại thuốc lá mới để có chính sách kiểm soát phù hợp

Hiện nay phần lớn mọi người còn nhầm lẫn giữa các sản phẩm thuốc lá mới và sự nhầm lẫn này là một trong những nguyên nhân chậm đưa ra cơ chế kiểm soát phù hợp, hiệu quả.

thuoc la_1.jpg
Ông Cao Trọng Quý, Trưởng phòng Công nghiệp Tiêu dùng Thực phẩm, Cục Công nghiệp-Bộ Công Thương.

Thực tế đang tồn tại nhiều loại thuốc lá mới xâm nhập thị trường, trong đó phổ biến là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng.

Về mặt cấu tạo kỹ thuật, thành phần thì hai sản phẩm này khác nhau, nhưng cùng có cơ chế hoạt động là làm nóng bằng thiết bị điện tử, thay vì đốt cháy trực tiếp như thuốc lá điếu.

Do vậy, phần lớn mọi người còn nhầm lẫn giữa các sản phẩm này, kể cả các cơ quan quản lý. Sự nhầm lẫn này là một trong những nguyên nhân chậm đưa ra cơ chế kiểm soát phù hợp, hiệu quả.

Tránh đánh đồng mọi loại thuốc lá mới là như nhau

Để tăng cường năng lực quản lý cho cơ quan chức năng các nước, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phân biệt rõ sự khác nhau giữa thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử, khuyến nghị các hướng quản lý riêng biệt.

Điểm khác biệt lớn nhất của hai sản phẩm này là nguyên liệu. Thuốc lá điện tử sử dụng dung dịch chứa nicotine, trong khi thuốc lá làm nóng sử dụng nguyên liệu thuốc lá.

Tại tọa đàm ngày 19/10/2023, ông Cao Trọng Quý, Trưởng phòng Công nghiệp Tiêu dùng Thực phẩm, Cục Công nghiệp-Bộ Công Thương nhận định: "Hiện nay truyền thông đang có sự nhầm lẫn giữa thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng, chưa phân biệt rõ với nhau và hay đánh đồng rằng cả hai sản phẩm thuốc lá mới này đều là thuốc lá điện tử.”

Truyền thông đang có sự nhầm lẫn về đối tượng gây ra các vụ ngộ độc vì thuốc lá mới gần đây. Các chuyên gia xác nhận cho đến nay chưa có số liệu đề cập đến nguy cơ gây ngộ độc của thuốc lá làm nóng.

Gần đây nhất, tại tọa đàm ngày 22/12/2023, các chuyên gia y tế lý giải, nguyên nhân của các ca ngộ độc thuốc lá mới gần đây được ghi nhận là đến từ các chất cấm, thành phần không rõ nguồn gốc mà kẻ gian trà trộn vào, chủ yếu là trong dung dịch của thuốc lá điện tử hệ thống mở.

Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ-Bác sỹ Trần Khánh Toàn - Giảng viên Cao cấp Bộ môn Y học Gia đình, Trường Đại học Y Hà Nội, với loại thuốc lá điện tử hệ thống mở, người bán hoặc người dùng có thể tháo lắp để đưa các chất khác vào. Đó có thể là chất cấm, chất hướng thần hoặc các thành phần không rõ nguồn gốc.

Do đó, theo Phó Giáo sư Toàn, hệ lụy của việc chưa phân định rõ các loại sản phẩm thuốc lá mới là rất lớn: Điều Việt Nam quan ngại nhất là mọi người chưa phân biệt các loại thuốc lá mới. Chiến lược quốc gia về kiểm soát thuốc lá đến năm 2025 và tầm nhìn 2030 quy định chung là ‘ngăn ngừa việc sử dụng các loại thuốc lá thế hệ mới, bao gồm thuốc lá nung nóng và thuốc lá điện tử; chưa tách thuốc lá làm nóng riêng để quản lý như một sản phẩm thuốc lá (sản phẩm có sử dụng nguyên liệu từ thuốc lá).

Do vậy, ông Cao Trọng Quý khuyến nghị cần phân biệt rõ sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng để có hướng quản lý phù hợp.

Vậy thuốc lá thế hệ mới nào là sản phẩm thuốc lá?

Công bố vào năm 2020, WHO cũng đã nêu rõ trong tài liệu phát hành dành cho công chúng: "Sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng đều có chứa nicotine, nhưng khác nhau ở thành phần. Thuốc lá làm nóng có nguyên liệu thuốc lá trong điếu thuốc lá ngắn đặc chế.

Thuốc lá điện tử thì có thành phần là dung dịch tinh dầu với khoảng 15.500 loại hương liệu được sử dụng, trong đó, rất nhiều loại hương liệu độc hại, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, có thể gây cháy nổ, và có thể pha trộn các chất khác vào dung dịch như ma túy, cần sa…”

thuoc la_2.jpg
Thông tin về thuốc lá làm nóng (HTP) do WHO công bố, phiên bản 2, cập nhật năm 2020.

Vì vậy, theo các chuyên gia, việc đánh đồng các sản phẩm thuốc lá mới là như nhau sẽ làm chậm tiến trình quản lý, đặc biệt đối với những sản phẩm đã phù hợp với định nghĩa và thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, Chống Tác hại Thuốc lá hiện hành.

Liên quan đến cơ sở pháp lý, Tiến sỹ Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, cho rằng chúng ta chỉ mới tiếp cận theo hướng bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, chưa quan tâm đầy đủ đến vấn đề thị trường.

Trong khi đó, Luật Phòng, Chống Tác hại Thuốc lá đã có quy định rõ vùng ảnh hưởng, phạm vi, đối tượng bị cấm tiếp xúc với mọi loại thuốc lá, cũng như đã giải thích rõ định nghĩa về sản phẩm thuốc lá thuộc phạm vi điều chỉnh của luật.

Ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Pháp luật Dân sự Kinh tế, Bộ Tư pháp cũng khẳng định, thuốc lá làm nóng là thuốc lá theo định nghĩa của Luật Phòng, Chống Tác hại Thuốc lá vì có nguyên liệu thuốc lá tương tự như thuốc lá điếu thông thường.

Gần đây nhất, phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định hiện đang tham khảo ý kiến của các bộ, nếu có sản phẩm thuốc lá mới nào thuộc phạm trù thuốc lá thì đưa định nghĩa của sản phẩm đó vào Nghị định thay thế Nghị định 67/2013/NĐ-CP về kinh doanh thuốc lá để quản lý.

Bộ cũng có kế hoạch sớm trình Chính phủ kế hoạch kiểm soát mặt hàng này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Càphê đặc sản của Đắk Lắk đã có mặt ở thị trường các nước châu Âu, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada, Trung Quốc. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Xây dựng càphê đặc sản vươn tầm thế giới

Là thủ phủ càphê Việt Nam, Đắk Lắk đang từng bước xây dựng hệ sinh thái càphê đặc sản nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và khẳng định thương hiệu trên thị trường thế giới.

Người dân thành phố Hồ Chí Minh mua vàng trong ngày giá vàng tăng cao. (Ảnh: Hương Giang/TTXVN)

Giao dịch sôi động trong ngày giá vàng tăng kỷ lục

Theo một chủ tiệm vàng trên địa bàn quận Bình Thạnh, hoạt động mua bán sôi động diễn ra nhiều ngày nay trong bối cảnh giá vàng thế giới liên tục tăng, kéo theo đà tăng của thị trường trong nước.

Giá hồ tiêu đang tăng lên quanh mức 160.000 đồng/kg. ( Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Hồ tiêu vào vụ, giá cao nhất trong gần 10 năm qua

Giá hồ tiêu đang tăng lên quanh mức 160.000 đồng/kg, cao nhất trong gần 10 năm qua, khiến nông dân phấn khởi, đặc biệt khi nhu cầu tiêu thụ trên thị trường thế giới được dự báo vẫn tiếp tục cao.