Câu chuyện về những cặp vợ chồng chạm vào hạnh phúc làm cha mẹ

Mỗi gia đình là một câu chuyện, một hoàn cảnh khác nhau nhưng cuối cùng, họ đã chạm vào hạnh phúc thiêng liêng sau gần chục năm đằng đẵng chờ đợi.
Gia đình chị Đinh Thị Niềm và anh Nguyễn Văn Yên, người dân tộc Tày, ở huyện miền núi Bắc Quang (Hà Giang) chia sẻ câu chuyện. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Gia đình chị Đinh Thị Niềm và anh Nguyễn Văn Yên, người dân tộc Tày, ở huyện miền núi Bắc Quang (Hà Giang) chia sẻ câu chuyện. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Những năm qua, có không ít các gia đình hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã được hỗ trợ miễn phí toàn bộ hoặc một phần chi phí thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), hiện thực hóa giấc mơ làm cha làm mẹ sau bao năm họ mong mỏi đợi chờ.

Tại buổi lễ tổng kết chương trình “Tuần Lễ Vàng-Uơm mầm hạnh phúc 2023,” do Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội tổ chức ngày 14/5, tại Hà Nội, mỗi gia đình chia sẻ là một câu chuyện, một hoàn cảnh khác nhau nhưng cuối cùng, họ đã chạm vào hạnh phúc thiêng liêng sau gần chục năm đằng đẵng chờ đợi.

[Hơn 1.000 lượt quân nhân hiếm muộn được hỗ trợ từ ‘Yêu thương lan tỏa']

Đó là gia đình chị Đinh Thị Niềm và anh Nguyễn Văn Yên, người dân tộc Tày, ở huyện miền núi Bắc Quang (Hà Giang) chia sẻ câu chuyện về hiếm muộn 9 năm.

Kết hôn năm 2013, trong hành trình tìm con của mình, vợ chồng chị Yên đã phải đối mặt với vô vàn khó khăn và áp lực. Chị Niềm bị tắc 2 bên vòi trứng nên không thể mang thai và có con tự nhiên. Áp lực về kinh tế cùng áp lực về định kiến xã hội lên người phụ nữ khiến cho vợ chồng chị đối mặt với muôn vàn khó khăn. Suốt một thời gian dài, ai mách đâu có thuốc tốt, hai vợ chồng đều nghe theo tới cắt thuốc nhưng không có kết quả. Khó khăn chồng chất khó khăn, kinh tế ngày càng hạn hẹp mà hành trình tìm con vẫn còn dang dở.

Giữa những tháng ngày tưởng chừng như buông xuôi trước hoàn cảnh thì gia đình chị Niềm vô tình biết tới chương trình Tuần Lễ Vàng-Ươm mầm hạnh phúc 2021. Hai vợ chồng quyết định nộp hồ sơ xét duyệt, năm đó anh chị đã trở thành một trong 10 gia đình được nhận hỗ trợ miễn phí 100% chi phí thụ tinh trong ống nghiệm. Trải qua quá trình điều trị tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, cuối cùng những nỗ lực của hai vợ chồng chị Niềm đã được đền đáp bằng sự ra đời của thiên thần nhỏ vào tháng 6/2022.

Câu chuyện về những cặp vợ chồng chạm vào hạnh phúc làm cha mẹ ảnh 1Vợ chồng chị Phạm Thị Thanh Hương và anh Hà Minh Tráng (Vĩnh Phúc). (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong khi đó, gia đình chị Phạm Thị Thanh Hương và anh Hà Minh Tráng (Vĩnh Phúc) cũng mất 10 năm ròng rã tìm con với rất nhiều trăn trở, đó là vượt qua nỗi tuyệt vọng với 4 lần chuyển phôi không thành công và 1 lưu thai trước khi được bế “trái ngọt” là một bé trai kháu khỉnh như hiện tại. Anh Hà Minh Tráng bị hiện tượng vô tinh do tắc ống dẫn tinh, không có tinh trùng trong tinh dịch. Để thực hiện IVF tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, bác sĩ thực hiện phương pháp PESA - chọc hút tinh trùng từ mào tinh hoàn, sau đó kết hợp cùng trứng của vợ và nuôi phôi lên ngày 5, kết quả là chị vợ chồng anh Tráng đã đón được con yêu vào cuối năm 2022.

Trong buổi tọa đàm còn là câu chuyện tìm con đầy xúc động của gia đình chị Trần Thị Xuân Thùy - anh Lê Anh Tuấn (Hà Nội). Hai vợ chồng mang gen bệnh Tan máu bẩm sinh (Thalassemia), nếu thụ thai và sinh con tự nhiên sẽ có khả năng mắc bệnh do di truyền từ bố mẹ. Do đó, anh chị đã được bác sĩ tư vấn thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, đồng thời áp dụng chẩn đoán xét nghiệm di truyền tiền làm tổ trước chuyển phôi để có thể sinh bé khoẻ mạnh.

Khó khăn chồng chất khó khăn khi chị Thùy còn bị u xơ tử cung dưới niêm mạc và Polyp buồng tử cung ảnh hưởng đến kết quả làm tổ thành công của phôi thai. Các bác sỹ của bệnh viện đã tiến hành phẫu thuật nội soi cắt Polyp và u xơ để tăng khả năng chuyển phôi thành công. May mắn đã mỉm cười với anh chị khi sau nhiều lần chuyển phôi thất bại, đến năm 2021 chị Thùy được bác sĩ thông báo mang “song thai” và giữa năm 2022, hai “thiên thần” nhỏ đã chào đời trong niềm hạnh phúc của hai bên nội ngoại.

Câu chuyện về những cặp vợ chồng chạm vào hạnh phúc làm cha mẹ ảnh 2Gia đình chị Trần Thị Xuân Thùy - anh Lê Anh Tuấn (Hà Nội). (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thạc sỹ Lê Thị Thu Hiền - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, cho hay trong mười năm qua, có hàng chục nghìn gia đình hiếm muộn được bệnh viện hỗ trợ sinh sản thành công. Với phương châm tất cả vì người bệnh, lấy người bệnh làm trung tâm, bệnh viện luôn cá thể hóa từng ca bệnh để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp đem lại hiệu quả điều trị tối đa và mức chi phí hợp lý cho người bệnh.

Chương trình Tuần Lễ Vàng được bệnh viện duy trì thường niên từ năm 2015 đến nay với nhiều gói hỗ trợ thiết thực. Năm nay, bệnh viện tiếp tục triển khai 5 gói hỗ trợ miễn phí 100% toàn bộ chi phí thực hiện IVF cho các cặp vợ chồng hiếm muộn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục