Chấm dứt tình trạng “cò mồi”, môi giới trong việc cấp, đổi giấy phép lái xe

Cục Đường bộ Việt Nam phấn đấu trong năm 2024 đạt tỷ lệ 20% trên tổng số giấy phép lái xe đổi được thực hiện bằng Dịch vụ Công trực tuyến toàn trình (mức độ 4).

Người dân đổi bằng lái xe tại bộ phận một cửa. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Người dân đổi bằng lái xe tại bộ phận một cửa. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Với việc đẩy mạnh triển khai Dịch vụ Công trực tuyến toàn trình (mức độ 4) đổi giấy phép lái xe, ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam khẳng định đã chấm dứt tình trạng “cò mồi,” môi giới trong việc cấp, đổi giấy phép lái xe.

Tiếp tục làm sạch dữ liệu giấy phép lái xe

Đề cập đến việc quản lý, cấp đổi giấy phép lái xe, ông cho biết năm 2023, cơ quan này đã thực hiện tiếp nhận và giải quyết 19.629 hồ sơ; trong đó có 12.236 hồ sơ thực hiện Dịch vụ Công toàn trình (mức độ 4); 770 hồ sơ giải quyết tại bộ phận một cửa; 11.466 hồ sơ thực hiện trên hệ thống thông tin giấy phép lái xe.

Cục Đường bộ phối hợp với Cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06-Bộ Công an) hoàn thành kết nối Cơ sở Dữ liệu giấy phép lái xe với Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về dân cư, đã hoàn thành đối soát để làm sạch dữ liệu 33,5/34,7 triệu giấy phép lái xe (tỷ lệ 96,5%) có kết quả trùng khớp với Dữ liệu dân cư và 10,2/34,7 triệu giấy phép lái xe (tỷ lệ 29,4%) hiển thị trên ứng dụng VneID.

Hiện nay, Cục Đường bộ đang tiếp tục phối hợp với C06 để kiểm tra, tiếp tục làm sạch 1,23 triệu giấy phép lái xe do không có số Chứng minh Nhân dân trong Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về dân cư (đã khai tử, người nước ngoài), giấy phép lái xe được cấp với nhiều số Chứng minh Mhân dân, giấy phép lái xe có định dạng Chứng minh Nhân dân không đúng với định dạng Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về dân cư.

Ngoài ra, Cục Đường bộ phối hợp với Bộ Công an và Bộ Y tế kết nối, chia sẻ dữ liệu khám sức khỏe của người lái xe và dữ liệu xử lý vi phạm giao thông đường bộ; tích cực phối hợp các cơ quan liên quan (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam) thực hiện hỗ trợ công dân cấp đổi giấy phép lái xe trực tuyến toàn trình trên Cổng Dịch vụ Công Quốc gia và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích, đã góp phần đơn giản hoá, giảm bớt thủ tục hồ sơ, tiết kiệm thời gian và chi phí trong việc giải quyết thủ tục hành chính đổi giấy phép lái xe đồng thời chấm dứt tình trạng “cò mồi”, môi giới trong việc cấp, đổi giấy phép lái xe.

Tính đến ngày 15/12, cả nước đã tiếp nhận thành công trên 110.000 hồ sơ đổi giấy phép lái xe, có ngày nhận 2.000 hồ sơ, vượt xa số lượng hồ sơ tiếp nhận thành công những tháng đầu năm (trung bình mỗi ngày nhận 70 hồ sơ).

“Tính trung bình cho việc ăn nghỉ, đi lại của người dân ở các xã vùng xa có khoảng cách đến trung tâm thành phố khoảng 300km, mỗi hồ sơ cấp đổi giấy phép lái xe thực hiện theo hình thức trực tuyến tiết kiệm được khoảng 700.000 đồng. Nếu tính chung cả nước năm 2023 tiết kiệm được khoảng 80 tỷ đồng,” ông Cường cho hay.

Năm 2024, đại diện Cục Đường bộ cho biết sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý, giám sát, công tác đào tạo, sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe; phấn đấu trong năm 2024 đạt tỷ lệ 20% trên tổng số giấy phép lái xe đổi được thực hiện bằng Dịch vụ Công trực tuyến toàn trình (mức độ 4).

Thu hồi gần 40.000 phù hiệu xe vi phạm tốc độ

Với công tác quản lý vận tải, an toàn giao thông, theo ông Cường, hàng tháng Cục Đường bộ có văn bản chỉ đạo các sở giao thông vận tải tăng cường theo dõi, kiểm tra và trích xuất dữ liệu trên Hệ thống xử lý dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để phục vụ công tác quản lý, chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm; trong đó tập trung xử lý các trường hợp vi phạm quá tốc độ, quá thời gian lái xe liên tục và các trường hợp không truyền dữ liệu khi xe tham gia giao thông...

Hiện cả nước có khoảng 200.000 xe thuộc đối tượng phải lắp camera theo quy định; bước đầu đem lại hiệu quả trong việc chấn chỉnh hành vi của người lái xe, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Tính đến hết ngày 19/12, Sở Giao thông Vận tải đã xử lý thu hồi phù hiệu đối với 39.799 phương tiện (đối với các trường hợp vi phạm tốc độ từ 5 lần/1.000 km trở lên), chấn chỉnh, nhắc nhở đối với 476.397 phương tiện có vi phạm quá tốc độ, vi phạm quá thời gian lái xe, vi phạm không truyền dữ liệu.

vnp-canh-sat-giao-thong-15122021-1093.jpg
Cảnh sát giao thông xử phạt phương tiện xe khách vi phạm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Trong điều kiện năm 2023 chưa được bố trí kinh phí, cục vẫn tiếp tục phối hợp với các đơn vị tư vấn vận hành và giải quyết các vấn đề liên quan đến Hệ thống xử lý dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe ôtô và hệ thống xử lý dữ liệu lệnh vận chuyển để đảm bảo tiếp nhận dữ liệu truyền về từ bến xe khách và đơn vị kinh doanh vận tải theo tuyến cố định, xe buýt,” Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho hay.

Hơn 13.000 tỷ đồng bảo trì đường bộ năm 2024

Với kế hoạch vốn được giao năm 2023 là 1.990 tỷ đồng/12 dự án, đến hết tháng 12, Cục Đường bộ đã giải ngân được 1.764/ 1.990 tỷ đồng (đạt 89%) và dự kiến trong tháng 1/2024 sẽ giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn được giao.

Đưa ra kế hoạch bảo trì năm 2023 được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt là 16.502 tỷ đồng và giao dự toán chi ngân sách Nhà nước để thực hiện công tác bảo trì là 11.975 tỷ đồng, tính đến ngày 19/12, kinh phí đã giải ngân là 10.159 tỷ đồng (đạt 84%), đảm bảo giải ngân 100% dự toán chi năm 2023.

Khẳng định công tác bảo trì đường bộ triển khai dự án theo hình thức đấu thầu qua mạng 100%, ông Cường cho biết cục đã ban hành hồ sơ mời thầu mẫu các gói thầu sửa chữa đường bộ để tăng tính cạnh tranh đồng thời quy định chặt chẽ điều kiện hợp đồng về trách nhiệm của nhà thầu. Trong quá trình thực hiện kế hoạch bảo trì, cục thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo các chủ đầu tư thực hiện bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả.

vnp-nut-giao-2-6595.jpg
Kế hoạch bảo trì năm 2024 với tổng kinh phí khoảng 13.040 tỷ đồng. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)

Đặc biệt, các giải pháp công nghệ mới, tiên tiến tiếp tục được áp dụng, trong đó có công nghệ cào bóc tái sinh móng, mặt đường; ứng dụng các vật liệu chống hằn lún, tăng cường kết dính bê tông nhựa; các giải pháp gia cường sửa chữa cầu đa dạng để phù hợp với từng loại kết cấu, từng loại và tình trạng hư hỏng công trình.

Đưa ra kế hoạch năm 2024, Cục Đường bộ đã xây dựng, trình Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận kinh phí nhu cầu kế hoạch bảo trì và danh mục công trình, nhiệm vụ cho phép chuẩn bị đầu tư năm 2024 là 40.483 tỷ đồng, trong đó kinh phí công trình ưu tiên (làm mới) là 6.963 tỷ đồng. Hiện cục đã phê duyệt xong dự án và đã trình bộ kế hoạch bảo trì năm 2024 với tổng kinh phí khoảng 13.040 tỷ đồng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục