Để rà soát, chấn chỉnh lại hoạt động tại các bến xe, sắp xếp luồng tuyến cho phù hợp, Sở Giao thông Vận tải sẽ điều chuyển lộ trình hơn 400 lượt chạy xe khách liên tỉnh tại hầu hết các bến xe hiện nay. Tuy nhiên, doanh nghiệp vận tải, người dân đều lo ngại, việc đi lại bị xáo trộn liên quan đến sự điều chuyển này. Điều chuyển hơn 400 lượt xe từ ngày 20/7 Nhằm lập lại trật tự đô thị, an toàn giao thông, từ ngày 4/6, Sở Giao thông Vận tải sẽ sắp xếp lại lộ trình đi đến của một số tuyến xe khách. Cụ thể, đối với bến xe Giáp Bát và Nước Ngầm sẽ tiếp nhận các tuyến có hướng từ Quốc lộ 1A, cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ, Quốc lộ 1B, Quốc lộ 5 và Quốc lộ 18. Bến xe Mỹ Đình tiếp nhận các tuyến có hướng từ Quốc lộ 32, Quốc lộ 2, một phần các tuyến đi theo Quốc lộ 3, Quốc lộ 18 và đại lộ Thăng Long. Bến xe Gia Lâm tiếp nhận các tuyến có hướng từ Quốc lộ 1A, Quốc lộ 1B, Quốc lộ 5, một phần các tuyến đi theo Quốc lộ 3, Quốc lộ 39. Bến xe Yên Nghĩa tiếp nhận các tuyến có hướng Quốc lộ 6, đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 1B, đại lộ Thăng Long. Bến xe Lương Yên tiếp nhận các tuyến đi theo Quốc lộ 5, một phần Quốc lộ 1A, Quốc lộ 18. Từ những nguyên tắc trên, các tuyến sẽ được điều chuyển 359 lượt xe ra khỏi bến xe Mỹ Đình và 77 lượt xe về bến Mỹ Đình. [Bác bỏ nghi ngờ về việc "loại" 525 xe ở bến Mỹ Đình] Cụ thể, sẽ điều chuyển 118 lượt xe/ngày tuyến Mỹ Định đi Hòa Bình và các huyện thuộc tỉnh Hòa Bình về bến xe Yên Nghĩa; điều chuyển 18 lượt xe/ngày tuyến Hà Nam, 110 lượt xe/ngày tuyến Nam Định, 113 lượt xe/ngày tuyến Thái Bình từ bến xe Mỹ Đình về bến xe Gia Lâm, Yên Nghĩa, Nước Ngầm. Doanh nghiệp vận tải đang khai thác trên tuyến Thái Bình, Nam Định được lựa chọn đăng ký với Sở Giao thông Vận tải khai thác tại mộ trong 3 bến trên. Sau khi các đơn vị vận tải gửi đăng ký bến, Sở sẽ tổng hợp và triển khai công tác, sắp xếp. Trường hợp đơn vị vận tải không đăng ký thì Sở GTVT sẽ sắp xếp vào bến xe Yên Nghĩa hoạt động. Ngoài việc điều chuyển trên, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải cũng ra kế hoạch điều chuyển tất cả 77 tuyến từ các bến xe khác về bến xe Mỹ Đình để đưa luồng tuyến xe hoạt động một cách khoa học. Theo đó, các tuyến phía Bắc đang hoạt động tại bến xe Giáp Bát gồm: Thái Nguyên 18 lượt xe/ngày, Phú Thọ (13 lượt xe/ngày); Yên Bái (12 lượt xe/ngày), Tuyên Quang (16 lượt xe/ngày); Hà Giang(2 lượt xe/ngày), Vĩnh Phúc (1 lượt xe/ngày) về bến xe Mỹ Đình. Các tuyến này đi theo Q2, QL3 về bến xe Mỹ Đình. Cùng đó, các tuyến từ bến xe Nước Ngầm đi các tỉnh Vĩnh Phúc (1 lượt xe/ngày); Yên Bái (3 lượt xe/ngày); Tuyên Quang (8 lượt xe/ngày); Hà Giang (2 lượt xe/ngày); Thái Nguyên (1 lượt xe/ngày) về bến Mỹ Đình. Các tuyến này đi theo Quốc lộ 2, Quốc lộ 3 về bến xe Mỹ Đình. Để giúp người dân di chuyển thuận lợi giữa các bến, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám dốc Sở Giao thông Vận tải cho hay, thời gian bắt đầu thực hiện điều chuyển từ 20/7 tới đây. “Sở Giao thông sẽ bố trí 5 tuyến buýt nhanh tăng cường chạy thẳng (được phép chở hành lý cho nhân dân).Các tuyến xe buýt này hoạt động từ 5 giờ sáng đến 22 giờ đêm hàng ngày phục vụ nhu cầu đi lại người dân,” ông Hùng nói. Ngoài ra, ông Hùng cũng cho biết thêm, trong thời gian 6 tháng kể từ ngày điều chuyển, đơn vị khai thác bến xe sẽ không thu tiền giá dịch vụ xe ra vào bến của các doanh nghiệp có các tuyến vận tải khách liên tỉnh được điều chuyển vào hoạt động, khai thác tại các bến xe khách. Lo ngại xáo trộn Nhiều đại diện đơn vị vận tải và các cơ quan chức năng lo ngại, việc điều chuyển lượt xe sẽ ảnh hưởng đến đi lại của doanh nghiệp vận tải và người dân. Với lộ trình trên, đại diện một số Sở Giao thông Vận tải ngoại tỉnh cho rằng, cơ quan chức năng nên kéo dài quãng thời gian điều chuyển để doanh nghiệp vận tải có thời gian chuẩn bị, tuyên truyền đến hành khách. "Thời gian điều chuyển nên kéo dài đến hết năm 2013 để đơn vị vận tải có thời gian chuẩn bị vì thời gian qua, giá xăng dầu lên xuống thất thường, lượng khách đi lại giảm đã khiến doanh nghiệp gặp khó khăn. Giờ, thực hiện điều chuyển lộ trình luồng tuyến nữa, các chủ xe lại thêm khó khăn chồng chất," đại diện Sở Giao thông Vận tải Thái Bình kiến nghị. Tuy nhiên, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, thẳng thắn thừa nhận, doanh nghiệp vận tải chắc chắn sẽ gặp khó khăn do lượng khách đi lại ít sau khi điều chuyển luồng tuyến. Vì vậy, Hiệp hội vận tải sẽ kêu gọi các doanh nghiệp cùng thực hiện. “Cơ quan quản lý Nhà nước nên cam kết đảm bảo công bằng, không để tiêu cực xảy ra. Đã là điều chuyển thì phải điều chuyển hết, chứ không có chuyện doanh nghiệp này đi, doanh nghiệp kia ở lại,” ông Liên bày tỏ quan điểm. Trước việc điều chuyển tuyến xe khách, ông Khuất Việt Hùng, quyền Vụ trưởng Vụ vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) cho rằng, để việc đi lại của người dân không bị xáo trộn nên chăng chỉ điều chuyển một số tuyến đi phía Tây về Mỹ Đình còn lại vẫn để ở bến Giáp Bát, Nước Ngầm vài xe/tuyến/ngày nhằm đáp ứng phục vụ người dân. Tuy nhiên, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội khẳng định, việc điều chuyển đã được thông qua theo nguyên tắc Bắc về Bắc, Nam về Nam. Vì vậy, Sở Giao thông cũng như doanh nghiệp vận tải các địa phương cũng nên chia sẻ với tình hình giao thông Thủ đô. “Để các đơn vị vận tải có tuyến bị điều chuyển yên tâm kinh doanh, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội sẽ chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm các xe vòng vo đón khách, những xe không thực hiện lệnh điều chuyển tuyến, kiên quyết cắt lốt với những lỗi vi gây hậu quả nguy hiểm. Đặc biệt, những doanh nghiệp lợi dụng mở văn phòng bán vé để làm ‘bến cóc sẽ kiến nghị thành phố tạm thời thu giấy phép kinh doanh,” ông Hùng quả quyết./.
Theo số liệu thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, trên địa bàn thủ đô có 6 bến xe chính nhưng một số bến đã quá năng lực, không đáp ứng được yêu cầu. Trong khi đó, hoạt động vận tải khách liên tỉnh vẫn không ngừng phát triển, nhất là khu vực phía Tây bến xe Mỹ Đình. Trong đó, bến xe Giáp Bát, bến xe Mỹ Đình và Yên Nghĩa là bến xe loại 1. Mỹ Đình hiện có 233 doanhg nghiệp đang hoạt động, 152 tuyến cố định, số xe xuất bến ngày cao điểm có thể lên tới 1.233 lượt/ngày. Tương tự, bến Giáp Bát lượng xe xuất bến cũng tới xấp xỉ 900 lượt/ngày. |
Việt Hùng (Vietnam+)