Đầu tư đường cao tốc Gia Nghĩa-Chơn Thành sẽ "mở ra chương mới cho Tây Nguyên"

Đại biểu Quốc hội nhấn mạnh dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành được đầu tư và đi vào khai thác, tuyến đường này sẽ không chỉ có ý nghĩa phát triển kinh tế-xã hội mà còn đảm quốc phòng, an ninh.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Ngô Thanh Danh phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Ngô Thanh Danh phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Thảo luận tổ chiều 25/5, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng việc triển khai tuyến đường này là rất cần thiết, bởi khi đi vào khai thác sẽ mở ra “chương mới” cho khu vực Tây Nguyên mà còn các khu vực lân cận.

Mở ra “chương mới” cho Tây Nguyên

Nêu quan điểm, Đại biểu Ngô Thanh Danh (Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông) cho biết dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành được đầu tư và đi vào khai thác, tuyến đường này sẽ không chỉ có ý nghĩa phát triển kinh tế-xã hội mà còn đảm quốc phòng, an ninh.

Không những vậy, theo đại biểu Ngô Thanh Danh, dự án trên cũng là con đường “đền ơn đáp nghĩa,” bởi theo ông, qua các cuộc chiến tranh chống Pháp - Mỹ và chiến tranh biên giới thì đồng bào Tây Nguyên, Đông Nam Bộ đã cống hiến, hy sinh rất lớn.

“Nhân dân ước mơ có một con đường để kết nối Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, trước mắt là kết nối Đắk Nông và Bình Phước,” đại biểu Ngô Thanh Danh nói và bày tỏ mong muốn dự án sẽ sớm được đưa vào triển khai để giúp thông thương, vận chuyển hàng hóa từ đó góp phần phát triển kinh tế xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh.

Đại biểu Ngô Thanh Danh cũng chia sẻ, từ Quốc hội khóa XIV khi tiếp xúc cử tri, cử tri và nhân dân cũng đã ý kiến rất nhiều về việc cần thiết xây dựng tuyến đường cao tốc nối Đắk Nông với Đông Nam Bộ. Bây giờ ước mơ của người dân đã dần trở thành hiện thực.

Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông cũng lưu ý địa phương này có diện tích nhỏ hơn 4 tỉnh còn lại ở Tây Nguyên, nhưng danh lam thắng cảnh thì không thiếu. Do đó, vị đại biểu tin tưởng khi tuyến đường cao tốc này đi vào hoạt động sẽ mở ra không gian phát triển mạnh hơn.

Nhất trí với đầu tư dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ) cho rằng cần triển khai sớm dự án để phát triển Tây Nguyên, nhất là Đắk Nông bởi đây là địa phương nằm ở vị trí khá khuất, kinh tế còn nghèo dù tiềm năng kinh tế tốt.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng cũng bày tỏ vui mừng khi dự án cao tốc này sẽ được đầu tư theo hình thức PPP (phương thức đối tác công tư), trong đó vốn Nhà nước tham gia 50%, vốn của nhà đầu tư 50%.

Ngoài ra với việc dự án được hưởng các cơ chế đặc thù như đề xuất của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng đây là sự hỗ trợ lớn để đẩy nhanh tiến độ dự án. Tuy vậy, ông cũng lưu ý tới việc xây dựng các trạm dừng nghỉ cần được tiến hành đồng thời với đường cao tốc và bố trí trạm sạc điện để đáp ứng nhu cầu phát triển.

Đại biểu Phạm Nam Tiến (đoàn Đắk Nông) cũng đề nghị cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu kỹ lưỡng, đưa ra phương án thiết kế tối ưu, đảm bảo cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường bộ cao tốc.

cao toc2.PNG
Một tuyến đường qua tỉnh Bình Phước. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Ngoài ra, vị đại biểu của đoàn Đắk Nông cũng cho rằng dự án cần đảm bảo quy chuẩn 4 làn xe chạy, có dải phân cách và các công trình phụ trợ (trạm dừng nghỉ), có phương án đảm bảo hành lang an toàn đường bộ.

Đây là tuyến đường đẹp và chắc chắn có hiệu quả

Chia sẻ tại cuộc thảo luận tổ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng (Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên) bày vui mừng khi bộ này được Quốc hội và Chính phủ quan tâm dành 50% kinh phí thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây, đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành.

“Dự án nếu thành hiện thực, đây là tuyến đường đẹp, chắc chắn có hiệu quả lớn trong kết nối Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh,” Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cũng khẳng định không lo lắng trong việc thu hút nhà đầu tư với dự án này, bởi đây là dự án có thời gian thu phí không quá dài, trong 18 năm, đã bảo đảm cả lãi suất ngân hàng và tỷ suất đầu tư. Thời gian này tương đối tương đồng với 3 dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông đã hoàn thành và sắp thu phí.

Ngoài ra, việc dự án được áp dụng cơ chế về chia sẻ doanh thu cũng là điều kiện thuận lợi hơn để thu hút các nhà đầu tư tham gia.

“Trước đây, khi không có phần vốn Nhà nước tham gia, thời gian thu phí của dự án BOT giao thông rất dài, từ 20 - 30 năm. Trong khi dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành thời gian thu phí 18 năm. Đây là là thời gian nhà đầu tư rất yêu thích, nhất là nhà đầu tư BOT. Dự án này đã có doanh nghiệp quan tâm,” Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chia sẻ.

Người đứng đầu Bộ Giao thông Vận tải cũng lưu ý các đại biểu Quốc hội có thể yên tâm về vấn đề trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc này, bởi cơ quan này đã có kinh nghiệm, pháp lý cũng đã đầy đủ và các nhà đầu tư rất quan tâm tới trạm dừng nghỉ.

Dự án đường cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành dài 128,8km; trong đó đoạn đi qua tỉnh Đăk Nông dài 27,8km, qua địa phận Bình Phước dài 101km (bao gồm 2km kết nối với đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa).

Sơ bộ tổng mức đầu tư cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành là 25.540 tỷ đồng; trong đó vốn Nhà nước tham gia là 12.770 tỷ đồng (ngân sách Trung ương hơn 10.500 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 2.200 tỷ đồng) và vốn nhà đầu tư là 12.770 tỷ đồng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục