Châu Âu nỗ lực bắt kịp Mỹ và châu Á về công nghệ bán dẫn

Thị phần của châu Âu trong thị trường bán dẫn toàn cầu trị giá 440 tỷ euro (533 tỷ USD) chỉ vào khoảng 10%, do EU hiện đang phụ thuộc vào vi mạch sản xuất ở nước ngoài.
Châu Âu nỗ lực bắt kịp Mỹ và châu Á về công nghệ bán dẫn ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: telecomlead)

Đức, Pháp, Tây Ban Nha và 10 quốc gia khác trong Liên minh châu Âu (EU) đã hợp sức đầu tư vào bộ vi xử lý và công nghệ bán dẫn, chìa khóa cho các thiết bị kết nối Internet và xử lý dữ liệu, trong nỗ lực nhằm bắt kịp Mỹ và châu Á.

Thị phần của châu Âu trong thị trường bán dẫn toàn cầu trị giá 440 tỷ euro (533 tỷ USD) chỉ vào khoảng 10%, do EU hiện đang phụ thuộc vào vi mạch sản xuất ở nước ngoài.

Sự phụ thuộc vào vi mạch nước ngoài và các sản phẩm khác như vậy đã trở thành trọng tâm chú ý trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Những lo ngại về an ninh liên quan đến một số chính phủ nước ngoài cũng làm gia tăng quan ngại về việc phụ thuộc vào vi mạch nước ngoài được sử dụng trong ô tô, thiết bị y tế, điện thoại di động và mạng cũng như để giám sát môi trường.

[Giá cổ phiếu Samsung đạt kỷ lục nhờ triển vọng của ngành bán dẫn]

Đầu năm nay, EU đã đồng ý phân bổ 145 tỷ euro, tương đương 1/5 quỹ phục hồi kinh tế do COVID-19 của khối này, cho các dự án kỹ thuật số. Các quốc gia nói trên tuyên bố sẽ hợp tác để thúc đẩy chuỗi giá trị điện tử và hệ thống gắn kết của châu Âu.

Trong tuyên bố chung, 13 nước nêu rõ điều này sẽ đòi hỏi nỗ lực đầu tư tập thể và phối hợp hành động từ cả các bên nhà nước và tư nhân liên quan.

Quan chức EU về kỹ thuật số Thierry Breton nhấn mạnh rằng cách tiếp cận tập thể có thể giúp EU tận dụng thế mạnh hiện có của mình và nắm lấy những cơ hội mới, do các vi mạch xử lý tối tân đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết đối với chiến lược công nghiệp và chủ quyền kỹ thuật số của châu Âu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục