Châu Phi sẽ ra sao sau khi trùm khủng bố al-Baghdadi bị tiêu diệt?

Bất chấp cái chết của Baghdadi và sự thu hẹp về lãnh thổ hoạt động của IS kể từ năm 2015, các chi nhánh của tổ chức khủng bố này vẫn đang hoạt động tại châu Phi và gây lo ngại đối với các nước.
Châu Phi sẽ ra sao sau khi trùm khủng bố al-Baghdadi bị tiêu diệt? ảnh 1Trùm khủng bố Abu Bakr al-Baghdadi. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng dailymaverick.co.za mới đây đăng bài phân tích của tác giả Akinola Olojo, nghiên cứu viên cao cấp về các mối đe dọa xuyên quốc gia và tội phạm quốc tế của Viện Nghiên cứu An ninh Nam Phi, về tác động của việc Mỹ tiêu diệt thủ lĩnh tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) Abu Bakr al-Baghdadi đối với tình hình châu Phi, nội dung như sau:

Các nhóm khủng bố vẫn tồn tại và hoạt động dai dẳng, dù các thủ lĩnh đã bị tiêu diệt. Abu Bakr al-Baghdadi, kẻ cầm đầu nhóm khủng bố nguy hiểm nhất thế giới IS đã bị Mỹ tiêu diệt trong một chiến dịch gần đây ở Tây Bắc Syria.

Tuy nhiên, bất chấp cái chết của Baghdadi và sự thu hẹp về lãnh thổ hoạt động của IS kể từ năm 2015, các chi nhánh của tổ chức khủng bố này vẫn đang hoạt động tại châu Phi và gây lo ngại đối với các cơ quan hữu quan. Chúng đã thích nghi với tình hình địa phương trên toàn châu Phi và tiếp tục thách thức các quốc gia ở Sahara, khu vực Sahel, Lưu vực Hồ Chad, các khu vực Trung Phi và Đông Phi.

Nhiều khả năng châu Phi vẫn là một trọng điểm hoạt động mạnh mẽ của tân thủ lĩnh IS bởi lục địa này có giá trị chiến lược đối với mục tiêu “duy trì và mở rộng” của IS. Điều này có thể báo hiệu sự gia tăng các hoạt động và mở rộng ảnh hưởng, cũng như các cuộc tấn công của IS ở châu Phi.

Dựa trên các xu hướng trong quá khứ, sự cạnh tranh giữa IS và al-Qaeda cũng có thể diễn ra trên khắp lục địa. Điều này sẽ có ý nghĩa đặc biệt nếu al-Qaeda coi cái chết của Baghdadi là một chiến thắng cho phe của al-Qaeda và thu hút những cá nhân đã rời bỏ IS do sự thu hẹp lãnh thổ hoạt động của nhóm này.

Khi những kẻ cầm đầu bị tiêu diệt, các nhóm khủng bố sẽ tạm thời bị tổn thất, nhưng đây không phải là thước đo thành công trong cuộc đấu tranh chống khủng bố. Mục tiêu tiêu diệt những kẻ cầm đầu các nhóm khủng bố không thể đặt trên nhiệm vụ quan trọng hơn là giải quyết các nguyên nhân gốc rễ và tăng cường các biện pháp chống khủng bố ở các quốc gia bị ảnh hưởng.

Baghdadi đã tự sát khi bị nhóm lính đặc nhiệm Mỹ truy đuổi và dồn đến ngõ cụt của một đường hầm. Mỹ ca ngợi việc tiêu diệt Baghdadi là một cột mốc quan trọng và Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng “giờ đây thế giới trở nên an toàn hơn nhiều."

Có thể IS đã chịu một cú đòn mạnh, nhưng hành trình hướng tới chống khủng bố hiệu quả hơn vẫn còn rất dài. Theo lời của một cựu tay súng IS được phỏng vấn tại một nhà tù ở Iraq, “cái chết của Baghdadi không tạo ra sự khác biệt gì và thế giới thậm chí còn ở tình thế nguy hiểm hơn trước."

Các nhánh của IS ở châu Phi có rất nhiều người ủng hộ, từ Bắc Phi đến Sahel, từ Lưu vực Hồ Chad đến khu vực Sừng châu Phi. IS đã thực hiện các cuộc tấn công ở khu vực phía Đông Bắc của Cộng hòa Dân chủ Congo và ở Mozambique.

[Nigeria: Các tay súng thánh chiến tấn công, 10 binh sỹ thiệt mạng]

Đáng chú ý, ở Lưu vực Hồ Chad, sự tuyên truyền của IS cho thấy nhóm này đã tiến hành nhiều cuộc tấn công dưới danh nghĩa Nhà nước Hồi giáo tỉnh Tây Phi (ISWAP).

Tháng 3/2015, chính Baghdadi đã chấp thuận cam kết trung thành của ISWAP và sau đó ISWAP tách khỏi Boko Haram, cũng như thay đổi lãnh đạo. Cuối năm 2018, al-Baghdadi đã ủy quyền cho ISWAP loại bỏ một trong những nhân vật hàng đầu của ISWAP là Mamman Nur. Tháng 10/2016, IS cũng tiếp nhận cam kết trung thành của nhánh này ở khu vực Sahara lớn.

Trước khi Baghdadi bị tiêu diệt, châu Phi có tầm quan trọng chiến lược lớn và trở thành khu vực để IS mở rộng và xây dựng lại, sau khi tổ chức khủng bố này bị sụp đổ ở Iraq và Syria.

Tầm quan trọng của châu Phi được thể hiện rõ hơn ở số lượng các tay súng khủng bố nước ngoài di chuyển từ riêng Bắc Phi tới Iraq và Syria - ước tính khoảng 10.000 người.

Châu Phi đã và đang là một chiến trường cạnh tranh ảnh hưởng giữa al-Qaeda và IS. Thủ lĩnh al-Qaeda Ayman al-Zawahiri có thể nhận ra cơ hội trước việc Baghdadi bị tiêu diệt bởi 2 đối tượng này khác nhau về cách tiếp cận thánh chiến và biện pháp hiện thực hóa nhà nước Hồi giáo.

Câu hỏi về kẻ kế nhiệm đã có lời giải chỉ vài ngày sau khi Baghdadi bị tiêu diệt - Abu Ibrahim al-Hashimi al-Qurashi được phong làm thủ lĩnh mới. Thông tin về al-Qurashi rất ít nhưng vẫn có một tin nhắn thoại kèm theo thông báo về thủ lĩnh mới của tổ chức này, tái khẳng định IS vẫn đang hiện diện ở châu Âu và Tây Phi.

Việc tập trung tiêu diệt những kẻ cầm đầu thường đi liền với nhận định rằng nếu nhiệm vụ đó thành công, các nhóm khủng bố sẽ bị suy giảm năng lực.

Tuy nhiên, chiến lược này không ngăn chặn các hoạt động hàng ngày và các cuộc tấn công của các chi nhánh khủng bố ở châu Phi và cũng sẽ không giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của khủng bố.

Trong khi đó, trong ngắn hạn, các cuộc tấn công vẫn xảy ra. Ngày 2/11 vừa qua, ít nhất 53 binh sỹ và một thường dân đã thiệt mạng tại khu vực Menaka của Mali. IS thừa nhận đã gây ra vụ tấn công này.

Các nhóm khủng bố vẫn tồn tại dai dẳng bất chấp việc những kẻ cầm đầu bị tiêu diệt. Ở phía Đông Bắc Nigeria, khi lãnh đạo đầu tiên của Boko Haram Mohammed Yusuf bị tiêu diệt năm 2009, nhiều ý kiến cho rằng điều này có thể báo hiệu sự kết thúc của nhóm khủng bố. Nhưng những kẻ còn lại của Boko Haram đã tái tập hợp dưới sự lãnh đạo của Abubakar Shekau.

Vụ tiêu diệt Osama bin Laden năm 2011 đã không ngăn cản được sự mở rộng của nhiều chi nhánh khủng bố của al-Qaeda trên toàn cầu.

Châu Phi sẽ ra sao sau khi trùm khủng bố al-Baghdadi bị tiêu diệt? ảnh 2Các tay súng IS tại tỉnh Salahuddin, Iraq. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trên thực tế, năm 2012, al-Shabaab đã cam kết trung thành với al-Qaeda. Tương tự, năm 2014, cuộc tấn công bằng máy bay không người lái đã tiêu diệt cựu thủ lĩnh al-Shabaab Ahmed Godane, nhưng không làm giảm tầm ảnh hưởng của nhóm khủng bố này, cũng như không thể ngăn chặn được các cuộc tấn công tàn khốc hơn ở vùng Sừng châu Phi.

Baghdadi có cá tính nổi bật, dẫn đến những kẻ ủng hộ hiện vẫn đang thực hiện theo lời kêu gọi của kẻ này trong một video được đưa ra vào tháng 4/2019 nhằm duy trì các cuộc tấn công bạo lực ở nhiều quốc gia khác nhau.

IS thực thụ của những kẻ khủng bố không còn tồn tại, nhưng ảo tưởng về nhà nước đó được xây dựng trên một ý thức hệ vượt thời gian và không gian địa lý. Các tay súng nước ngoài đi theo al-Baghdadi đã quay trở lại các nước châu Phi, trong đó Tunisia đón số lượng cao nhất.

Sau khi Baghdadi bị tiêu diệt, các quốc gia châu Phi cần hợp tác với Liên minh toàn cầu chống IS để vô hiệu hóa mối đe dọa từ các chân rết của chúng trên lục địa. Việc tăng cường hợp tác này cần đi liền với chia sẻ thông tin tình báo và thiết lập các khung pháp lý hình sự để đối phó với khủng bố, đồng thời đảm bảo cải thiện nhân quyền ở châu Phi.

Các cơ quan thực thi pháp luật cần các công cụ công nghệ để phát hiện, ngăn chặn và phá vỡ kịp thời các hoạt động khủng bố, đồng thời tuân thủ luật pháp quốc tế.

Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, những hạn chế về kinh tế-xã hội và thách thức về quản trị của châu Phi - vốn đang ảnh hưởng tiêu cực đến các cộng đồng dân cư - phải được khắc phục./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục