Chìa khóa để tái mở cửa lĩnh vực du lịch trong khu vực ASEAN

Giáo sư Victor Wee, Tổng thư ký Hiệp hội nghiên cứu Du lịch ASEAN đưa ra 8 khuyến cáo về một số biện pháp cho hành động ưu tiên nhằm kích hoạt và tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại trong khu vực.
Chìa khóa để tái mở cửa lĩnh vực du lịch trong khu vực ASEAN ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thế giới vừa bước sang năm thứ ba chung sống với đại dịch COVID-19. Cách đây chưa đầy một tháng, nhiều người đã suy đoán rằng biến thể Omicron có thể báo hiệu sự kết thúc của đại dịch và đẩy nhanh khả năng miễn dịch toàn cầu.

Tuy nhiên, như cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gần đây, Omicron vẫn còn nguy hiểm cho những người chưa được tiêm chủng khi dẫn đến nhiều ca tử vong trên toàn cầu.

Hiện tại, có 90 quốc gia thậm chí chưa đạt mục tiêu 40% dân số được tiêm chủng, trong khi 36 quốc gia có dưới 10% dân số được tiêm chủng.

Phạm vi đột biến của virus vẫn còn trong số những người chưa được tiêm chủng, làm tăng khả năng xuất hiện nhiều biến thể lây nhiễm và chết người hơn. Đây không phải là tin tốt, đặc biệt là đối với những người hoạt động trong lĩnh vực du lịch và lữ hành.

Theo Giáo sư Victor Wee, Giảng viên đại học Taylors, hiện là Tổng thư ký Hiệp hội nghiên cứu Du lịch ASEAN (ATRA), Chính phủ các nước ASEAN cần hợp tác để hài hòa việc dỡ bỏ các hạn chế nhập cảnh và tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại xuyên biên giới.

Tái mở cửa cho du lịch

Các chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 quốc gia ở các nước ASEAN đã làm giảm số lượng ca nhiễm mới và cho phép tiếp tục hoạt động kinh doanh và du lịch trong nước.

[ASEAN nhất trí mở cửa trở lại ngành du lịch trong bối cảnh đại dịch]

Tuy nhiên, song song với mở cửa du lịch, giữ động lực phục hồi kinh tế, yêu cầu đặt ra là bảo vệ sức khỏe của người dân. Sự gia tăng đột biến các ca nhiễm bệnh do biến thể Omicron - biến thể có khả năng lây nhiễm rất lớn - đã làm cản trở kế hoạch mở các chuyến du lịch quốc tế, khiến nhiều quốc gia buộc phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế.

Tuy nhiên, phản ứng của các nước trong đối phó với làn sóng dịch bệnh do biến thể này gây ra rất khác Trung Quốc tiếp tục theo đuổi cách tiếp cận “không khoan nhượng,” phong tỏa chặt chẽ nhiều khu vực dân cư, thậm chí cả các thành phố, Israel đã tiêm liều mũi tăng cường thứ tư và Australia đã tạm hoãn việc nới lỏng giãn cách xã hội.

Các ca nhiễm bệnh gia tăng ở Hà Lan và Áo đã dẫn đến việc đóng cửa trên toàn quốc trước mùa lễ hội cuối năm. Nhật Bản áp dụng các biện pháp bán khẩn cấp và hạn chế nhập cảnh nghiêm ngặt, trong khi người nước ngoài nhập cảnh vào Thái Lan phải kiểm dịch. Singapore tham gia cùng với nhiều quốc gia hạn chế du lịch đến và đi từ một số điểm đến của châu Phi.

Cách tiếp cận cho các nước ASEAN

Các nước ASEAN đã áp dụng cách tiếp cận đặc hữu của việc học cách sống chung với dịch bệnh và chấp nhận sự thật rằng virus sẽ không sớm biến mất. Mặc dù vậy, các nước trong khu vực phải chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc nối lại các chuyến bay quốc tế.

Giáo sư Victor Wee đã đưa ra 8 khuyến cáo về một số biện pháp cho hành động ưu tiên nhằm kích hoạt và tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại quốc tế trong khu vực.

Thứ nhất, cần hợp tác chặt chẽ giữa các nước ASEAN để khởi động lại du lịch quốc tế và đảm bảo việc dỡ bỏ các hạn chế đi lại không đi kèm với những trục trặc không cần thiết. Chính phủ các nước cần thống nhất các quy tắc, quy trình và tiêu chuẩn rõ ràng cũng như các giao thức được các bên thống nhất để có thể áp dụng trong toàn khu vực.

Thứ hai, cần xem xét việc đi lại xuyên biên giới an toàn. Hiện tại du lịch quốc tế đang bị cản trở bởi những thay đổi liên tục trong các hạn chế và yêu cầu đi lại khi các cơ quan chức năng đang cập nhật lại.

Một trong những vấn đề ảnh hưởng đến du lịch xuyên biên giới trong khu vực ASEAN là quy định chưa rõ ràng về yêu cầu nhập cảnh đối với của các nước láng giềng. Chính vì vậy, phải có sự phối hợp và hài hòa để đi lại xuyên biên giới và hội nhập khu vực trong ASEAN, từ đó khởi động lại hoạt động du lịch và kinh tế xuyên biên giới.

Thứ ba, cung cấp sự an toàn và linh hoạt trong việc sắp xếp du lịch, trong đó việc đặt vé du lịch cần được bảo vệ trước những thay đổi trong chính sách đi lại và các hạn chế có thể được đưa ra trong thời gian ngắn. Các hạn chế về biên giới giữa các quốc gia có thể phức tạp và thay đổi, điều này khiến du khách có thể thất vọng và chịu thêm các khoản chi phí không mong muốn.

Tiếp theo, cần áp dụng phương pháp tiếp cận tiêu chuẩn giữa các nước ASEAN về các chứng chỉ liên quan tới kiểm dịch như kết quả xét nghiệm COVID-19, cũng như chứng chỉ tiêm chủng đã được chứng nhận tại quốc gia của họ và được chấp nhận ở các nước ASEAN còn lại.

Những du khách đã được kiểm tra tại các bệnh viện, phòng khám đáng tin cậy và được tiêm chủng ở một quốc gia khác có thể cung cấp các tài liệu cần thiết để giảm bớt kết quả phòng thí nghiệm giả mạo.

Thứ năm, các nước ASEAN nên tránh tiết lộ quá mức thông tin sức khỏe cá nhân. Mối quan tâm về quyền riêng tư kỹ thuật số có thể phát sinh từ các yêu cầu theo dõi tình hình sức khỏe kiểm dịch khi du khách cần tải các ứng dụng kiểm tra sức khỏe khác nhau ở mỗi nước họ nhập cảnh.

Thứ sáu, đơn giản hóa, thậm chí loại bỏ các yêu cầu kiểm dịch. Ngay cả khi biên giới được mô tả là mở, du khách vẫn cảm thấy miễn cưỡng đến các điểm đến có yêu cầu kiểm dịch. Nghiên cứu gần đây của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cho thấy các quốc gia có yêu cầu cách ly 14 ngày cũng bị khách du lịch coi như một quốc gia đóng cửa biên giới. Các quốc gia muốn chào đón du khách cần xem xét nghiêm túc việc loại bỏ các yêu cầu về kiểm dịch.

Thứ bảy, tổ chức các hoạt động hỗ trợ đối với các trung tâm thu hút khách du lịch cũng như các điểm đến tiềm tàng khi chuẩn bị mở cửa. Các chính phủ, khu vực tư nhân và cộng đồng địa phương nên hợp tác để thiết lập lại hoạt động và thực hiện các chính sách mới nhằm xây dựng lại niềm tin của du khách, trong đó đặc biệt chú ý đến việc tăng cường các giao thức an toàn và sức khỏe trong tình hình mới.

Cuối cùng, các chính phủ cần hỗ trợ du lịch và kinh doanh du lịch để các doanh nghiệp và đội ngũ hoạt động trong ngành công nghiệp không khói này có thể đứng vững trở lại. Sự hỗ trợ có thể đến dưới dạng các gói kích cầu và khuyến khích du lịch khi ngành kinh doanh du lịch giúp mang lại việc làm trong cả lĩnh vực thứ cấp.

Theo Giáo sư Victor Wee, chính phủ các nước ASEAN cần phối hợp để hài hòa việc dỡ bỏ các hạn chế đi lại và tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển qua các biên giới quốc gia. Một số biện pháp ưu tiên bao gồm tiêu chuẩn hóa các quy định, loại bỏ các thủ tục rắc rối và áp dụng một hình thức chứng nhận sức khỏe kỹ thuật số toàn cầu. Hiện tại, thực trạng này chưa được thúc đẩy nhanh chóng hoặc đủ tích hợp cho hoạt động du lịch quốc tế.

Cùng với đó, đại dịch cũng thúc đẩy việc áp dụng kỹ thuật số hóa vào công việc và cuộc sống. Trong bối cảnh này, khoảng cách về kỹ năng trong thị trường lao động địa phương là rào cản đối với việc áp dụng công nghệ mới.

Để lực lượng lao động du lịch sẵn sàng cho tương lai, Giáo sư Wee nhấn mạnh, các cơ quan kết nối với du lịch nên sử dụng thời gian tạm lắng trong đại dịch để tổ chức hội thảo trực tuyến miễn phí và cung cấp các khóa đào tạo, bổ trợ kiến thức, kỹ năng cho các bên liên quan và doanh nhân du lịch, tập trung vào kỹ năng kỹ thuật số và tái tạo sau khủng hoảng. Đây sẽ là chìa khóa cho ngành du lịch ASEAN tái khởi sắc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục