Chính phủ Iraq nỗ lực tránh kịch bản tồi tệ nhất có thể xảy ra

Chính phủ Iraq đang cố gắng tránh một cuộc tấn công quy mô vào thành phố Fallujah, rơi vào tay của quân nổi dậy.
Chính phủ Iraq nỗ lực tránh kịch bản tồi tệ nhất có thể xảy ra ảnh 1Binh sỹ Iraq kiểm tra các phương tiện giao thông của người Hồi giáo dòng Sunni đang sơ tán khỏi thành phố Fallujah. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Chính phủ Iraq đang cố gắng tránh một cuộc tấn công quy mô vào thành phố Fallujah, rơi vào tay của quân nổi dậy.

Cuộc tấn công như thế có thể làm tăng thêm quan điểm mạnh mẽ của người Sunni trong khu vực chống chính phủ và làm tiêu tan mọi hy vọng về một giải pháp chính trị.

Theo Hội Trăng Lưỡi Liềm Đỏ Iraq, khoảng 13.000 gia đình đã rời khu vực Fallujah để trốn chạy những trận đánh trong thành phố này và tìm nơi ẩn náu ở các tỉnh lân cận. Đây là một trong những hậu quả của cuộc chiến tranh tuyên bố của chính phủ Iraq chống quân nổi dậy cực đoan liên kết với al-Qaeda ở tỉnh Al-Anbar.

Lực lượng an ninh và các chiến binh bộ lạc đã giành lại quyền kiểm soát từ tay các chiến binh thánh chiến hai khu phố của Ramadi, thủ phủ của tỉnh Al-Anbar.

Theo một chỉ huy của lực lượng dân quân bộ lạc, Mohammed Abu Risha Khamis, các chiến binh của Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và vùng Cận Đông (EIIL) chỉ còn kiểm soát 10% Ramadi.

Đây là lần đầu tiên, những người có vũ trang công khai kiểm soát các khu đô thị, kể từ khi các cuộc nổi dậy tiếp theo cuộc xâm lược do Mỹ dẫn đầu năm 2003, trên địa bàn tỉnh Al-Anbar, giáp biên giới Syria.

Cho đến thời điểm này, thành phố Fallujah của người Sunni vẫn còn bị kiểm soát bởi những người có vũ trang, thành viên của EIIL và một số bộ tộc thù địch với chính phủ.

Báo Al Ahram của Ai Cập cho rằng việc giành lại Fallujah là một nhiệm vụ có nguy cơ rất cao đối với Chính phủ Iraq. Trước đó, đây là nhiệm vụ khó khăn cho người Mỹ không chỉ vào năm 2004, mà còn như không khả thi trong gần 10 năm sau đó. Lực lượng Iraq có thể gây ra nhiều thương vong dân sự nặng nề. 

Theo các chuyên gia, người dân được trang bị vũ khí và lực lượng dân quân bộ tộc có nhiều vũ khí. Theo Issam Al- Faili, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Mustansiriyah tại Baghdad, "tiến hành hoạt động quân sự ở Fallujah mà không có sự phối hợp rõ ràng với người dân chỉ có thể dẫn đến thảm họa."

Ông Issam Al- Faili nói: "Tại Fallujah, có các chiến binh dày dạn kinh nghiệm chiến đấu ở đô thị."

Mặt khác, cuộc tấn công vào Fallujah có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa các dân tộc thiểu số Sunni và chính phủ đồng thời là một thách thức đối với lực lượng chính phủ chưa bao giờ tiến hành một hoạt động quân sự có quy mô kể từ khi quân đội Mỹ rút khỏi nước này cách đây hai năm.

Thật vậy, việc quân nổi dậy, trong đó có chiến binh thánh chiến của EIIL gần đây chiếm giữ  các thành phố Fallujah và Ramadi là một thách thức quân sự chưa từng có đối với chính phủ của Thủ tướng Nouri al- Maliki.

Về mặt quân sự, các chuyên gia chỉ ra sự yếu kém của quân đội Iraq. Thậm chí, một số người còn nhắc lại rằng trong năm 2008, quân đội Iraq đã cố gắng chiếm lại thành phố Basra bằng cách phát động chiến dịch "Cuộc tấn công của các Hiệp sĩ," nhưng quân đội Mỹ đã phải đến hỗ trợ họ, một lựa chọn mà hiện nay không còn.

Vì vậy, để tránh một kịch bản tồi tệ, Washington cố gắng thuyết phục Baghdad lựa chọn đối thoại, ít nhất trong thời gian đầu tiên. Một quan chức Mỹ đã kêu gọi chính phủ Iraq kiên nhẫn và kiềm chế, trong khi nói rằng hy vọng quân đội Iraq sẽ không tấn công vào Fallujah.

Các quan chức Mỹ, trong đó có Phó Tổng thống Joe Biden, trên thực tế đã dành một tuần để điện đàm với Baghdad, hối thúc Thủ tướng Nouri Al -Maliki hòa giải với các bộ lạc Sunni Anbar, trước khi khởi động một cuộc tấn công chiếm lại hai thành phố của người Sunni. Chiến lược hai giai đoạn này tương tự với những gì mà người Mỹ đã thông qua trước khi rời khỏi nước này vào cuối năm 2011.

Các cuộc thảo luận đã thực sự bắt đầu trong tuần này. Các quan chức quân sự và chính quyền địa phương đã đảm bảo rằng cuộc tấn công sẽ không được phát động chừng nào các cuộc đàm phán còn tiếp tục nhằm thảo luận về việc những người Hồi giáo liên quan đến al-Qaeda sơ tán ra khỏi thành phố và để cho các bộ tộc Sunni địa phương kiểm soát an ninh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục