Năm 2013 được cho là một năm thành công của Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam (VBSP) từ việc đưa tín dụng về cho hộ nghèo, vốn cho học sinh sinh viên đến công tác an sinh xã hội. Đầu Xuân 2014, phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam (VBSP) xung quanh vấn đề này.
- Theo ông, đâu là những điểm sáng của Ngân hàng Chính sách Xã hội trong năm vừa qua?
Ông Nguyễn Văn Lý: Năm 2013 có thể nói là một năm thành công và đạt được kết quả toàn diện trên tất cả các mặt từ trước đến nay của VBSP. Đó là, chúng tôi đã thực hiện được 100% kế hoạch, tăng trưởng dư nợ gần 8.000 tỷ đồng so với năm 2012. Tính đến hết năm 2013, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách đạt 121.696 tỷ đồng.
Đặc biệt, năm vừa qua chúng tôi đã làm rất tốt công tác thu nợ để quay vòng vốn. Số tiền thu nợ đạt gần 27 nghìn tỷ đồng. Như vậy, trong doanh số cho vay 34 nghìn tỷ đồng, thì trên 70% là nguồn vốn lấy từ thu nợ để quay vòng cho vay.
Thành công nổi bật nữa là chất lượng tín dụng của VBSP đã được củng cố rất tốt. Nếu như đầu năm, nợ quá hạn là 1,08%/tổng dư nợ thì đến nay chỉ còn 0,79%. Đó là kết quả của một năm chúng tôi tập trung cao độ chấn chỉnh hoạt động tín dụng. VBSP đã có nhiều giải pháp củng cố tổ nhóm vay vốn, phối hợp tốt với các hội đoàn thể làm ủy thác cho vay, nâng cao nhận thức người vay và hiệu quả sử dụng vốn của người vay.
Riêng chương trình tín dụng học sinh sinh viên, đầu năm dự kiến thu nợ hơn 4.000 tỷ đồng, nhưng kết thúc năm đã thu được gần 7.000 tỷ đồng, nợ quá hạn chỉ còn 0,5% tổng dư nợ của chương trình. Đây được xem là điểm sáng, bởi vấn đề thu nợ của chương trình tín dụng học sinh sinh viên luôn được xã hội quan tâm.
Bên cạnh đó, năm 2013, chúng tôi cũng tập trung ưu tiên vốn cho vay hộ nghèo… và đặc biệt được Chính phủ giao thêm cho vay hộ cận nghèo.
Sau 8 tháng triển khai chương trình cho vay hộ cận nghèo, dư nợ cho vay đã đạt hơn 7.000 tỷ đồng, với khoảng 390 nghìn hộ cận nghèo được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Nếu theo số liệu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, toàn quốc hiện có 1,5 triệu hộ nghèo thì đã có ¼ số hộ cận nghèo được tiếp cận vốn. Chương trình tín dụng cho vay hộ cận nghèo được nhân dân và chính quyền các cấp đánh giá rất cao. Được coi là một trong các giải pháp tích cực nhất để góp phần chống tái nghèo.
Năm vừa qua, thêm một thành công nữa của VBSP là đã đưa chương trình tin học mới hiện đại hóa Ngân hàng vào hoạt động. Cốt lõi của chương trình này là phục vụ nhân dân chi tiết hơn, cẩn thận hơn, nhanh hơn và an toàn để hướng tới Ngân hàng phát triển bền vững, tạo bền vững cho đối tượng chính sách và hộ nghèo.
- Chỉ riêng cán bộ tín dụng thì không thể có được kết quả như trên, vậy mối quan hệ giữa cán bộ tín dụng và nhân dân được gắn kết như thế nào để chính sách được gần dân hơn, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Lý: Trong năm vừa qua, công tác xã hội hóa hoạt động tín dụng được triển khai rộng rãi hơn, từ khâu bình xét, đưa vốn về các xã, đến việc giúp đỡ nhau sử dụng vốn làm ăn, đốc thúc thu hồi nợ, thu lãi, xử lý thiên tai kịp thời. Qua công tác xã hội hóa, một lần nữa tín dụng chính sách đã tác động tới xây dựng hệ thống chính trị dưới cơ sở, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ xây dựng nông thôn mới.
Đối với người vay, thông qua hoạt động vay vốn, sinh hoạt tổ nhóm cũng tạo thêm sự gắn kết, đoàn kết tình làng nghĩa xóm; góp phần xây dựng ổn định kinh tế-xã hội, an ninh chính trị ở vùng nông thôn.
Năm qua, chúng tôi tiếp tục thành công trong việc củng cố mạng lưới phục vụ của mình. Chất lượng phục vụ của Ngân hàng dành cho người dân tốt hơn, nổi bật nhất là giao dịch nhân dân tại xã. Mọi nhu cầu của người dân như vay vốn, thu nợ, trả nợ, xử lý rủi ro ngân hàng đều phục vụ ngay tại xã. Các quy trình được rút gọn, chuẩn xác hơn. Tập hợp nguyện vọng của nhân dân phản ánh với cấp trên để xử lý các vướng mắc.
Có thể nói, mô hình giao dịch tại xã làm cho chính sách gần dân hơn. Giảm chi phí nhiều cho người thụ hưởng. Quãng đường đó, đáng lẽ hơn 7 triệu hộ phải đi thì cán bộ Ngân hàng đi. Giao dịch tại xã cũng củng cố chính quyền cơ sở tại xã, người dân gắn bó với xã hơn.
- Năm 2014 nền kinh tế nói chung vẫn còn nhiều khó khăn, vậy mục tiêu của VBSP trong năm tới là gì để hỗ trợ thêm cho các hộ nghèo thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Lý: Chúng tôi tiếp tục thực hiện tốt các chương trình tín dụng theo kế hoạch được giao. Năm nay Chính phủ giao tăng trưởng dư nợ là 6,5%, tương đương 7.100 tỷ đồng. Do đó, chúng tôi tiếp tục ưu tiên chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo, cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn…
Để thực hiện tốt các chương trình tín dụng, chúng tôi tiếp tục làm tốt công tác huy động vốn và thu nợ đến hạn, để tạo nguồn cho vay mới. Dự kiến năm 2014, VBSP sẽ thu nợ khoảng 30 nghìn tỷ đồng, tạo nguồn vốn cho vay rất lớn để thực hiện kế hoạch tăng dư nợ 6,5%.
Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng từ khâu bình xét, giải ngân, đến sử dụng vốn. Ngoài ra, VBSP sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức hội đoàn thể để củng cố những tổ nhóm còn yếu.
Về nội bộ chúng tôi tiếp tục siết chặt các quy trình nghiệp vụ, nâng cao phẩm chất cán bộ để VBSP hoạt động ngày càng hoàn thiện hơn để phục vụ người dân.
- Theo phản ánh từ thực tế, hiện mức tối đa 30 triệu đồng mà các hộ nghèo được vay là quá ít so với nhu cầu. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào và ông có kiến nghị gì để hoạt động cho vay của VBSP hiệu quả hơn nữa không?
Ông Nguyễn Văn Lý: Tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo tinh thần Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 được xem là một đòn bẩy phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xoá đói giảm nghèo.
Theo nghị định, mức vay tối đa của mỗi hộ dân là 30 triệu đồng. Tuy nhiên, mức này đã tồn tại từ 7-8 năm nay rồi nên không còn phù hợp với nhu cầu thực tế hiện nay.
Qua khảo sát, chúng tôi thấy nhu cầu, nguyện vọng của bà con muốn được nâng mức cho vay lên từ 50-60 triệu đồng/hộ. Chúng tôi cho rằng nguyện vọng đó là hoàn toàn chính đáng với thời giá hiện nay.
Nhiều hộ nghèo cho rằng, thời điểm 7 năm trước 20 triệu có thể mua được một con trâu cày, còn hiện nay phải 40 triệu mới mua được con trâu như vậy. Nguyện vọng này, chúng tôi đã phản ánh và cùng các bộ ngành tham mưu cho Chính phủ để nâng mức này lên một cách hợp lý.
Một vấn đề khác nữa cần giải quyết, đó là sự bất hợp lý về nguồn vốn. Trong cơ cấu nguồn vốn của VBSP có trên 70% là vốn cấp ngắn hạn, trong khi ngân hàng lại cho vay trên 90% trung dài hạn, làm cho cơ cấu nguồn vốn chưa bền vững. Trong nguồn vốn lại có khoảng 46% là vốn phải trả mức lãi suất thấp, 54% là vốn huy động với lãi suất cao. Với cơ cấu vốn như vậy thì việc bù lỗ lãi suất của Chính phủ cho các chương trình cho vay là rất lớn.
Ngoài ra, trong nông nghiệp, nông thôn có những vấn đề vĩ mô chưa xử lý được, như hiện tượng được mùa mất giá, gây cản trở tới hoạt động và tính hiệu quả của các chương trình tín dụng ưu đãi.
- Xin cảm ơn ông, chúc ông và VBSP một năm mới với nhiều thắng lợi mới!