Chống dịch COVID-19 như chống giặc: Thờ ơ sẽ hại chính mình và xã hội

Chỉ cần 1 người dân che dấu tình trạng có thể nhiễm COVID-19 của mình, để lây lan dịch sẽ làm cho công sức của cộng đồng bị phá hủy.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Trong thời gian qua, dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại sau nỗ lực “chống dịch như chống giặc” của Chính phủ, cơ quan ban ngành và toàn dân. Một trong những nguyên nhân dẫn tới việc lây lan dịch bệnh trong cộng đồng là do một số cá nhân có hành vi không khai báo y tế hoặc khai báo y tế gian dối để trốn cách ly. Cùng với đó là việc một số nơi (chính quyền địa phương, cơ sở y tế xã, phường) còn thờ ơ trong việc tiếp nhận thông tin, lấy mẫu xét nghiệm cho người dân; thậm chí có phòng khám còn chủ quan “để lọt” người bệnh.

“Một người lơ là, cả xã hội vất vả”

Những ngày qua, nhiều người dân đã vô cùng bức xúc trước sự việc ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (Hacinco) và vợ có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, gian dối trong khai báo làm lây lan dịch bệnh COVID-19 ra cộng đồng, xã hội.

Cụ thể, chùm ca bệnh BN3634 và vợ (BN3633) có tiền sử dịch tễ đi Đà Nẵng từ ngày 30/4-2/5 và có triệu chứng ho, đau họng từ ngày 8/5 sau khi trở về từ Đà Nẵng. Thế nhưng, trong khoảng thời gian đó đến ngày phát hiện ra bệnh (12/5), vợ chồng này vẫn đi nhiều nơi như: Sân golf, siêu thị, nhà hàng, tham dự nhiều cuộc họp, về quê…

Bên cạnh ý thức kém của cặp vợ chồng nêu trên là sự thiếu trách nhiệm của Phòng khám Bệnh viện Thu Cúc (216 Trần Duy Hưng, Trung Hòa, Cầu Giấy) trong việc “để lọt” bệnh nhân có yếu tố dịch tễ đi từ Đà Nẵng và cũng không có thông báo đến các cơ quan ban ngành chức năng về trường hợp “nghi ngờ” nhiễm COVID-19 này.

Khi lịch trình của ông Thanh và vợ (BN3633) được công bố, nhiều người sửng sốt và phẫn nộ vì ý thức kém của cặp ca bệnh vợ chồng này. Đáng nói là, từ trường hợp này đã lây sang các trường hợp khác.

[Vụ Giám đốc Hacinco vi phạm về phòng dịch: Có thể bị khởi tố hình sự?]

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 Hà Nội tổ chức chiều 13/5, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã khẳng định trường hợp ông Nguyễn Văn Thanh, BN3634, ở tại chung cư Central Point, 27 Lê Văn Lương (Thanh Xuân, Hà Nội) có vi phạm quy định về phòng, chống dịch.

Chống dịch COVID-19 như chống giặc: Thờ ơ sẽ hại chính mình và xã hội ảnh 1Luật sư Mai Thảo, Phó giám đốc TAT Law firm. (Ảnh: LS cung cấp)

Trong diễn biến liên quan, trưa 13/5, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản số 2726/QĐ-SYT quyết định đình chỉ hoạt động khám, chữa bệnh đối với Phòng khám Đa khoa quốc tế Thu Cúc, trực thuộc Công ty Cổ phần Y khoa và Thẩm mỹ Thu Cúc, có địa chỉ tại 216 Trần Duy Hưng (Trung Hòa, Cầu Giấy) liên quan tới quá trình tiếp nhận, xử lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận ngày 12/5/2021.

“Đây là ví dụ sinh động theo câu nói của Thủ tướng về việc ‘một người lơ là, cả xã hội vất vả’,” Chủ tịch thành phố Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.

Phản hồi tới cấp cao hơn nếu địa phương thờ ơ

Theo luật sư Mai Thị Thảo - Phó Giám đốc TAT Law firm, tại Việt Nam, số người mắc bệnh mới và các trường hợp nghi nhiễm đang nguy cơ tiếp tục gia tăng, đặt ra nhiều nhiệm vụ nặng nề hơn cho cơ quan chức năng cùng toàn dân. Hơn lúc nào hết chúng ta cần sự đồng lòng, chung sức của toàn xã hội. Khai báo y tế tự nguyện là nội dung hết sức quan trọng để kiểm soát dịch bệnh.

Tuy vậy, trên thực tế vẫn có những trường hợp hạn chế khai báo hoặc khai báo y tế gian dối đã gây ra hậu quả nghiêm trọng. Rõ ràng, chỉ cần 1 người dân che giấu tình trạng có thể nhiễm bệnh của mình sẽ làm cho công sức của cộng đồng bị phá hủy.

Vì thế, hơn bao giờ hết, mỗi người dân và cả chính quyền địa phương cần có trách nhiệm, chủ động phòng chống dịch; tuyệt đối không được thờ ơ, gian dối làm hại cộng đồng, xã hội.

Theo luật sư Mai Thị Thảo, pháp luật hiện hành đã quy định về trách nhiệm cụ thể của chính quyền cơ sở: Chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng chống dịch; chỉ đạo, tổ chức thực hiện giám sát bệnh truyền nhiễm tại địa phương; tổ chức triển khai các biện pháp chống dịch khi phát hiện trường hợp mắc bệnh dịch hoặc nhận được khai báo bệnh dịch; bảo đảm các điều kiện để thực hiện các biện pháp chống dịch.

Cùng với việc tuyên truyền, chính quyền cơ sở cũng cần tích cực và chủ động trong công tác tiếp nhận thông tin từ người khai báo y tế cũng như chủ động liên hệ hỗ trợ kiểm tra xác minh các thông tin liên quan đến việc di chuyển của người nghi nhiễm.

"Đối với những trường hợp có liên hệ với chính quyền, y tế nhưng nhận được thái độ thờ ơ thì người dân cần có sự phản hồi ngay với Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19; chủ động thực hiện các tiêu chuẩn 5K phòng chống dịch của Bộ y tế và tuân thủ các bước phòng chống dịch bệnh để công tác chống dịch đạt hiệu quả," luật sư Thảo nhấn mạnh.

Theo luật sư Thảo, mỗi người dân cũng cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong phòng, chống dịch bệnh cho bản thân và cộng đồng; không chủ quan, cần chủ động, bình tĩnh trước tình hình dịch bệnh và khai báo y tế theo quy định.

Trong quá trình triển khai công tác phòng chống dịch, chính quyền cơ sở cần chú ý phát hiện, khắc phục tình trạng chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm hay quá cứng nhắc, máy móc của các cá nhân, tập thể không thực hiện đúng quy định; tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sơ hở, thiếu sót, yếu kém của các cá nhân, tập thể ở các cấp địa phương trong thực hiện quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

Đặc biệt, trong việc tăng cường thanh tra, kiểm tra cũng hướng tới động viên, thúc đẩy hơn nữa tinh thần, trách nhiệm của chính quyền địa phương và biểu dương kịp thời, nhân rộng những điển hình trong phòng, chống dịch hiện nay. Riêng những trường hợp vi phạm, cần xử lý nghiêm.

Cụ thể, thẩm quyền của chính quyền cơ sở trong xử lý các hành vi vi phạm pháp luật cũng đã được quy định rõ trong Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Theo đó, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã có thẩm quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 5 triệu đồng đối với vi phạm hành chính về y tế dự phòng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt mức tiền phạt; áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả (buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh)./.

Cần xem xét hình thức kỷ luật về Đảng đối với Giám đốc Hacinco

Liên quan đến vụ việc ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (Hacinco) và vợ vi phạm quy định về phòng, chống dịch, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, luật sư Mai Thị Thảo - Phó Giám đốc TAT Law firm cho hay đối với các cá nhân làm lây lan dịch bệnh thì hành vi của các cá nhân đó cần được điều tra làm rõ.

Sau khi điều trị khỏi bệnh thì các cá nhân đó ngoài các chế tài về xử lý vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự, còn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật đối với những người mà họ đã gây ra thiệt hại đến sức khỏe, tài sản, tính mạng.

Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại Quyết định 102/QĐ-TW ngày 15/11/2017 quy định xử lý kỷ luật Đảng viên, trong trường hợp ông Thanh có dấu hiệu vi phạm pháp luât liên quan đến công tác phòng chống đại dịch thì ngoài việc bị xử lý nêu trên còn có thể bị thi hành kỷ luật Đảng theo Điều lệ Đảng.

Đối với tập thể Tổng Công ty Handico cần xem xét trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng chống dịch.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục