Trước việc nhà đầu tư đã không được thu phí hoàn vốn tại trạm Nam Hải Vân theo đúng cam kết và chậm chi trả kinh phí để thực hiện công tác quản lý vận hành, ông Lưu Xuân Thủy, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả thừa nhận, những cảnh báo về nguy cơ gián đoạn hoạt động của các hầm Đèo Cả, hầm Hải Vân 1 là có cơ sở.
Theo ông Thủy, hầm Hải Vân 1 đã được Nhà nước đầu tư bằng nguồn vốn vay JBIC của Nhật Bản hoàn thành đưa vào sử dụng từ 6/2005. Từ 2005-2015, chi phí để thực hiện công tác quản lý vận hành và tuyến đường Quốc lộ 1 qua đèo Hải Vân được Nhà nước chi trả.
[Chủ đầu tư hầm Hải Vân: Nguy cơ ‘vỡ trận’ do dự án bị ‘chôn chân’]
Trong quá trình triển khai mở rộng hầm Hải Vân 2, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả thực hiện việc nâng cấp hầm Hải Vân 1 (do sau hơn 10 năm đưa vào sử dụng cần phải thực hiện trung tu, nâng cấp để đảm bảo điều kiện an toàn khai thác) và ứng kinh phí để thực hiện công tác quản lý vận hành từ tháng 11/2015.
“Đến thời điểm hiện nay, Công ty đã chi 900 tỷ đồng để thực hiện hoàn thành việc nâng cấp hầm Hải Vân 1 và hơn 300 tỷ đồng để thực hiện công tác quản lý vận hành hầm Hải Vân 1,” ông Thủy cho hay.
Hơn nữa, theo phương án tài chính được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt, hợp đồng BOT ký kết giữa Bộ với nhà đầu tư thì Công ty Đèo Cả được thu phí tại trạm Nam Hải Vân từ tháng 1/2017. Tuy nhiên, ông Thủy tiết lộ, việc thu phí tại trạm Nam Hải Vân không thực hiện được do trạm Bắc Hải Vân đang thu phí để hoàn vốn cho dự án BOT Phước Tượng-Phú Gia.
Hiện nay, chi phí quản lý vận hành hầm Hải Vân 1 khoảng gần 100 tỷ đồng/năm.
Để hoàn vốn cho dự án hầm Đèo Cả, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về nguyên tắc việc bố trí 7 trạm thu phí (trong đó có trạm Nam Hải Vân, La Sơn-Túy Loan) và Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt phương án tài chính hoàn vốn dự án với thời gian hoàn vốn khoảng 28 năm.
“Như vậy, cần nguồn kinh phí khoảng 2.660 tỷ đồng/28 năm (nếu tính thêm hệ số trượt giá sẽ là 5.548 tỷ đồng) để quản lý vận hành hầm Hải Vân 1, đây là khoản kinh phí quá lớn và nếu không có giải pháp để đảm bảo thì doanh nghiệp không thể cân đối,” ông Thủy lo ngại.
Trước việc nhà đầu tư đã không được thu phí hoàn vốn tại trạm Nam Hải Vân theo đúng cam kết mà thu chung tại trạm Bắc Hải Vân hoàn hầm Phú Gia-Phước Tượng đồng thời quyết định bỏ không thu phí tại trạm La Sơn-Túy Loan, ông Thủy nhìn nhận, quyết định này đã làm giảm nghiêm trọng nguồn thu của dự án.
Để duy trì hoạt động các hầm, doanh nghiệp cần có nguồn chi phí để chi trả lương cán bộ công nhân viên, nhân công, nhiên liệu vận hành máy móc thiết bị, chi phí điện,….
"Với tình trạng nguồn tiền ứng ra từ vốn chủ sở hữu hiện nay của doanh nghiệp quá lớn và kéo dài, khó khăn nhưng không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quan tâm giải quyết, Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả sẽ đối diện với việc không thể tiếp tục chi trả các chi phí quản lý vận các hầm Đèo Cả, Hải Vân 1, sẽ dẫn đến nguy cơ gián đoạn hoạt động của các hầm Đèo Cả, hầm Hải Vân 1 trong 1-2 tháng tới nếu các vướng mắc này không được Bộ Giao thông Vận tải và Chính phủ tháo gỡ kịp thời,” ông Thủy khẳng định.
[Vỏ hầm Hải Vân ổn định, không xuất hiện thêm vết nứt mới và an toàn]
Cho rằng nhà đầu tư đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa có hướng giải quyết, trong bối cảnh nợ tiền điện, Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả đang nỗ lực làm việc với nhà thầu quản lý vận hành Hầm Hải Vân 1 (Công ty HAMADECO), Điện lực Đà Nẵng để duy trì công tác quản lý vận hành hầm Hải Vân 1.
“Tuy nhiên, những cảnh báo về nguy cơ gián đoạn hoạt động của các hầm Đèo Cả, hầm Hải Vân 1 là có cơ sở vì nếu chỉ mình Công ty nỗ lực thì cũng không thể nào đảm bảo được kinh phí cho công tác này,” ông Thủy nói.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả vẫn đang tập trung nguồn lực để hoàn thành hầm Cù Mông để đưa vào khai thác trước Tết Nguyên đán năm nay và tại hạng mục mở rộng Hầm Hải Vân đã khoan được gần 4.000m hầm/6.300m./.