Chủ tịch UBND Hà Nội gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động

Tiếp thu tất cả ý kiến của công nhân lao động, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo lãnh đạo 8 sở, ngành, địa phương trả lời, cam kết khắc phục, giải quyết các vướng mắc của người lao động.
Chủ tịch UBND Hà Nội gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động ảnh 1Quang cảnh buổi đối thoại với công nhân lao động Thủ đô năm 2022. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Thiết thực hưởng ứng Tháng Công nhân năm 2022, ngày 26/5, tại Khu Công nghiệp Bắc Thăng Long, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp với Liên đoàn Lao động thành phố tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội với hơn 200 công nhân lao động đại diện trên 2,5 triệu công nhân lao động đang làm việc trên địa bàn Thủ đô.

Đây là dịp để công nhân lao động được thẳng thắn nêu lên những kiến nghị, đề xuất cũng như tâm tư nguyện vọng liên quan đến việc làm, chế độ, chính sách, mong muốn được lãnh đạo thành phố trực tiếp lắng nghe, giải đáp và chỉ đạo cụ thể đối với từng vướng mắc, khó khăn.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng cho biết Hà Nội hiện có khoảng 326.000 doanh nghiệp, với trên 2,5 triệu lao động. Nhờ sự quan tâm, lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự quan tâm chăm lo của các đoàn thể chính trị-xã hội thành phố, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; quan hệ lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp tương đối ổn định.

Tuy nhiên, theo phản ánh của các cấp Công đoàn cơ sở, vấn đề về tiền lương, thu nhập của công nhân vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu, do người lao động phải chịu nhiều chi phí như: Thuê nhà trọ, gửi trẻ, giá hàng hóa thị trường tăng cao nên đời sống khó khăn, nhiều lao động phải làm thêm giờ, tăng ca, thậm chí làm thêm quá giờ quy định…

Hay việc thực hiện pháp luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế ở một số doanh nghiệp chưa được nghiêm túc, vẫn còn nhiều doanh nghiệp lợi dụng tình hình dịch cố tình chây ỳ, nợ đóng, trốn đóng, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Bên cạnh đó, với tốc độ phát triển kinh tế của Thủ đô hiện nay, nhu cầu nhà ở của người lao động lớn, nhưng thực tế chưa đáp ứng được, đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, vấn đề nhà ở cho công nhân càng khó khăn vì thu nhập của người lao động bị giảm sút…

Trước thực trạng đó, mở đầu cuộc đối thoại, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết hiện nay, thành phố đã bước sang giai đoạn thích ứng linh hoạt, an toàn sau hơn 2 năm phòng, chống dịch COVID-19.

Trong phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô có sự có đóng góp của các doanh nghiệp và người lao động.

Lãnh đạo thành phố sẽ trực tiếp lắng nghe tâm tư, vướng mắc của người lao động. Các anh chị em công nhân hãy cởi mở, thẳng thắn bày tỏ nguyện vọng chính đáng, hướng tới mục tiêu chung của thành phố là doanh nghiệp ổn định sản xuất, phúc lợi của người lao động ngày càng tốt hơn.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh khẳng định, trên cơ sở lắng nghe với tinh thần cầu thị nhất, các sở, ban ngành dựa trên chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước và thành phố có trách nhiệm giải đáp trực tiếp cho công nhân lao động.

Phát huy tính dân chủ, xây dựng, sau hơn 2 giờ đối thoại, có 22 lượt câu hỏi được các công nhân lao động trực tiếp gửi tới Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, trong đó, tập trung vào việc giải quyết chế độ bảo hiểm; thanh tra, kiểm tra tình trạng doanh nghiệp nợ lương, chây ỳ, nợ đóng tiền bảo hiểm xã hội; giải quyết nhu cầu nhà ở, chỗ học cho con công nhân, lao động ngoại tỉnh; lắp đặt wifi miễn phí; khám, chữa bệnh, vệ sinh môi trường trong các khu, cụm công nghiệp; thỏa ước lao động tập thể...

Công nhân lao động đề nghị bố trí quỹ đất, nguồn lực đầu tư xây dựng nhà trẻ, trường học, trạm y tế phục vụ công nhân lao động trong các khu công nghiệp chế xuất.

[Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội trả lời chất vấn nhiều vấn đề]

Thành phố quan tâm con công nhân lao động có hộ khẩu tạm trú được học tập ở các cơ sở giáo dục công lập; xây dựng nhà ở giá rẻ bán cho công nhân lao động, nhà ở cho công nhân thuê, phù hợp với điều kiện thu nhập thực tế của công nhân lao động…

Tiếp thu tất cả ý kiến của công nhân lao động, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã chỉ đạo lãnh đạo 8 sở, ngành, địa phương trả lời, cam kết khắc phục giải quyết và sẽ báo cáo lại với thành phố trong giữa tháng 6/2022.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng trực tiếp giải đáp một số câu hỏi mang tính chính sách, định hướng.

Theo ghi nhận, các câu trả lời đều thỏa đáng, nhận được sự đồng thuận cao của công nhân lao động. Tuy nhiên, qua 530 ý kiến tổ chức do các cấp Công đoàn tổng hợp, công nhân lao động thể hiện rất nhiều kỳ vọng và mong muốn gửi đến người đứng đầu chính quyền thành phố tiếp tục quan tâm giải quyết.

Chủ tịch UBND Hà Nội gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động ảnh 2Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đối thoại với công nhân lao động Thủ đô năm 2022. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Cũng tại buổi đối thoại, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Chu Ngọc Anh đã làm rõ thêm một số vấn đề về chính sách hỗ trợ thuê nhà cho người lao động, chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng tay nghề cho công nhân, hỗ trợ y tế tuyến huyện, về giáo dục và đào tạo để đáp ứng nhu cầu học tập của con em công nhân  trên địa bàn Thủ đô.

Theo lãnh đạo Hà Nội, ngay sau khi có Quyết định của Chính phủ, Hà Nội đã tăng tốc, hướng dẫn triển khai chi trả hỗ trợ cho công nhân lao động tới từng đơn vị, các cấp quận, huyện, thị xã. Hiện nay đã có 30 quận, huyện tiếp nhận 2.852 hồ sơ của 107 doanh nghiệp.

Mặc dù đã có chính sách nhưng công tác tổ chức, thông tin chưa thực sự tới sâu rộng người lao động và giới chủ lao động.

Do đó, lãnh đạo thành phố đề nghị đẩy mạnh tuyên truyền thông qua các phương tiện để các đơn vị nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, chi trả kịp thời cho người lao động.

Đề cập đến khó khăn về điều kiện đăng ký tạm trú cho người lao động, sắp tới, Hà Nội sẽ triển khai Đề án 06 đến các nhà trọ công nhân thì việc khai báo tạm trú, tạm vắng sẽ triển khai rất nhanh, dễ dàng.

Thành phố tiếp tục quan tâm đẩy mạnh rà soát quy hoạch mạng lưới trường lớp, xây dựng bổ sung nhiều trường Trung học Phổ thông công lập cũng như trường Trung học Phổ thông ngoài công lập để đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân Thủ đô cũng như người lao động các tỉnh về Hà Nội làm ăn, sinh sống.

Đồng thời, thành phố có kế hoạch nâng cao trình độ đào tạo, chuyên khoa sâu ở y tế tuyến huyện, chuẩn bị đầu tư về máy móc, thiết bị nhằm phục vụ khám chữa bệnh hiệu quả hơn…

Có mặt tại buổi đối thoại, anh Nguyễn Đình Tư (công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toto Việt Nam), chị Vương Thị Loan (công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn Matsuo Industries Việt Nam), chị Bùi Thị Lanh (công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn Điện tử Meiko Việt Nam, anh Đỗ Văn Hảo (công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn Canon Việt Nam) cùng nhiều công nhân khác đã xúc động cảm ơn sự quan tâm, chăm lo của lãnh đạo thành phố Hà Nội tới đội ngũ công nhân Thủ đô; đồng thời, bày tỏ mong muốn tiếp tục được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố và các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa về đời sống, việc làm giúp công nhân lao động ổn định cuộc sống, yên tâm làm việc.

Đặc biệt, công nhân lao động hy vọng, sau buổi gặp gỡ này sẽ nhận được nhiều tín hiệu tích cực từ lãnh đạo thành phố Hà Nội.

Đại diện cho hơn 500 công nhân Công ty Ogino Việt Nam, anh Nguyễn Văn Liệu, Chủ tịch Công đoàn Công ty bày tỏ: "Đây là hoạt động thiết thực mà người lao động mong chờ từ rất lâu. Qua buổi gặp gỡ, những băn khoăn, khó gỡ mong được giải quyết nhanh hơn, triệt để hơn để người lao động yên tâm làm việc, tin tưởng vào những chính sách, quyết định của đơn vị và thành phố"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục