Chung tay ngăn chặn tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em

Tội phạm mua, bán người hình thành nhiều đường dây, băng nhóm liên tỉnh, xuyên quốc gia với tính chất, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để tiếp cận những phụ nữ nhẹ dạ.
Chung tay ngăn chặn tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em ảnh 1Bắt giữ đối tượng chuyên đưa người qua biên giới. (Ảnh: Quang Duy/TTXVN)

Hiện tình trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em vẫn đang tiếp tục diễn ra với nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp, trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của toàn xã hội.

Với mục tiêu hướng tới chấm dứt tình trạng trên, bên cạnh những giải pháp của Đảng và Nhà nước cũng như các cấp, các ngành đã phối hợp triển khai nhiều năm qua, rất cần có sự quan tâm, chung tay của toàn xã hội.

Báo động tình trạng buôn bán phụ nữ

Tình hình mua bán người, đặc biệt là phụ nữ trên thế giới và khu vực hiện đang tiếp tục diễn biến phức tạp.

Theo báo cáo của Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc (UNOCD), trên thế giới có khoảng 244 triệu người di cư và vẫn tiếp tục tăng lên do ảnh hưởng của khủng bố, xung đột, bạo lực…, nhiều người trong số đó trở thành nạn nhân của nạn buôn bán người.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố mỗi năm có khoảng gần 10.000 ca ghép nội tạng trái phép có sự tham gia của các tổ chức tội phạm buôn người.

Riêng khu vực các nước Tiểu vùng sông Mekong (trong đó có Việt Nam) được đánh giá là điểm nóng của tình trạng mua bán người, di cư bất hợp pháp, ước tính lợi nhuận từ hoạt động mua bán người tại khu vực lên tới hàng chục tỷ USD/năm.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm của Chính phủ, từ năm 2012-2017 lực lượng chức năng đã tổ chức giải cứu và tiếp nhận khoảng 7.500 người.

Các cuộc điều tra, rà soát cho thấy trên 90% nạn nhân bị mua bán là phụ nữ và trẻ em; trên 80% nạn nhân thuộc các dân tộc thiểu số, trình độ học vấn, nhận thức, tiếp cận thông tin ít hơn và có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; hơn 70% nạn nhân làm nông nghiệp hoặc không có việc làm; hơn 37% không biết chữ và khoảng 6,8% nạn nhân là người trẻ tuổi, học sinh, sinh viên, trên 98% nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài.

Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) Lê Đức Hiền nhận định, đa số nạn nhân là phụ nữ khi bị lừa bán ra nước ngoài bị cưỡng ép kết hôn làm vợ người dân bản địa và bóc lột tình dục (gần 80%).

100% nạn nhân khi được tiếp nhận xác minh đều được hỗ trợ ban đầu và được hỗ trợ pháp lý theo quy định của pháp luật, khoảng 50% nạn nhân được ngành lao động-thương binh và xã hội ở địa phương hỗ trợ để hòa nhập cộng đồng theo quy định của pháp luật.

Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã tác động mạnh mẽ đến đời sống sinh hoạt của người dân trên các tỉnh miền núi. Những người thiếu hiểu biết sẽ trở thành đối tượng để tội phạm lợi dụng, tìm cách tiếp cận.

Tội phạm mua, bán người hình thành nhiều đường dây, băng nhóm liên tỉnh, xuyên quốc gia với tính chất, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của gia đình, nhà trường để tiếp cận những phụ nữ nhẹ dạ.

Thông qua các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, Viber, các đối tượng tiếp cận, rủ rê, giả vờ làm người yêu, lôi kéo đi du lịch, đi làm thuê thu nhập cao, xuất khẩu lao động với chi phí thấp… để lừa bán làm vợ, đẻ thuê, ép buộc làm mại dâm, cưỡng bức lao động…

Là một trong những người có kinh nghiệm nhiều năm trực tiếp chỉ đạo, đấu tranh với những vụ án buôn bán người, Thượng tá Nguyễn Quốc Khánh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Phó Bảng (Hà Giang), cho biết tình hình tội phạm mua bán người trên địa bàn biên giới diễn ra khác phức tạp.

Chúng lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của nhiều phụ nữ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, hoặc những thanh, thiếu niên ham chơi, đua đòi, lười lao động, dụ dỗ sang Trung Quốc lấy chồng rồi từ đó bán vào các ổ chứa, động mại dâm, các cơ sở sử dụng lao động theo kiểu nô lệ.

Theo Thượng tá Nguyễn Quốc Khánh, để tránh sự truy bắt của lực lượng chức năng, các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, địa bàn hoạt động, hoặc lẩn trốn sang bên kia biên giới. Tinh vi hơn, chúng còn sử dụng người thứ ba làm trung gian mua bán người, dụ dỗ, lôi kéo những người thiếu hiểu biết về pháp luật để làm công cụ cho chúng kiếm lời.

Theo Luật sư Hà Huy Từ, Công ty Luật Hà Huy (Đoàn Luật sư Hà Nội), nguyên nhân dẫn đến tình trạng buôn bán phụ nữ ngày càng gia tăng là do hoàn cảnh của những người phụ nữ này đa số là bị đói nghèo, thất học, nhận thức pháp luật và hiểu biết về xã hội hạn chế, ngoài ra họ cũng có một phần lỗi là có ham muốn về vật chất khi chưa tìm hiểu kỹ càng về các công việc mà bọn "buôn người" đưa ra làm mồi nhử.

Ngoài ra, tác động tiêu cực của mạng xã hội, của các mối quan hệ không lành mạnh cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tình trạng này.

Cần sự chung tay của toàn xã hội

Trước những diễn biến phức tạp của tình trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em, những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã chú trọng đẩy mạnh các biện pháp nhằm phòng, chống tệ nạn mua bán người bằng việc dần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật như Bộ luật Hình sự, Luật Phòng, chống mua bán người, Nghị định số 62/2012/NĐ-CP quy định căn cứ xác định nạn nhân bị mua bán và bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân thích của họ…

Các bộ, ngành, địa phương cũng đã lồng ghép việc phòng ngừa mua bán người vào các chương trình, kế hoạch về phòng, chống tội phạm, phòng, chống tệ nạn xã hội, giảm nghèo...

[Triển khai đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân mua bán người]

Thượng tá Nguyễn Quốc Khánh cho biết, để ngăn chặn tình trạng này, phải có sự chung tay của nhiều cấp, ban, ngành địa phương, duy trì và củng cố mô hình thôn, bản tự quản an ninh trật tự.

Chung tay ngăn chặn tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em ảnh 2Một thiếu nữ người H'Mông bị bán sang Trung Quốc ở nhà bảo hộ cho các nạn nhân buôn người ở Lào Cai. (Nguồn: AFP)

Trong những năm qua Đồn Biên phòng Phó Bảng đã tổ chức các tổ công tác xuống cắm bản, nắm bắt tình hình, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đồng bào, cũng như nắm chắc biến động của các đối tượng.

Đơn vị đã xây dựng mô hình "Chiếc gậy an toàn." Theo đó, mỗi một gia đình đều chuẩn bị một chiếc gậy, để sẵn sàng giúp bà con truy đuổi các đối tượng manh động ngang nhiên bắt cóc phụ nữ, trẻ em giữa ban ngày.

Ngoài ra, nhiều thôn, bản còn có mô hình "Tiếng kẻng an ninh biên giới" - mỗi khi phát hiện thấy đối tượng xấu, khả nghi vào bản trộm cắp, bắt cóc trẻ em, phụ nữ, lập tức đánh kẻng báo động để mọi người cùng ra tiếp ứng, xua đuổi, không để xảy ra sự cố. Vì thế, tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn do đơn vị phụ trách dần đi vào ổn định."

Luật sư Hà Huy Từ cho rằng giải pháp ngăn chặn tình trạng buôn bán phụ nữ là cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, đặc biệt, vai trò, vị trí của hội liên hiệp phụ nữ các cấp hết sức quan trọng.

Hội liên hiệp phụ nữ các cấp cần sâu sát với những người phụ nữ yếu thế, giúp tạo công ăn việc làm cho họ, đồng thời có nhiều hoạt động tuyên truyền đẩy mạnh nhận thức cho phụ nữ, phòng ngừa những cạm bẫy cuộc sống. Bản thân những người phụ nữ yếu thế cũng cần nâng cao nhận thức, hiểu biết của mình, có hoạt động và việc làm tích cực vì gia đình và cộng đồng.

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho rằng việc thành lập đường dây nóng phòng, chống mua bán người trong thời gian qua được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu, phù hợp để tăng cường mạng lưới hợp tác, phối hợp về phòng, chống mua bán người tại Việt Nam.

Với sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã thực hiện dự án “Thành lập đường dây nóng phòng, chống mua bán người ở Việt Nam” từ tháng 7/2012.

Mục tiêu của dự án là tăng cường các chức năng hiện tại của Đường dây Tư vấn và Hỗ trợ trẻ em (nay là Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111), và mở rộng thêm chức năng phòng chống mua bán người để đóng góp vào những nỗ lực chung của Chính phủ trong công tác phòng, chống mua bán người cũng như tái hòa nhập cộng đồng cho những nạn nhân bị mua bán.

Để ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm mua bán người, vấn đề cốt lõi hiện nay đó là phải tiếp tục có sự vào cuộc đồng bộ, hiệu quả hơn nữa của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Các địa phương, nhất là địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật và sự nguy hại của tội phạm mua, bán người... để từ đó các cấp, các ngành xác định rõ nhiệm vụ, thống nhất nhận thức, tăng cường chỉ đạo phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, tạo sức mạnh tổng hợp, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các tổ chức, đường dây mua bán người xuyên quốc gia.

Trưởng ban Tuyên giáo của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho rằng các địa phương cần phối hợp với lực lượng chức năng phát động nhiều hơn các phong trào toàn dân đấu tranh, tham gia phòng, chống tội phạm mua bán người; đổi mới công tác tuyên truyền theo hướng các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường xây dựng mới chuyên trang, chuyên mục, tin bài bằng cả tiếng phổ thông và tiếng dân tộc ít người; truyền thông trực tiếp tại các phiên chợ vùng cao, trường học để truyền tải các thông điệp về phòng, chống mua bán người, nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, chủ động phòng ngừa tội phạm.

Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng cần phối hợp chặt chẽ với nhau, làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai các biện pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với tổ chức các hoạt động hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng, nhân rộng các mô hình hoạt động có hiệu quả, đặc biệt là mô hình Nhà Nhân ái, Ngôi nhà bình yên, Trung tâm hỗ trợ nạn nhân bị mua bán của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục