Chuyến bay đoàn viên và cảm xúc đặc biệt khi đón Tết trên… chín tầng mây

Với những phi công, tiếp viên hàng không, dịp Tết Nguyên đán đôi khi là niềm vui trọn vẹn với giấc mơ bay hay đơn giản chỉ là hành trình đưa nhiều “thượng đế” trở về bên người thân yêu sum họp.

Những phi công, tiếp viên Vietnam Airlines dù căng mình phục vụ khách đi lại dịp Tết nhưng cũng cảm thấy vui vẻ trên những chuyến bay đoàn viên. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Những phi công, tiếp viên Vietnam Airlines dù căng mình phục vụ khách đi lại dịp Tết nhưng cũng cảm thấy vui vẻ trên những chuyến bay đoàn viên. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Với các nhân viên hàng không, Tết là những ngày rất bận rộn và ít có quỹ thời gian dành cho gia đình do cao điểm phục vụ hành khách trở về nhà. Với họ, Tết là những chiếc ôm thật chặt, những giọt nước mắt và cả nụ cười rạng rỡ của sự sum họp của nhiều người trên mọi miền đất nước.

Góp công sức giúp nhiều gia đình sum vầy

Gắn bó với nghề được 20 năm, hiện đang là Tiếp viên trưởng trên các tuyến bay đường dài với máy bay cỡ lớn đồng thời là giáo viên huấn luyện các bạn tiếp viên mới vào nghề, giọng nói xen lẫn chút tự hào, chị Nguyễn Thị Hương Bình, sinh năm 1981, Đoàn Tiếp viên Vietnam Airlines kể về duyên cớ dấn thân theo nghiệp bay.

Thời còn học sinh ngồi trên ghế nhà trường, trông thấy những tiếp viên hàng không xinh đẹp, búi tóc gọn ghẽ, được đi khắp nơi trên thế giới trên phim ảnh, Bình rất ngưỡng mộ và thầm ước mơ được trở thành tiếp viên hàng không.

Với đặc thù công việc phải làm ca kíp, buổi sáng bắt đầu lúc 4 giờ sáng và ca đêm kết thúc tận 2-3 giờ sáng hôm sau, nhiều lúc khi về đến nhà đã thấy chồng con ôm nhau ngủ, nhón chân khẽ khàng, chị hôn nhẹ lên má từng thành viên và cảm thấy ấm áp khi được về tổ ấm.

“Tiếp viên hàng không là nghề đặc thù, phải hy sinh và giờ giấc đi sớm về đêm, không có ngày nghỉ lễ, Tết. May mắn là có gia đình đã chia sẻ rất nhiều trong công việc nhà và chăm sóc con cái. Ngày Tết dù xa gia đình nhưng được phục vụ hành khách cũng là sứ mệnh, niềm tự hào, có trách nhiệm nghĩa vụ với cộng đồng,” chị Hương Bình chia sẻ.

Những ngày cao điểm Tết, chị bảo đó là thời gian hạnh phúc và cảm xúc nhất với nghề bởi được dõi theo hành khách với vẻ mặt hân hoan, những cái ôm thật chặt người thân sau bao ngày xa cách. Những nụ cười và giọt nước mắt lăn trên má là hình ảnh hằn sâu lại trong tâm trí của những nhân viên phục vụ hàng không về sự đoàn tụ.

“Chúng tôi thấy vui vì đã góp phần sức nhỏ bé mang đến cho hành khách những chuyến bay đoàn viên, trở về với gia đình sau một năm làm việc xa hương,” tiếp viên này nói.

Vốn có đến 18 năm ăn Tết xa nhà, chị Hương Bình bảo phải thu xếp công việc để sắm sửa trang hoàng cho gia đình. Những cây quất, cành đào, bánh chưng đều được chuẩn bị trước để tranh thủ ăn Tết sớm cùng người thân. Phi hành đoàn không ai phàn nàn hay kêu ca bởi thường trực suy nghĩ “nghề chọn mình nên phải dấn thân, tận tâm cống hiến.”

vnp_tiep vien VNA.jpg
Tiếp viên Nguyễn Thị Hương Bình, Đoàn Tiếp viên Vietnam Airlines cảm thấy thấy vui vì đã góp phần sức nhỏ bé mang đến cho hành khách những chuyến bay đoàn viên, trở về với gia đình dịp Tết. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Làm việc trong ngày nghỉ lễ Tết đôi lúc cũng thấy chạnh lòng do mọi người quây quần bên gia đình hoặc đi chơi nhưng lại thầm nghĩ rằng, được phục vụ những khách hàng vui vẻ, có những chuyến bay an toàn, đúng giờ thì niềm vui, hạnh phúc được nhân lên,” chị Hương Bình vừa cười nói.

Mùa cao điểm Tết năm nay các chuyến bay cũng được tăng cường nhiều hơn. Hương Bình cho biết đã trải qua 2 chuyến bay vào thời khắc Giao thừa nên cô và tổ tiếp viên sẵn sàng nhận nhiệm vụ.

“Một khi cánh cửa máy bay đóng lại, tất cả phi hành đoàn đều sẽ trở thành người một nhà. Các chuyến bay lúc Giao thừa, tổ bay tổ chức đọc loa phát thanh trên khoang máy bay với lời chúc mừng năm mới. Khách là người thân của mình trên chuyến bay, đón Giao thừa trên không là một trải nghiệm đặc biệt mà không phải ai cũng có,” nữ tiếp viên hàng không này nói.

Điều mang đến hạnh phúc cho Hương Bình chính là sự ghi nhận của hành khách, từ hành động nhỏ nhất như một cái gật đầu hay mỉm cười. Những khoảnh khắc hạnh phúc nhất là khi máy bay hạ cánh, hành khách ra cửa cười và nói: “Hẹn gặp lại, bạn đã vất vả rồi.” Cái chào tạm biệt đó khiến chị hiểu rằng mình đã hoàn thành tốt công việc và rất vui khi được khách công nhận giá trị lao động phục vụ.

Đưa những người con xa xứ về đón Tết cổ truyền

Là phi công trẻ của đội bay đường dài Airbus A350, Cơ phó Nguyễn Thanh Tùng (sinh năm 1993) có bố là phi công lái máy bay quân sự nên niềm đam mê bầu trời đã nhen nhóm trong cậu ngay từ nhỏ khi thích thú được nghe kể nhiều câu chuyện về việc điều khiển chú “chim sắt” chao lượn trên bầu trời.

Tốt nghiệp Đại học, Tùng đã đăng ký quyết định chọn việc “chinh phục bầu trời” làm đích đến cho tương lai. Trải qua 5 năm trong nghề phi công, anh không đếm xuể số chuyến bay đường dài của mình.

“Hầu như năm nào mình cũng bay Tết, đó là điều khó quên đối với mỗi phi công khi mình mang lại niềm vui cho mọi người về đoàn tụ với gia đình. Có bố trong nghề, mẹ lại thấu hiểu sự vất vả nghề bay nên thường xuyên động viên yên tâm công tác, tập trung bay với tinh thần thoải mái nhất, không để mối bận tâm gia đình lên buồng lái để hoàn thành chuyến bay với nhiệm vụ tốt nhất,” Tùng tâm sự.

Nhớ lại năm ngoái chuyến bay cất cánh sau Giao thừa trên chặng bay Hà Nội-Busan (Hàn Quốc), Tùng thấy đó là một cảm giác thú vị, trải nghiệm khó quên khi ngồi trong khoang buồng lái vẫn có thể được ngắm pháo hoa một chút ở sân bay. Khi máy bay cất cánh và ổn định độ cao, tổ bay gửi lời chúc mừng năm mới và những phong bao lì xì may mắn đón năm mới đến hành khách.

vnp_phi cong VNA.jpg
Cơ phó Nguyễn Thanh Tùng hiện đang cầm lái máy bay đường dài Airbus A350 của Hãng hàng không Vietnam Airlines. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Kỷ niệm nhớ nhất trong quãng thời gian làm phi công, Tùng nhớ như in hai chuyến bay Thanh Niên vào dịp Tết Nguyên đán các năm 2022-2023, đây là chuyến bay đặc biệt miễn phí đưa người lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê ăn Tết gồm Thành phố Hồ Chí Minh-Hà Nội và Haneda (Nhật Bản)-Hà Nội.

“Chuyến bay này chở những người lao động nghèo, thậm chí chưa được đi máy bay bao giờ. Họ không có khả năng mua vé về quê ăn Tết. Mình rất xúc động xen lẫn tự hào khi được cầm lái chở người lao động hay đồng bào xa xứ vì nhiều hoàn cảnh khó khăn nay có dịp được về cố hương. Trên chuyến bay, có người xúc động và òa khóc,” chàng Cơ phó trẻ bồi hồi.

Những tiếp viên và phi công Vietnam Airlines đều chia sẻ mong ước năm mới 2024, cùng với đường bay nội địa và quốc tế đang dần tăng tần suất trở lại, lượng hành khách đông lên sẽ giúp Vietnam Airlines phục hồi và phát triển.

Dõi đôi mắt ngóng qua ô cửa kính máy bay, tiếng động cơ vang rền báo hiệu cất cánh trên đường băng, vài phút sau thoắt ẩn, thoắt hiện trên bầu trời xanh, với những phi công, tiếp viên hàng không, dịp Tết này đôi khi là niềm vui trọn vẹn với giấc mơ bay hay đơn giản chỉ là hành trình đưa nhiều “thượng đế” trở về bên người thân yêu sum họp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục