Chuyện của những cảnh sát giao thông điều hành trên… trời

Những kiểm soát viên không lưu được ví von như “cảnh sát giao thông trên trời” bởi công việc phân luồng đường bay, sắp xếp máy bay một cách trật tự, giữ khoảng cách an toàn giữa các chuyến bay.
Chuyện của những cảnh sát giao thông điều hành trên… trời ảnh 1Kiểm soát viên không lưu đang làm việc tại Trung tâm kiểm soát bay đường dài Hà Nội. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Những chỉ lệnh vang lên trên bộ đàm, trên màn hình rađa hiện lên chi chít những chấm xanh đậm của hình ảnh máy bay lần lượt về Nội Bài. Thứ ánh sáng mờ mờ ấy rất dễ gây buồn ngủ, nhưng ở đây không cho phép điều đó, chỉ một khoảnh khắc mất tập trung cũng đủ đưa những chiếc máy bay mất phương hướng và gặp nguy hiểm.

Đó là công việc thường ngày của những kiểm soát viên không lưu tại Trung tâm kiểm soát bay đường dài Hà Nội (ACC Hà Nội) một ngày cuối năm Tết Bính Thân 2016. Những người làm công việc phân luồng đường bay, sắp xếp máy bay một cách trật tự, giữ khoảng cách an toàn giữa các chuyến bay.

Dẫn phi công không… lạc đường

Trong căn phòng rộng rãi, ánh sáng có phần hơi tối nhạt, hàng loạt máy móc hiện đại cùng những tiếng bộ đàm vang lên chậm rãi nhưng liên tục kết nối với các phi công đang điều khiển máy bay. Ông Nguyễn Bá Tuấn, Trưởng ACC đường dài Hà Nội cho biết, việc đảm bảo điều hành an toàn bay là nghề không được phép sai sót khâu nào, từ những huấn lệnh nhỏ nhất.

Chỉ tay vào màn hình chiếc radar, ông Tuấn bảo, các kiểm soát viên phải luôn tập trung quan sát, phân tích tình huống, huấn lệnh dứt khoát bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Tổng cộng, có 2 giờ mỗi ca, 8 giờ một ngày và chỉ được nghỉ giữa ca đúng 1 tiếng. Trong suốt ca trực không được rời khỏi vị trí nửa bước.

Để trở thành một kiểm soát viên không lưu, họ đều trải qua quá trình học tập rèn luyện bài bản, ít nhất 3 năm thử thách vị trí…. Sau khi vào làm việc, họ chịu trách nhiệm chỉ huy máy bay từ khi nổ máy cất cánh cho đến khi hạ cánh, lăn vào vị trí đỗ, đảm bảo an toàn khi lưu thông, ngăn ngừa va chạm giữa các máy bay, giữa các máy bay với chướng ngại vật.

“Người trực tiếp điều khiển máy bay, đảm bảo an toàn cho chuyến bay là phi công. Người hướng dẫn, phục vụ hành khách trên chuyến bay là tiếp viên hàng không, còn kiểm soát viên không lưu là người chỉ huy, điều hành, đảm bảo an toàn bay cho tất cả các chuyến bay đi đến, cất hạ cánh.

Nói đơn giản, công việc của họ cũng gần giống như công việc của các cảnh sát giao thông, chỉ khác phương tiện mà họ điều hành lưu thông ở trên trời. Ngoài ra, cảnh sát giao thông có thể dừng phương tiện tại chỗ để kiểm tra nhưng kiểm soát viên không lưu không chặn hoặc dừng mà phải lái hàng chục tàu bay khác nhau cùng lúc đưa vào vùng hoạt động an toàn khi có sự cố,” ông Tuấn ví von.

Bên cạnh đó, kiểm soát viên không lưu là người luôn nhắc nhở phi công và điều đặc biệt, người cầm lái máy bay không dám trái lời.

Giải thích rõ hơn, ông Tuấn đưa ra ví dụ, tên tàu bay nhiều khi giống nhau, mỗi phi công còn lái tàu bay hay chặng bay khác nhau nên khi thông báo về áp lực công việc có khi khiến họ thông báo sai. Khi đó, kiểm soát viên không lưu phải phát hiện được và yêu cầu phi công nhắc lại. Thời tiết bay xấu cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động bay thì kiểm soát không lưu phải chỉ dẫn phi công bay lệch hướng và cùng lúc đó phải hiệp đồng về đường bay với các đơn vị liên quan khác…

Theo ông Tuấn, ACC Hà Nội một ngày có 4 kíp trực, mỗi kíp có từ 15-16 người. Ngoài ra, mỗi kíp luôn có 2 người trực dự bị khi cần để đề phòng một trong số những thành viên của kíp trực chính nhỡ may gặp sự cố như ốm đau, xin nghỉ đột xuất. Tuy nhiên, rất ít anh em bỏ vị trí bởi trách nhiệm công việc và nghề này cũng rất vinh quang.

Giao thừa chỉ là đốm sáng nhỏ…

Khi không khí Tết đã cận kề với mỗi gia đình, nhà nhà đang sắm sửa cành đào, cây quất hay chuẩn bị quây quần bên bữa cơm tất niên thì ngay tại căn phòng này, những kiểm soát viên không lưu vẫn cần mẫn, bám trụ và phó mặc mọi việc nhà lại cho người thân để hoàn thành nhiệm vụ làm cầu nối đưa những chuyến bay đi/đến đích an toàn, giúp mọi người sum họp, đoàn viên.

Là người có thâm niên trực tiếp ăn Tết lâu năm nhất tại ACC Hà Nội với hơn 20 năm, ông Tuấn bình thản chia sẻ, Tết đến mọi người được nghỉ nhưng ngược lại thì kiểm soát viên không lưu có cường độ công việc tăng nặng gấp 2 lần so với trước đó do hoạt động bay nhiều, chưa tính đến các yếu tố khác như điều kiện thời tiết phức tạp.

Chuyện của những cảnh sát giao thông điều hành trên… trời ảnh 2Ông Nguyễn Bá Tuấn là người có thâm niên trực tiếp ăn Tết lâu năm nhất tại ACC Hà Nội với hơn 20 năm. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Nhớ về những thời khắc giao thừa, người đàn ông trạc ngoái tứ tuần cảm thấy chạnh lòng và tủi thân bởi khi những chiếc kim đồng tích tắc chuyển sang năm mới thì cũng là lúc tay điều khiến, mắt nhìn, miệng trao đổi, đầu phán đoán. Suốt hành trình bay, họ lúc nào cũng trong tình trạng vừa nói, vừa làm, vừa suy nghĩ một cách nhịp nhàng, chuẩn xác. Chỉ cần một phút lơ là, kiểm soát viên không lưu và người cầm lái máy bay sẽ phải trả giá bằng tính mạng của hàng trăm người trên mỗi chuyến bay.

“Tết đến, cánh chúng tôi không được bên cạnh người thân, hay đơn giản là đứng dậy cùng người đồng nghiệp nâng ly rượu chúc mừng năm mới. Đêm chuyển giao năm mới, người người tụ họp hàn huyên chuyện cũ thì với kiểm soát viên không lưu, giao thừa có khi chỉ là những đốm sáng nhỏ, tiếng máy fax loẹt xoẹt hoặc giữa lúc đó, chỉ là một lời chúc Tết qua bộ đàm với phi công nhưng từng đó cũng đủ để anh em làm việc thấy ấm lòng vì niềm vui của kiểm soát viên không lưu là chuyến bay an toàn, giúp hành khách đoàn tụ cùng gia đình,” ông Tuấn nói.

Theo ông Đinh Việt Thắng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM), hiện nay, VATM có khoảng 500 kiểm soát viên không lưu làm việc tại các cơ sở điều hành bay trên toàn quốc. Do tính chất quan trọng của nghề kiểm soát không lưu nên đòi hỏi người làm nghề này phải có am hiểu sâu sắc về nghề nghiệp, có phản ứng nhanh nhạy, có trình độ tiếng Anh đáp ứng yêu cầu theo quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) để giao tiếp với phi công và đặc biệt người kiểm soát viên không lưu cần phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình làm việc.

“Năm 2015 vừa qua, sản lượng của VATM đạt 640.000 lần chuyến (tăng 77,4%) so với năm 2014. Dự kiến, năm nay đạt 700.000 lần chuyến. Tuy nhiên, đây cũng là áp lực và thách thức rất lớn đến công tác điều hành bay. Thế nhưng, 18 năm qua, ngành hàng không Việt Nam chưa để xảy ra tai nạn chết người, ngay cả các nước tiên tiến trên thế giới cũng không duy trì được con số ấn tượng này. Hàng không Việt không thua kém bất cứ nước nào về trình độ. Việt Nam luôn duy trì top đầu trong khu vực Đông Nam Á,” ông Thắng quả quyết.

Nhấn mạnh đến công tác chuẩn bị kỹ càng về điều hành bay, vị Chủ tịch VATM cho rằng, quản lý bay đã được nâng cao năng lực an toàn như áp dụng phương thức theo hướng ngăn chặn, chủ động xây dựng các đầu mối danh mục nguy hiểm nhận diện để có quy trình giám sát, xử lý và đối phó khi có sự cố xảy ra đồng thời tổ chức lại vùng trời, thiết kế lại vùng bay như áp dụng đường bay một chiều, ứng dụng công nghệ dẫn đường vệ tinh nâng cao năng lực bay.

“Trong giai đoạn cao điểm Tết này, VATM đã hoàn thiện, trình Cục Hàng không Việt Nam phương thức 2 đường cất hạ cánh song song mới (máy bay vừa hạ cánh xuống đường băng và rẽ vào chuồng thì sẽ có máy bay khác chờ cất cánh) để tận dụng từng giây nhằm đưa năng lực khai thác, giảm thời gian phân cách giữa các chuyến bay,” ông Thắng khẳng định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục