“Máy bay Vietnam Airlines hỏng lốp có thể là do vật ngoại lai”

Cục Hàng không Việt Nam đã triển khai thành lập tổ điều tra nguyên nhân cụ thể dẫn đến sự cố máy bay của Vietnam Airlines bị hỏng lốp.
“Máy bay Vietnam Airlines hỏng lốp có thể là do vật ngoại lai” ảnh 1Máy bay Vietnam Airlines đang trên đường tự lăn vào sân đỗ. (Ảnh: Huy Hùng/Vietnam+)

Liên quan đến việc máy bay của Vietnam Airlines bị mất chỉ thị áp suất có hiện tượng xì lốp vào sáng nay (8/1), ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, máy bay chỉ có hiện tượng xì lốp, không vỡ nổ lốp, bên trái bụng vẫn còn một đôi lốp tốt nên đã quyết định hạ cánh thông thường.

“Cục Hàng không đã triển khai thành lập tổ điều tra nguyên nhân cụ thể dẫn đến sự cố nói trên,” ông Thanh khẳng định.

Nguyên nhân nào làm lốp bị hỏng?

Trao đổi với báo chí vào trưa ngày 8/1, theo ông Thanh, chuyến bay VN162 với 162 hành khách đã khởi hành từ Đà Nẵng-Hà Nội cất cánh 8 giờ 59 phút nhưng đến 9 giờ 29 phút tổ bay thông báo bị mất áp suất lốp bên trái thuộc cụm càng bên trái tàu bay và đã yêu cầu phương án khẩn nguy của Nội Bài.

Sau khi có kết quả, chỉ có hiện tường xì lốp, không có hiện tượng vỡ nổ lốp, bên trái bụng vẫn còn một lốp tốt nên đã quyết định hạ cánh thông thường. Vào lúc 10 giờ 24 phút tàu bay đã hạ cánh an toàn tại sân bay Nội Bài.

Ngay sau khi nhận được thông tin, cơ quan không lưu điều hành chuyến bay (Trung tâm kiểm soát đường dài Hà Nội-ATCC Hà Nội) thực hiện các yêu cầu của tổ lái, thông báo các cơ quan không lưu liên quan, Sở chỉ huy khẩn nguy tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài kích hoạt hệ thống khẩn nguy theo quy định.

“Cục trưởng Cục Hàng không và Tổng giám đốc Tổng công ty Quảng lý bay (VATM), lãnh đạo Vietnam Airlines... đã chỉ đạo trực tiếp tại ATCC Hà Nội triển khai phương án khẩn nguy đồng thời tại Nội Bài, đài chỉ huy cũng triển khai ngay hệ thống khẩn nguy của sân bay, ngoài lực lượng hàng không đã huy động lực lượng của Hà Nội và quân đội như Sư đoàn 371, Trung đoàn 921, ​lực lượng cứu hỏa và cứu thương tại Đông Anh và Sóc Sơn,” ông Thanh cho hay.

Theo đánh giá, lúc đầu có khả năng khẩn nguy cao, sau đó tổ lái báo xuống chỉ có hiện tượng bị xì lốp, nên không xin khẩn nguy cao (trải bọt trên đường cất hạ cánh để tránh cháy nổ, không phun bọt vì sẽ trơn trượt).

“Cuối cùng, VATM chỉ đạo, tổ bay xin bay thông trường (bay thấp, cắt dọc đường băng) và trực tiếp bằng mắt thường qua ống nhòm để kiểm tra tình trạng bánh của tàu bay,” vị Cục trưởng Cục Hàng không cho biết.

Đề cập đến nguyên nhân lốp bị hỏng, ông Thanh cho rằng, có 2 khả năng trong đó có thể là vật ngoại lai (vết rách khoảng 10cm, lốp bị xẹp) tác động vào gây rách, làm lốp xì hơi hoặc có thể vật ngoại lai va vào trên đường cất hạ cánh, khi máy bay đang trên đường băng chạy đà. Nguyên nhân thứ hai có thể là do lốp. Tuy nhiên, kết luận cuối cùng phải qua điều tra kỹ càng.

“Máy móc của tàu bay không bị hỏng hóc gì, hoạt động bình thường. Trước khi cất cánh, máy bay hoàn toàn tốt. Trong trường hợp này hạ cánh an toàn nên mới quyết định cho phép hạ cánh bình thường,” ông Thanh cho biết.

Ngay sau sự cố xảy ra, Cục Hàng không đã chỉ đạo Cảng hàng không Đà Nẵng kiểm tra đường cất hạ cánh. Trước đó, lúc 5 giờ sáng nay, phía Đà Nẵng đã kiểm tra đường cất hạ cánh, sau khi có sự việc đã chỉ đạo kiểm tra lại. Đến hiện tại, theo báo cáo thì không có hiện tượng bất thường trên đường cất hạ cánh.

Bổ sung thêm, ông Đinh Việt Thắng, Chủ tịch Hội đồng đồng thành viên VATM khẳng định, tình huống sự cố trên đã có trong phương án không lưu.

Theo ông Thắng, sau khi nghe tổ lái báo cáo về sự cố, kiểm soát viên không lưu đã xác định lại thông tin, nhận định của tổ lái về tình huống đồng thời đã triển khai phương án khẩn nguy theo yêu cầu của tổ lái (có sẵn), xác nhận đã triển khai các phương án, báo cáo với lãnh đạo VATM, đã trực tiếp xuống trung tâm điều hành bay, yêu cầu kích hoạt ngay hệ thống khẩn nguy, thực hiện báo cáo lên các cấp theo quy định để xin ý kiến chỉ đạo.

“VATM cũng đã trao đổi với Vietnam Airlines, sau đó tổ lái không yêu cầu trải bọt và không lưu đồng ý với phương án này. Máy bay được đưa vào xả dầu tại khu vùng bay chờ ở Hà Nam theo quy định (mất 24 phút bay chờ) và bay thông trường để kiểm tra các bộ phận của máy bay. Từ độ cao bay, phương thức bay thông trường, đã quan sát trao đổi và quyết định máy bay hạ cánh bình thường. Trong trường hợp, máy bay nổ lốp còn một lốp thì vẫn có thể hạ cánh bình thường,” ông Thắng quả quyết.

Đã thành lập tổ điều tra sự cố

Đặt câu hỏi đến việc sự cố này xảy ra có ảnh hưởng đến hoạt động của các chuyến bay, ông Lại Xuân Thanh cho biết, chuyến bay dự kiến hạ cánh 9 giờ 57 phút nhưng thực thế là 10 giờ 24 phút mới đáp xuống sân bay Nội Bài. Trong thời gian này, có khoảng 10 chiếc ở trên trời trong lúc máy bay này gặp sự cố, đã đưa vào khu chờ để ưu tiên tuyệt đối cho máy bay hạ cánh.

“Theo đánh giá ban đầu, tình huống sự cố là mức độ C vì có triển khai khẩn nguy. Cục Hàng không đã thành lập tổ điều tra về sự cố này, khi có kết quả sẽ thông báo sau,” ông Thanh cho hay.

“Máy bay Vietnam Airlines hỏng lốp có thể là do vật ngoại lai” ảnh 2Máy bay của Vietnam Airlines. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Là cơ quan khai thác chuyến bay này, ông Phan Xuân Đức, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, cơ trưởng chuyến bay là người nước ngoài và cơ phó người Việt Nam. Hiện tại, tổ lái đang tiếp tục thực hiện chuyến bay vào Đà Nẵng.

Liên quan đến sự cố máy bay này thì trách nhiệm của hãng hàng không có phải thông báo để hành khách trên chuyến bay được biết hay không, ông Đức bày tỏ quan điểm, có những thông tin cần tham khảo hành khách nhưng cũng có những thông tin không nên cho hành khách biết.

“Trong trường hợp này, thiết bị báo lốp có thể bị xì hoặc có thể không vì máy móc báo, con người không kiểm tra được trong quá trình máy bay đang bay nên đã không thông báo cho hành khách. Sau khi hạ cánh, Vietnam Airlines đã thông báo cho hành khách rằng, chuyến bay gặp sự cố nên đã hạ cánh muộn so với lộ trình. Lúc bay trên không, tổ bay thông báo lý do về chậm là do không lưu,” ông Đức tiết lộ.

Đánh giá chung về công tác ứng phó tình huống khẩn nguy, ông Đinh Việt Thắng nhìn nhận, kiểm soát viên không lưu và tổ lái đã nhận định tình huống đúng và đưa ra giải pháp phù hợp; xử lý thông tin và thông báo thông tin kịp thời, các lực lượng, các phương án đều kích hoạt theo phương án đã được duyệt; ứng xử kỹ năng của kiêm soát không lưu và tổ lái rất bình tĩnh và chính xác, mọi thao tác đều rất chuẩn, chứng tỏ tổ lái tâm lý rất vững...

Bên cạnh đó, ngay từ 6 giờ sáng 8/1, VATM đã chuyển đổi thành công giai đoạn 3 dự án Trung tâm kiểm soát không lưu Hà Nội, rất may là được kích hoạt luôn cho chuyến bay vừa gặp sự cố. Hiện tại, ATCC Hà Nội và Hồ Chí Minh có thể dự bị khẩn cấp được cho nhau./.

Ngay sau khi sự cố xảy ra, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã có mặt tại sân bay Nội Bài để trực tiếp chỉ đạo, phối hợp xử lý tình huống. Bộ trưởng cũng biểu dương tại chỗ công tác phối hợp của các cán bộ công nhân viên ngành hàng không đã thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho các chuyến bay.

Được biết, máy bay gặp sự cố đã được thay lốp và có thể hoạt động bình thường. Tuy nhiên, theo quy định máy bay vẫn phải kiểm tra, sau đó đưa vào khai thác trở lại.

Máy bay bị xì lốp là dòng Airbus A321, được Vietnam Airlines đưa vào khai thác từ năm 2013, lần bảo dưỡng gần nhất là ngày 19/10/2015.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục