Đánh giá cao những thành tích đạt được trong 60 năm lịch sử phát triển ngành Hàng không dân dụng Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải khẳng định, an toàn, an ninh hàng không không được để xảy ra các tai nạn, sự cố đặc biệt nghiêm trọng bởi đây là lương tâm, trách nghiệm, nghĩa vụ của toàn bộ hệ thống chính trị mà trước hết là của ngành Hàng không dân dụng, Bộ Giao thông Vận tải,
“Các đơn vị trong ngành phải quán triệt sâu sắc rằng an toàn, an ninh hàng không là vấn đề sống còn của ngành, là bộ mặt quốc gia, không có cơ hội để rút kinh nghiệm nếu xảy ra tai nạn,” Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.
An toàn, an ninh hàng không là bộ mặt quốc gia
Phát biểu tại tại Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành Hàng không dân dụng Việt Nam vào sáng nay (10/1), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, trải qua 60 năm xây dựng chiến đấu, trưởng thành của cán bộ chiến sỹ, công nhân viên lao động Hàng không dân dụng Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng đất nước được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập Hạng nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Thay mặt Chính phủ đánh giá cao sự trưởng thành vượt bậc, những đóng góp to lớn của Hàng không dân dụng trong 60 năm qua, Phó Thủ tướng cho rằng, ngành Hàng không cần có sự đổi mới, đột phá cả trong tư duy và hành động vì nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới rất nặng nề.
“Ngành Hàng không vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như quá tải về hạ tầng cảng hàng không, sân bay; thị trường hàng không Việt Nam mặc dù có tốc độ phát triển thuộc các nước đứng đầu của thế giới nhưng vẫn đang đứng ở vị trí số 6 của ASEAN; chất lượng dịch vụ còn nhiều bất cập; mặc dù chúng ta đã giữ vững 18 năm liên tục không để xảy ra tai nạn hàng không nhưng trong thời gian qua còn để xảy ra một số sự cố nghiêm trọng,” Phó Thủ tướng nhìn nhận.
Khẳng định ngành Hàng không dân dụng không tự mãn, chủ quan, ra sức khắc phục những tồn tại, hạn chế, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu tập trung rà soát, điều chỉnh hệ thống quy hoạch, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về giao thông hàng không; tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành, huy động mạnh mẽ các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển theo định hướng hiện đại, hội nhập, bền vững.
Phó Thủ tướng đề nghị các đơn vị trong ngành bám sát 5 mục tiêu bao gồm đột phá về xây dựng, nâng cấp hệ thống cảng hàng không, sân bay hiện đại, đặc biệt là dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, góp phần phát triển thị trường hàng không Việt Nam đứng trong top 4 ASEAN; đột phá về vận tải hàng không với đội tàu bay trẻ, hiện đại, hạ giá thành sản phẩm, cải tiến chất lượng dịch vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, mở rộng và phát triển mạng đường bay nội địa, đường bay quốc tế, đóng góp nhiều hơn nữa vào nguồn thu của Nhà nước; bảo đảm song hành cùng cộng đồng hàng không quốc tế, không được để tụt hậu về công nghệ năng lực điều hành bay; tìm mọi nguồn lực nhằm phát triển công nghiệp hàng không; chú trọng nâng cao các cơ sở chuyên ngành, nhân viên hàng không như phi công, kiểm soát viên không lưu có cơ chế hỗ trợ phù hợp để thu hút đội ngũ lao động đáp ứng nhiệm vụ của ngành.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo ngành Hàng không dân dung cần hoàn thiện hệ thống bảo đảm an ninh an toàn hàng không theo tiêu chuẩn, không được để xảy ra các tai nạn, sự cố đặc biệt nghiêm trọng bởi đây là lương tâm, trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn bộ hệ thống chính trị mà trước hết là của ngành hàng không dân dụng, Bộ Giao thông Vận tải.
“Các đơn vị trong ngành phải quán triệt sâu sắc rằng an toàn, an ninh hàng không là vấn đề sống còn của ngành, là bộ mặt quốc gia, không có cơ hội để rút kinh nghiệm nếu xảy ra tai nạn,” Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cũng tin tưởng, ngành hàng không sẽ phát huy mạnh mẽ, ngày càng trưởng thành tiếp tục đổi mới, hội nhập toàn diện có những đóng góp cho sự nghiệp xây dựng đất nước, mãi mãi với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Thị phần hàng không phát triển nhanh
Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, tổng thị trường vận chuyển hành khách năm 2015 đạt 40,1 triệu, tăng bình quân giai đoạn 2010-2015 là 13,7%/năm; hàng hóa đạt 741.000 tấn, tăng bình quân 10%/năm.
Hiện nay, cả 4 hãng hàng không của Việt Nam (Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines, VASCO, Vietjet Air) đều là hãng hàng không cổ phần, tư nhân hoặc liên doanh với nước ngoài; đang khai thác 70 đường bay quốc tế, 48 đường bay nội địa.
Đánh giá của Cục Hàng không cũng cho thấy, thị trường vận tải nội địa đã có sự cạnh tranh quyết liệt, có lợi cho người tiêu dùng. Đến hết năm 2015, về vận chuyển hành khách, Vietnam Airlines chiếm 47,1%, Vietjet Air chiếm 36,3%, Jetstar Pacific chiếm 14,9%, VASCO chiếm 1,7% thị phần nội địa.
Tính đến tháng 12/2015, có 52 hãng hàng không nước ngoài khai thác và 3 hãng hãng hàng không Việt Nam khai thác 95 đường bay quốc tế đến Việt Nam. Các hãng hàng không Việt Nam chiếm 47,9% thị phần vận chuyển hành khách quốc tế và 11,6% thị phần vận chuyển hàng hóa quốc tế.
Đến tháng 12/2015 đội tàu bay của các hãng hàng không Việt có 161 chiếc, độ tuổi trung bình của các tàu bay là 5,6 tuổi. Đặc biệt, trong năm 2015, hàng không Việt Nam đã tiếp nhận máy bay thân rộng thế hệ mới A350-900 và Boeing 787-9 Dreamliner.
Về đầu tư kết cấu hạ tầng, trong giai đoạn 2001-2015, tổng vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay là 55.016 tỷ đồng, chiếm 38,5% trong tổng vốn đầu tư toàn ngành hàng không.
“Việc đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng hàng không đã tăng cường cơ bản năng lực phục vụ của các Cảng hàng không và điều hành bay, đáp ứng phần lớn nhu cầu phát triển của thị trường vận tải hàng không trong nước cũng như thế giới, đóng góp quan trọng vào nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế đất nước, tạo dựng hình ảnh tốt đẹp và vị thế của hàng không Việt Nam trên trường quốc tế,” Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh cho biết./.