CNN đưa ra 5 lý do có thể lạc quan hơn về tương lai khí hậu toàn cầu

5 lý do gồm xu hướng năng lượng tái tạo tăng vọt; điểm sáng trong mục tiêu loại bỏ nhiên liệu hóa thạch; nạn phá rừng Amazon giảm mạnh; tầng ozone phục hồi và doanh số bán xe điện tăng vọt.

Các tuabin sản sinh điện gió hoạt động tại California, Mỹ. (Ảnh: Reuters/TTXVN)
Các tuabin sản sinh điện gió hoạt động tại California, Mỹ. (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Trong năm nay, những thông tin tiêu cực về khí hậu xuất hiện khắp các trang báo lớn nhỏ trên toàn cầu, từ nắng nóng chưa từng có gây hàng loạt hiện tượng thời tiết cực đoan chết người, hạn hán, bão tuyết, cho đến việc các nhà khoa học cảnh báo tình hình trong năm tới còn trầm trọng hơn do lượng khí thải carbon trên thế giới vẫn tiếp tục tăng.

Mặc dù vậy, trang tin CNN tuần qua đã đăng tải bài viết chỉ ra 5 lý do có thể lạc quan hơn về tương lai khí hậu toàn cầu.

Thứ nhất, năm 2023 đánh dấu xu hướng năng lượng tái tạo tăng vọt. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), công suất năng lượng tái tạo đang trên đà tăng lên mức lớn nhất từ trước đến nay.

Khi nhu cầu nhanh chóng loại bỏ nhiên liệu hóa thạch ngày càng trở nên cấp thiết, đã có một số điểm sáng về năng lượng sạch trên khắp thế giới.

Tại Bồ Đào Nha, trong hơn 6 ngày liên tiếp vào dịp Halloween, từ 31/10-6/11, quốc gia trên 10 triệu dân này chỉ sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo.

Trong khi đó, Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ than đá và phát thải CO2 lớn nhất thế giới, đã đạt được những tiến bộ nhanh chóng khi đề ra lộ trình đạt được mục tiêu sử dụng năng lượng gió và Mặt Trời sớm hơn 5 năm.

Vào tháng Sáu năm nay, tổ chức Giám sát Năng lượng Toàn cầu công bố báo cáo cho thấy công suất năng lượng Mặt Trời của Trung Quốc hiện lớn hơn so với các quốc gia còn lại trên thế giới cộng lại.

Lý do thứ hai đó là thỏa thuận nhắm mục tiêu dần loại bỏ nhiên liệu hóa thạch.

Sau hơn 2 tuần đàm phán căng thẳng, trong tháng 12 này, tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), gần 200 quốc gia đã thông qua thỏa thuận về khí hậu lần đầu tiên kêu gọi thế giới tiến tới từ bỏ nhiên liệu hóa thạch.

hoi-nghi-cop28-9483.jpg
Toàn cảnh lễ khai mạc Hội nghị COP28 tại Dubai, UAE, ngày 30/11/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Dù nhiều ý kiến cho rằng thành công thực sự nằm ở việc thực thi thỏa thuận nhưng động thái này vẫn được xem là bước ngoặt đối với thế giới trong công cuộc cắt giảm khí nhà kính gây biến đổi khí hậu.

Lý do thứ ba đó là nạn phá rừng Amazon tại Brazil giảm mạnh sau nhiều năm tăng đáng báo động. Amazon là rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới và việc bảo vệ "lá phổi xanh" của Trái Đất này có ý nghĩa quan trọng để hạn chế biến đổi khí hậu.

Theo dữ liệu từ chính phủ Brazil, nạn phá rừng ở nước này đã giảm 22,3% trong 12 tháng tính đến tháng Bảy năm nay khi Tổng thống Luiz Ignácio Lula da Silva bắt đầu đạt được tiến bộ trong việc ngăn chặn vấn nạn này.

Ông Marcio Astrini, người đứng đầu nhóm vận động Đài quan sát khí hậu, mô tả đây là “kết quả ấn tượng” “đánh dấu sự quay trở lại của Brazil với chương trình nghị sự về khí hậu.”

Lý do thứ tư đó là tầng ozone đang trên đà phục hồi hoàn toàn trong nhiều thập kỷ khi các hóa chất gây hại cho "tấm khiên" của Trái Đất được loại bỏ dần trên toàn thế giới.

Kết quả này được một nhóm chuyên gia do Liên hợp quốc hỗ trợ công bố vào tháng 1 năm nay.

Đánh giá cho thấy nếu các chính sách toàn cầu được giữ nguyên, tầng ozone dự kiến sẽ phục hồi về mức năm 1980 vào năm 2040 ở hầu hết các nơi trên thế giới.

Đối với các vùng cực, cần thời gian lâu hơn để phục hồi: dự kiến vào năm 2045 ở Bắc Cực và năm 2066 ở Nam Cực.

Tầng ozone bảo vệ hành tinh khỏi các tia cực tím có hại. Kể từ những năm 1980, các nhà khoa học đã cảnh báo về một lỗ thủng đối với tấm chắn này do các chất gây hại cho tầng ozone, trong đó có chlorofluorocarbons (CFC), được sử dụng rộng rãi trong tủ lạnh, bình xịt và dung môi.

Một thỏa thuận mang tên Nghị định thư Montreal, có hiệu lực vào năm 1989, đã bắt đầu loại bỏ dần CFC. Sự phục hồi sau đó của tầng ozone được đánh giá là một trong những thành tựu môi trường "lớn nhất thế giới."

xe-dien-6265.jpg
Người dân nạp điện cho xe ôtô tại trạm sạc ở Vientiane, Lào. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Lý do thứ năm đó là doanh số bán xe điện tăng vọt trong năm nay. Doanh số xe điện tại Mỹ đạt mức cao nhất mọi thời đại, với 1 triệu xe, chiếm khoảng 8% tổng doanh số xe mới ở nước này trong nửa đầu năm 2023.

Tại Trung Quốc, xe điện chiếm 19% tổng doanh số bán xe trên cả nước và chiếm 15% doanh số xe chở khách mới trên toàn thế giới. Trong khi đó, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô châu Âu (EAMA) cho biết doanh số bán xe điện ở châu lục này đã tăng 47% trong 9 tháng đầu năm 2023./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục