Cơ hội hợp tác và kết nối cho các doanh nghiệp Canada và TP.HCM

Hai nước cần tận dụng tốt Hiệp định CPTPP, một văn kiện tạo thuận lợi cho thương mại song phương thông qua việc cắt giảm hàng rào thuế quan và tối ưu hóa việc tiếp cận thị trường của nhau.
Cơ hội hợp tác và kết nối cho các doanh nghiệp Canada và TP.HCM ảnh 1Dây chuyền hàng may mặc xuất khẩu. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Trong chuyến thăm và làm việc tại thành phố Toronto của Canada, Đoàn đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Canada tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Canada nhằm giới thiệu vị thế và tiềm năng của thành phố này cũng như mở ra các cơ hội hợp tác và kết nối giữa các doanh nghiệp của hai nước.

Hoạt động này nằm trong chuỗi kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước và cũng là để đánh dấu 5 năm Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình dương (CPTPP) được ký kết.

Trong phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan đã nhấn mạnh Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn nhất của Việt Nam, nơi có hơn 200.000 doanh nghiệp và có tốc độ tăng trưởng ổn định với thu nhập bình quân đầu người gần 7.000 USD năm 2022.

Thành phố vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thúc đẩy chuyển đổi số gắn liền với môi trường đầu tư kinh doanh và đảm bảo ổn định về chính trị xã hội để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Canada.

Cũng theo ông Võ Văn Hoan, quan hệ hợp tác giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Canada còn khiêm tốn và chưa tương xứng với tiềm năng của hai bên. Canada xếp thứ 22 trong số 117 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Thành phố Hồ Chí Minh, với tổng số vốn đầu tư đạt khoảng 130 triệu USD, mặc dù Việt Nam và Canada đều là thành viên của Hiệp định CPTPP và Việt Nam còn là đối tác lớn nhất của Canada trong ASEAN với kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 10 tỷ USD.

Thượng nghị sỹ Victor Oh, Chủ tịch Nhóm nghị sỹ hữu nghị Canada-Việt Nam, cũng cho rằng hai nước cần tận dụng tốt Hiệp định CPTPP, một văn kiện tạo thuận lợi cho thương mại song phương thông qua việc cắt giảm hàng rào thuế quan và tối ưu hóa việc tiếp cận thị trường của nhau.

Về quan hệ giữa hai nước, Thượng nghị sỹ Victor Oh cho rằng hai bên đã ghi nhận những hiệu quả nhất định, nhất là trong lĩnh vực thương mại. Việt Nam đang là điểm đến yêu thích của các doanh nghiệp Canada nhờ duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh chóng.

[Việt Nam-Canada phấn đấu kim ngạch thương mại sớm đạt 10 tỷ USD]

Phát biểu tại diễn dàn, Bộ trưởng Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn của tỉnh bang Ontario, bà Lisa Thompson, đã điểm lại chuyến công tác thành công tại Thành phố Hồ Chí Minh hồi tháng 2 vừa qua với hơn 125 kết nối kinh doanh được thiết lập và đã góp phần củng cố thêm quan hệ hợp tác giữa hai bên.

Bà Lisa khẳng định quan hệ thương mại, đặc biệt trong nông nghiệp thực phẩm, giữa hai địa phương đang được hình thành và sẽ được tạo mọi điều kiện để mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Tại diễn đàn, bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Canada, đã đề cập tới những cơ chế hỗ trợ của hai nước dành cho các doanh nghiệp hai bên, đồng thời dẫn chứng một số điển hình hợp tác thành công trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng quy mô và tiến ra thế giới.

Theo bà Quỳnh, hai nước có nhiều tiềm năng hợp tác và kết nối, không chỉ về chuỗi cung ứng mà còn cả chuỗi sản xuất. Các doanh nghiệp cần nắm bắt để khai thác tốt hơn nữa Hiệp định CPTPP.

Nhân dịp này, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Canada kêu gọi các doanh nghiệp Canada xúc tiến đầu tư vào ASEAN và khu vực châu Á-Thái Bình Dương thông qua thị trường Việt Nam, đồng thời cam kết Thương vụ Việt Nam tại Canada sẽ là địa chỉ hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp của hai bên.

Cơ hội hợp tác và kết nối cho các doanh nghiệp Canada và TP.HCM ảnh 2Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Các đại diện các doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh và Canada đã nêu và thảo luận nhiều chủ đề tại diễn đàn này như nhu cầu kết nối thị trường và các biện pháp cụ thể để tăng cường quan hệ kinh doanh giữa các địa phương.

Một trong những kế hoạch kết nối đáng chú ý là việc Cảng Montreal mong muốn được hơp tác với các cảng biển ở Thành phố Hồ Chí Minh để hình thành tuyến vận tải biển kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với toàn khu vực Bắc Mỹ. Năng lực vận tải của cảng này vào khoảng 2,1 triệu TEU và hiện đang khai thác 1,7 triệu TEU. Cảng Montreal dự kiến sẽ mở rộng thêm 50% khả năng vận tải kể từ năm 2027.

Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam có mặt tại Diễn đàn, Giám đốc Phát triển và Quan hệ Quốc tế Alain Berard cho biết Canada mong muốn được hợp tác với cộng đồng vận tải biển Việt Nam để phát triển thương mại giữa hai nước.

Dự kiến, Canada sẽ cử một đoàn tới Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 11 tới để chia sẻ kiến thức, trao đổi về việc mở rộng và tìm hiểu về các dự án cơ sở hạ tầng đang diễn ra tại Việt Nam.

Phía Canada mong muốn được giới thiệu về Cảng Montreal với các nhà sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam vì đây là cửa ngõ để vào Canada cũng như kết nối với vùng Trung Tây Hoa Kỳ.

Đánh giá về kế hoạch này, bà Trần Thu Quỳnh cho biết Việt Nam đã có nhiều cuộc làm việc để kết nối cảng Vancouver ở phía Tây Canada với Việt Nam và hiện nay là cảng Montreal với các cảng biển lớn của Việt Nam. Đây là hình thức rất hiệu quả để hỗ trợ thương mại song phương nhằm giảm chi phí cũng như thời gian vận tải. Các doanh nghiệp hai nước cần nắm bắt cơ hội này và tìm hiểu thêm các giải pháp hạ tầng giao thông cũng như cách thức để tiết kiệm chi phí logistic và vận tải./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục