Với khẩu hiệu “Thúc đẩy xây dựng hạ tầng và trao quyền cho thế hệ trẻ để phát triển bền vững”, Hội nghị thượng đỉnh thường niên Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi (SADC) lần thứ 38 diễn ra từ ngày 17-18/8 tại thủ đô Windhoek của Namimbia là nơi giới lãnh đạo khu vực thống nhất lộ trình hướng tới mục tiêu phát triển bền vững cho toàn bộ cộng đồng 16 nước thành viên trong thời gian tới.
Với dân số khoảng 270 triệu người, và GDP đạt gần 500 USD, chiếm khoảng 1/3 GDP của toàn châu Phi, cộng với quốc gia thành viên Nam Phi là đầu tàu kinh tế của toàn “lục địa Đen”, Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi đang được kỳ vọng sẽ đi đầu trong những nỗ lực để đưa châu Phi thoát khỏi tình trạng trì trệ, hướng tới phát triển bền vững.
Chủ đề năm nay là sự tiếp nối nội dung của 4 hội nghị thượng đỉnh trước đó, bao gồm thúc đẩy phát triển công nghiệp, ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ quá trình công nghiệp hóa và khuyến khích sự tham gia của lớp trẻ. Ngoài ra, chương trình nghị sự của hội nghị năm nay tập trung vào việc đưa ra những giải pháp nhằm tăng cường phát triển công nghiệp và thương mại nội khối, cũng như chia sẻ các cơ hội hợp tác kinh tế trong cộng đồng 270 triệu dân này.
Trước thềm hội nghị, tại các phiên họp cấp bộ trưởng diễn ra đầu tháng 8, các quốc gia thành viên đã chỉ ra những tồn tại hiện đang kìm hãm sự phát triển của cộng đồng. Thương mại nội khối hiện mới chỉ chiếm 24% tổng kim ngạch, việc thông quan hàng hóa giữa các nước còn chậm chạp do thiếu trang thiết bị hiện đại, thiếu tính đồng bộ và tương thích về luật giữa các nước thành viên cũng như chưa thiết lập được các chuẩn chung trong thương mại đa phương.
Trong khi đó, sự phát triển của 16 nước thành viên không đồng đều. Miền Nam châu Phi là nơi có trình độ phát triển kinh tế giữa các nước chênh lệch nhất. Bên cạnh những quốc gia nằm trong nhóm phát triển hàng đầu khu vực như Nam Phi hay Angola, thì trong số các thành viên Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi cũng có những nước bị xếp vào hàng nghèo nhất thế giới như Cộng hòa Dân chủ Congo, Madagascar, Swaziland hay Zimbabwe. Tình hình bất ổn chính trị và xung đột vũ trang vẫn kìm hãm sự phát triển của nhiều quốc gia khu vực.
Hơn nữa, thiên tai, dịch bệnh hoành hành lâu nay lâu nay tại khu vực càng khiến thách thức của các nước Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi thêm nặng nề, nhất là vấn đề an ninh lương thực. Đầu năm nay, Liên hợp quốc đã cảnh báo về nạn đói ở miền Nam châu Phi do hạn hạn kéo dài, trong khi hàng triệu ha hoa màu, từ những cánh đồng ở Nam Phi tới những khu trồng trọt ở Zambia, bị loài sâu bướm tàn phá. Năm ngoái, ít nhất 26 triệu người ở khu vực miền Nam châu Phi cần được cứu trợ lương thực, và con số này trong năm nay nhiều khả năng còn tăng nếu tình hình không được cải thiện.
Trong bối cảnh đó, các nước miền Nam châu Phi xác định cần đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa nền kinh tế để tránh phụ thuộc quá nhiều vào bên ngoài và các ngành kinh tế chủ chốt. Đặc biệt, Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi cần đẩy nhanh phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là các khu công nghiệp, kết nối mạng lưới giao thông và công nghiệp hóa vì đây được coi là yếu tố rất quan trọng cho quá trình phát triển kinh tế nội khối trong tương lai.
[Cơ sở nào cho một châu Phi "im bặt tiếng súng" và không có xung đột?]
Một điểm quan trọng của hội nghị năm nay là tập trung vào vấn đề trao quyền cho giới trẻ để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Chủ đề này phù hợp với Chương trình nghị sự 2063 của Liên minh châu Phi, trong đó kêu gọi đầu tư vào thanh niên và phụ nữ trong quá trình thực hiện tầm nhìn về “Châu Phi–nơi thúc đẩy và giải phóng tiềm năng của phụ nữ và thanh niênđể phát triển”. Hiện đầu tư cho thanh niên được coi là lựa chọn chiến lược, bởi nguồn lực này là tài sản quan trọng cho sự phát triển bền vững ở châu Phi.
Dân số châu Phi được coi là trẻ so với các khu vực còn lại trên thế giới, với hơn 350 triệu người ở độ tuổi từ 10-24. Con số này dự kiến sẽ tăng gần gấp ba (lên đến 906 triệu người) vào năm 2100. Các số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động ở châu Phi so với thế giới dự kiến sẽ tăng từ khoảng 54% vào năm 2010 lên mức cao nhất khoảng 64% vào năm 2090. Với xu thế này, châu Phi sẽ được hưởng lợi nhờ việc tăng dân số ở độ tuổi lao động và cấu trúc lao động trẻ, nếu được khai thác đúng cách sẽ là cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế nhanh chóng trong khu vực.
Tuy vậy, tương tự như các quốc gia châu Phi khác, các nước thành viên Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi cũng chưa khai thác được triệt để nguồn lực thanh niên, và hạn chế này khiến châu Phi rơi vào tình trạng tăng trưởng với tốc độ chậm hơn nhiều so với tiềm năng. Bởi vậy, việc đầu tư vào nguồn nhân lực, đặc biệt là thanh niên, trở thành yếu tố mang tính quyết định đối với con đường hướng tới phát triển bền vững ở khu vực.
Tại các cuộc họp trù bị, nhiều đại biểu cũng kêu gọi tăng cường đầu tư cho công tác nghiên cứu–phát triển từ cả khu vực công và tư nhân nhằm thúc đẩy nền kinh tế tri thức cũng như năng suất lao động tại các quốc gia Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi. Đề cập tới khoáng sản, một trong những lĩnh vực kinh tế chủ chốt của nhiều quốc gia Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi, các đại biểu hối thúc việc phê chuẩn Tầm nhìn khoáng sản Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi trong đó định hình vị thế của khu vực trong chuỗi giá trị của ngành công nghiệp khoáng sản thế giới.
Theo chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi, ngoài những vấn đề liên quan đến kinh tế và thương mại, nguyên thủ các nước thành viên cũng tập trung thảo luận về các vấn đề hòa bình, an ninh và đối ngoại nội khối cùng các vấn đề châu lục và thế giới mà các nước thành viên quan tâm.
Trong thời gian qua, Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi đã thể hiện tiếng nói chung trên các diễn đàn quốc tế và châu lục, nhất là các vấn đề liên quan đến các nước thành viên, cũng như phát huy vai trò trung tâm của mình trong các vấn đề khu vực, từ điều binh lính của một số quốc gia Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi tới Lesotho sau vụ sát hại tư lệnh quân đội của vương quốc này, hỗ trợ Zimbabwe giải quyết khủng hoảng chính trị cuối năm 2017 và cuộc bầu cử vừa diễn ra.
Một trong những sự kiện đáng chú của hội nghị thượng đỉnh lần này là việc Comoros tham gia với tư cách thành viên mới nhất và là thành viên thứ 16 của Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi. Với số dân chưa tới 1 triệu người, sự góp mặt của đảo quốc nằm ở phía Nam Ấn Độ Dương này là một minh chứng rõ nét nhất cho uy tín và sự hấp dẫn của Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi, không chỉ tại châu Phi mà trên phạm vi thế giới. Với vai trò như vậy, hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi năm nay sẽ là cơ hội để các nước khẳng định sức mạnh đoàn kết nội khối, từ đó duy trì sự ổn định chính trị, hòa bình và an ninh khu vực cũng như duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, hướng tới cộng đồng miền Nam châu Phi phát triển bền vững trong tương lai./.