Bài 4: Cần lắm những cái “bắt tay” để khơi thông mạch nguồn sáng tạo

Công nghiệp văn hóa: Tiềm năng đang chờ được “đánh thức”

Những mô hình đầu tư kiểu mới cho văn hóa sẽ là 'chìa khóa' để mở ra những cơ hội phát triển của nền công nghiệp sáng tạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Nền tảng kỹ thuật số cho phép kết nối nhiều hơn với các đối tượng đa dạng và cung cấp khả năng nâng cao nhận thức về các khía cạnh ít được biết đến của văn hóa. (Ảnh: Nghệ sỹ Nguyễn Thế Sơn)
Nền tảng kỹ thuật số cho phép kết nối nhiều hơn với các đối tượng đa dạng và cung cấp khả năng nâng cao nhận thức về các khía cạnh ít được biết đến của văn hóa. (Ảnh: Nghệ sỹ Nguyễn Thế Sơn)

Bài 4: Cần lắm những cái “bắt tay” để khơi thông mạch nguồn sáng tạo

Những năm gần đây, đặc biệt là khi dịch bệnh bùng phát, việc số hóa các tác phẩm văn hóa và nghệ thuật ở Việt Nam đã có nhiều tiến triển. Giáo sư Julia Gaimster, Trưởng khoa Truyền thông và Thiết kế-Đại học RMIT, khẳng định đó là thành tựu nổi bật sau 5 năm Thủ tướng Chính phủ ra Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa.

Việc gia tăng nội dung văn hóa số có thể giúp thu hút khán giả trong nước và giới thiệu hình ảnh đương đại của văn hóa Việt Nam với khán giả quốc tế.

Thiết lập văn hóa kỹ thuật số

Năm 2019, người dân Hà Nội từng ngỡ ngàng khi nhìn qua màn hình điện thoại, họ thấy khoảng giếng trời Chợ Hôm biến thành một cái ao lơ lửng trong không trung. Đó là một phần của triển lãm “Into Thin Air” do không gian nghệ thuật Manzi tổ chức. “Cái ao” đó là một tác phẩm nghệ thuật sơn mài trên kính, nhờ công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) mà tạo ra hiệu ứng chuyển động.

Công nghiệp văn hóa: Tiềm năng đang chờ được “đánh thức” ảnh 1Khoảng giếng trời Chợ Hôm biến thành một cái ao lơ lửng trong không trung. Đây là một dự án nghệ thuật của Manzi Art Space. (Ảnh: Nghệ sỹ Nguyễn Thế Sơn)

Nền tảng kỹ thuật số cho phép kết nối nhiều hơn với các đối tượng đa dạng và cung cấp khả năng nâng cao nhận thức về các khía cạnh ít được biết đến của văn hóa. Tiến sỹ Emma Duester, Đại học RMIT, cho rằng nghệ thuật và văn hóa đương đại Việt Nam sẽ đến gần hơn với thế giới, thay vì chỉ có những hình ảnh rập khuôn trên mạng về phong tục truyền thống, chiến tranh và các điểm du lịch ở Việt Nam.

[Công nghiệp văn hóa: Tiềm năng đang chờ được “đánh thức”]

Bà Emma Duester cùng cộng sự của mình là thạc sỹ Michal Teague đã tham gia nghiên cứu quá trình chuyển đổi số ngành văn hóa, nghệ thuật Việt Nam. Họ đã chỉ ra những thách thức bao gồm thiếu ngân sách, nguồn nhân lực và nguồn lực công nghệ để số hóa văn hóa nghệ thuật.

“Bên cạnh việc củng cố chính sách liên quan đến việc bảo tồn di sản văn hóa và văn hóa truyền thống, Việt Nam cần cân nhắc nhiều hơn về việc số hóa các tài liệu lưu trữ để có thể truy cập công khai. Đó là cách bảo tồn văn hóa tốt nhất,” tiến sỹ Duester nói.

Chuyên gia này cũng cho rằng trong tương lai, Việt Nam sẽ cần một nền tảng số chung, bền vững và dễ tiếp cận để trưng bày các tác phẩm văn hóa nghệ thuật có tầm ảnh hưởng. Có như vậy, công chúng trong và ngoài nước lẫn các chuyên gia văn hóa, giáo dục và các nhà nghiên cứu mới đều có thể tiếp cận.

Hiến kế giải quyết những thách thức này, bà cho rằng cần thiết lập chính sách “văn hóa kỹ thuật số” cho Việt Nam để đảm bảo sự phát triển có hệ thống và bền vững trong các ngành công nghiệp văn hóa, để người dân có kiến thức về bản quyền và quyền sở hữu trí tuệ trên mạng.

Cụ thể hơn, thạc sỹ Michal Teague cho rằng các đơn vị gallery, thư viện, lưu trữ và bảo tàng ở Việt Nam cần xác định rõ ràng đối tượng khán giả của mình, thấu hiểu họ để có thể truyền tải các thông điệp một cách hiệu quả.

Công nghiệp văn hóa: Tiềm năng đang chờ được “đánh thức” ảnh 2(Từ trái sang) Giáo sư Julia Gaimster, tiến sỹ Emma Duester và thạc sỹ Michal Teague, nhóm chuyên gia nghiên cứu chuyển đổi số ngành văn hóa-nghệ thuật Việt Nam. (Ảnh: RMIT)

Chuyên gia này nhấn mạnh rằng nếu kho tư liệu trực tuyến về văn hóa, nghệ thuật Việt Nam quá sơ sài thì những nhà giáo dục, những người nghiên cứu buộc phải đi tìm những nguồn tài liệu của phương Tây, như vậy sẽ không thể có cái nhìn chân thực và đầy đủ về Việt Nam.

“Các tổ chức này cần cộng tác với nhau và kết hợp với các lĩnh vực liên quan như khách sạn, du lịch, giáo dục, sản xuất và giao thông công cộng để phát triển các nền tảng nội dung trực tiếp và kỹ thuật số sao cho hấp dẫn khán giả trong nước và quốc tế,” bà nói.

Đầu tư kiểu mới cho văn hóa

Từ kinh nghiệm nghiên cứu các vấn đề toàn cầu hóa, tiến sỹ Nguyễn Thị Quý Phương (nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Báo chí và Truyền thông) kiến nghị 5 giải pháp để phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Thứ nhất, Nhà nước cần phân loại doanh nghiệp công nghiệp văn hóa theo chuyên môn hoạt động, theo quy mô và công nhận các mô hình doanh nghiệp đặc thù với các nghề chuyên môn đặc thù. Trên cơ sở đó, Luật Doanh nghiệp và Luật Lao động định danh cho các mô hình và nghề nghiệp này để tạo cơ sở cho hình thành các tổ chức và cá nhân chuyên nghiệp trong ngành.

Thứ hai, doanh nghiệp công nghiệp văn hóa cần được tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn, huy động được nguồn lực cần thiết cho đầu tư phát triển sản phẩm.

“Điều này có lợi cho cả ngân hàng và nhà đầu tư vì các sản phẩm công nghiệp văn hóa thường mang lại lợi nhuận gấp nhiều lần giá trị đầu tư. Minh chứng cụ thể là phim ‘Bố già’ của Trấn Thành năm 2021 đầu tư 23 tỷ đồng, thu về 600 tỷ đồng,” tiến sỹ Quý Phương nhận định.

Công nghiệp văn hóa: Tiềm năng đang chờ được “đánh thức” ảnh 3Phim 'Bố già' của Trấn Thành có doanh thu khủng: 600 tỷ đồng. (Ảnh: Trấn Thành Town)

Thứ ba, để thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng cho công nghiệp văn hóa, vốn là điểm hạn chế cản trở lớn nhất đến sự phát triển của ngành, tiến sỹ Quý Phương cho rằng Chính phủ có thể triển khai ưu đãi thuế thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, các hình thức BT (xây dựng-chuyển giao) để tư nhân mạnh dạn bỏ tiền túi xây dựng trường quay, studio, cơ sở hạ tầng cho du lịch văn hóa, mở các không gian sáng tạo...

Thứ tư, Nhà nước cũng cần ủng hộ việc thành lập các quỹ đầu tư cho công nghiệp văn hóa và các hiệp hội, cơ quan xúc tiến, thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp văn hóa theo mô hình Quỹ Tài trợ Nghệ thuật Quốc gia của Mỹ thành lập từ năm 1965 với ngân sách 150 triệu USD/năm hay Văn phòng Kinh tế Sáng tạo Thái Lan thành lập năm 2005 với ngân sách 20 triệu USD/năm…

Thứ năm, để góp phần “chữa bệnh sính ngoại” cho thị trường văn hóa Việt Nam mà vẫn đảm bảo công bằng và cạnh tranh lành mạnh, Chính phủ có thể ban hành các chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát huy trí tuệ Việt, thu hút trí tuệ toàn cầu, ngăn chặn chảy máu chất xám trong các ngành sáng tạo văn hóa.

Phó giáo sư, tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội tỏ ra tâm đắc với giải pháp mở ra những mô hình đầu tư mới cho công nghiệp văn hóa, bao gồm các cơ hội cho các tổ chức văn hóa có thể đa dạng hóa nguồn thu, kinh doanh và tiếp cận những loại hình tài chính khác nhau (bao gồm các khoản cho vay) và tham gia vào các hợp tác công-tư.

Ông khẳng định chúng ta đang sống trong thời đại mà sự sáng tạo của con người chính là tài nguyên lớn nhất, chứ không phải than đá, dầu lửa hay bất kỳ tài nguyên nào. Không những là tài nguyên lớn nhất mà sự sáng tạo còn là tài nguyên có thể tái tạo được, không bao giờ biến mất. Quy luật trên thế giới là quốc gia nào tận dụng tài nguyên sáng tạo của công dân nước mình, nước đó sẽ phát triển.

“Nếu thực hiện các chính sách một cách đồng bộ, Việt Nam hoàn toàn có thể hy vọng vào việc khơi thông được các mạch nguồn sáng tạo, xây dựng một nền công nghiệp văn hóa phát triển lành mạnh và bền vững,” ông khẳng định./.

Xem toàn bộ loạt bài trong series này:

Bài 1: “Ba chìm bảy nổi” với công nghiệp văn hóa

Bài 2: Làm gì để khai thác ‘Con gà đẻ trứng vàng’ công nghiệp văn hóa?

Bài 3: ‘Cần nuôi dưỡng tài năng, khơi dậy khát vọng làm văn hóa’

Bài 4: Cần lắm những cái “bắt tay” để khơi thông mạch nguồn sáng tạo

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục