Copernicus: Thế giới trải qua 10 tháng liên tiếp nhiệt độ cao kỷ lục

Theo Cơ quan khí hậu của Liên minh châu Âu Copernicus, kể từ tháng 6/2023, nhiệt độ Trái Đất liên tiếp xác lập kỷ lục mới, với sự góp phần của các đợt nắng nóng khắp các đại dương trên toàn cầu.

Người dân làm mát tại một đài phun nước ở Seville, Tây Ban Nha. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Người dân làm mát tại một đài phun nước ở Seville, Tây Ban Nha. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cơ quan khí hậu của Liên minh châu Âu Copernicus ngày 8/4 thông báo Trái Đất tiếp tục ghi nhận nhiệt độ ở mức cao kỷ lục mới trong tháng Ba vừa qua, theo đó cả nhiệt độ không khí và nhiệt độ các đại dương trên thế giới đều ở mức cao nhất mọi thời đại.

Đây cũng là tháng thứ 10 liên tiếp người dân ở Hành tinh Xanh sống trong nền nhiệt cao kỷ lục.

Theo dữ liệu của Copernicus, trong tháng Ba vừa qua, nhiệt độ trung bình trên toàn cầu ở mức 14,14 độ C - ấm hơn 1,68 độ C so với mức nhiệt trung bình trong các tháng Ba của những năm từ 1850-1900 - giai đoạn tham chiếu của thời kỳ tiền Cách mạng công nghiệp.

Kể từ tháng 6/2023, nhiệt độ Trái Đất liên tiếp xác lập kỷ lục mới, với sự góp phần của các đợt nắng nóng khắp các đại dương trên toàn cầu.

Giới khoa học đã lường trước xu hướng này do diễn biến mạnh của El Nino - hình thái thời tiết gây nhiệt độ cao tại vùng trung tâm Thái Bình Dương và tác động tới các hiện tượng thời tiết trên toàn cầu.

Nhà khoa học Jennifer Francis thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu Woodwell cho biết: “Sự kết hợp của hiện tượng El Nino với các đợt nóng bất thường ở đại dương đã thúc đẩy những kỷ lục về nhiệt độ."

Theo bà Francis, khi El Nino suy yếu, mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu hằng tháng sẽ giảm bớt.

Các nhà khoa học về khí hậu cũng nhấn mạnh rằng phần lớn nguyên nhân khiến nhiệt độ tăng cao kỷ lục hiện nay là do tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra, như lượng phát thải khí carbon dioxide và methane từ quá trình sử dụng than, dầu và khí đốt tự nhiên.

Bà Francis nhận định: “Vòng luẩn quẩn này sẽ không thay đổi cho đến khi nồng độ khí nhà kính trong khí quyển ngừng gia tăng. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải ngừng đốt nhiên liệu hóa thạch, ngừng phá rừng và trồng lương thực bền vững hơn, một cách nhanh nhất có thể."

Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu 2015 đặt mục tiêu kìm hãm đà tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền Cách mạng công nghiệp.

Dữ liệu về nhiệt độ Trái Đất được Copernicus thực hiện hằng tháng và sử dụng hệ thống đo lường khác đôi chút so với công cụ đo sử dụng trong Hiệp định Paris, vốn được tính trung bình trong giai đoạn 2 hoặc 3 thập kỷ.

Theo dữ liệu của Copernicus, Trái Đất hiện đã trải qua 12 tháng với nhiệt độ trung bình hằng tháng cao hơn 1,58 độ C so với ngưỡng nhiệt áp dụng trong Hiệp định Paris./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục