COVID-19: Nhật Bản nâng mức cảnh báo đi lại đối với 11 nước

Nhật Bản nâng mức cảnh báo đối với Argentina, Ấn Độ, Nam Phi, Afghanistan, Bangladesh, El Salvador, Ghana, Guinea, Kyrgyzstan, Pakistan và Tajikistan.
Người dân di chuyển trên một đường phố ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 15/5/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Người dân di chuyển trên một đường phố ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 15/5/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhật Bản ngày 22/5 đã nâng mức cảnh báo đi lại đối với 11 nước lên mức độ 3, đồng thời yêu cầu người dân không được đi tới các khu vực này trong bố cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn đang hoành hành.

Các nước bị nâng mức cảnh báo gồm Argentina, Ấn Độ, Nam Phi, Afghanistan, Bangladesh, El Salvador, Ghana, Guinea, Kyrgyzstan, Pakistan và Tajikistan.

Phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho biết các nước trên có thể sớm được thêm vào danh sách 100 nước và vùng lãnh thổ cấm nhập cảnh vào Nhật Bản.

Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Katsunobu Kato cho biết từ đầu tháng 6 tới, Nhật Bản sẽ bắt đầu xét nghiệm COVID-19 đối với 10.000 người ở Tokyo, Osaka và tỉnh Miyagi để tìm kháng thể đối với virus SARS-CoV-2 nhằm hiểu hơn về cơ chế lây lan của dịch bệnh.

Nhà chức trách Nhật Bản hy vọng có thể thống kê được số người nhiễm virus SARS-CoV-2 tại những khu vực này, trong đó có cả những người không xuất hiện triệu chứng.

Kết quả xét nghiệm trên diện rộng này cũng giúp nhà chức trách ước tính số người cần vắcxin.

[Nhật Bản tăng cường xét nghiệm kháng thể virus SARS-CoV-2 cho dân]

Chính phủ Nhật Bản lựa chọn ba địa phương trên để tiến hành xét nghiệm trong bối cảnh Tokyo và Osaka đều có tỷ lệ người mắc COVID-19 cao trong khi tỷ lệ người nhiễm bệnh tại tỉnh Miyagi lại tương đối thấp.

Chương trình xét nghiệm này sẽ được thực hiện bằng cách chọn ngẫu nhiên 3.000 người trưởng thành tại mỗi địa phương nói trên để xét nghiệm tìm các protein đặc thù do hệ miễn dịch tạo ra trong quá trình chống lại sự lây nhiễm.

Y tế địa phương sẽ thực hiện xét nghiệm và gửi các mẫu máu lên y tế trung ương phân tích.

Y tế địa phương sẽ thông báo kết quả với người tham gia xét nghiệm sau khi nhận được kết quả từ trung ương.

Trước đó, Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ cho biết để hệ miễn dịch người sản sinh kháng thể, sẽ mất từ 1 đến 3 tuần kể từ sau khi cơ thể nhiễm virus COVID-19.

Trong nỗ lực chống COVID-19, Chính phủ Nhật Bản cũng đã quyết định tạo điều kiện để sản xuất vắcxin phòng COVID-19 trên diện rộng thông qua việc hỗ trợ tài chính cho các nhà sản xuất.

Theo các nguồn tin của Chính phủ Nhật Bản, thông qua việc hỗ trợ tài chính để chuẩn bị các cơ sở sản xuất ngay từ giai đoạn đầu, Tokyo hy vọng có thể cung cấp vắcxin cho người dân ngay sau khi nó được chứng minh là thích hợp để sử dụng. Quy mô đầu tư sẽ gắn liền với tiến độ thực hiện.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện có hơn 110 dự án phát triển vắcxin phòng COVID-19 đang được tiến hành trên toàn thế giới, trong đó có một số dự án đang trong giai đoạn thử nghiệm.

Nhật Bản có 6 dự án và Thủ tướng nước này Abe Shinzo cho biết việc thử nghiệm có thể được bắt đầu vào đầu tháng 7 tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục