Cử tri Ai Cập ở nước ngoài bắt đầu đi bầu cử tổng thống

Các hòm phiếu đặt tại 141 đại sứ quán và cơ quan đại diện ngoại giao của Ai Cập ở 124 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã đồng loạt mở cửa.
Cử tri Ai Cập ở nước ngoài bắt đầu đi bầu cử tổng thống ảnh 1Cử tri Ai Cập bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp mới tại Cairo. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 15/5, đông đảo cử tri Ai Cập sinh sống ở nước ngoài đã bắt đầu đi bầu cử tổng thống, chặng thứ hai hết sức quan trọng trong lộ trình chuyển tiếp chính trị tại quốc gia Bắc Phi này, sau cuộc chính biến hôm 3/7 lật đổ chính quyền của Tổng thống Mohamed Morsi.

Các hòm phiếu đặt tại 141 đại sứ quán và cơ quan đại diện ngoại giao của Ai Cập ở 124 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã đồng loạt mở cửa từ 9 giờ sáng (giờ địa phương). Thời gian bỏ phiếu sẽ kéo dài đến 21 giờ hàng ngày trong khoảng thời gian từ ngày 15 đến 18/5.

Các cử tri sẽ phải lựa chọn giữa cựu Bộ trưởng Quốc phòng Abdel Fattah el-Sisi và chính trị gia cánh tả Hamdeen Sabahi, người từng về thứ ba trong cuộc bầu cử tổng thống vào giữa năm 2012.

Trước đó, hôm 14/5, Tổng Thư ký Ủy ban Bầu cử Tối cao Ai Cập (SEC) Abdel Aziz Selman cho biết cuộc bỏ phiếu này sẽ không được tổ chức tại Syria, Somalia, Libya và Cộng hòa Trung Phi do điều kiện an ninh không đảm bảo. Trong khi đó, nhiều hòm phiếu đã được bổ sung để đáp ứng lượng cử tri đông đảo sinh sống tại các nước như Đức, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Thụy Sĩ.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Ai Cập khẳng định mọi cử tri có tên trong dữ liệu của SEC, kể cả những người đang đi du lịch hoặc chữa bệnh ở nước ngoài, đều được phép tham gia bỏ phiếu nếu có đủ giấy tờ chứng minh nhân thân.

Đây là lần đầu tiên quy định này được nới lỏng nhằm tăng lượng cử tri đi bầu. Trước đó, trong cuộc trưng cầu ý dân về Hiến pháp mới được tổ chức vào giữa tháng Một vừa qua, SEC cũng đưa vào sử dụng một hệ thống cho phép các cử tri bỏ phiếu ngoài địa điểm thường trú.

Theo thống kê chính thức, khoảng 6 đến 8 triệu người dân Ai Cập đang sinh sống tại 161 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó, Saudi Arabia là nơi tập trung đông nhất, chiếm gần 45% tổng số kiều dân nước này.

Trong cuộc trưng cầu ý dân về Hiến pháp hồi đầu năm, khoảng 107.000 kiều dân Ai Cập trong tổng số hơn 600.000 người đủ tư cách đi bầu đã tham gia bỏ phiếu.

Theo lịch trình, cuộc bầu cử tổng thống ở Ai Cập sẽ chính thức diễn ra vào ngày 26 và 27/5. Kết quả kiểm phiếu chính thức sẽ được công bố vào ngày 5/6. Nếu không có ứng cử viên nào giành đa số phiếu trong vòng một, hai ứng cử viên có số phiếu cao nhất sẽ bước vào vòng đấu loại trực tiếp, được tổ chức vào ngày 16 và 17/6, và tên của tân Tổng thống Ai Cập sẽ được công bố vào ngày 26/6.

Toàn bộ tiến trình bầu cử trong nước sẽ được đặt dưới sự giám sát của các cơ quan tư pháp trong khi quân đội sẽ phối hợp với cảnh sát để đảm bảo an ninh xung quanh các địa điểm bỏ phiếu.

Dư luận cho rằng cựu Tư lệnh quân đội Fattah el-Sisi sẽ dễ dàng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử này do nhận được sự ủng hộ từ đông đảo người dân sau khi ra lệnh phế truất cựu Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi.

Theo kết quả cuộc điều tra do Trung tâm thăm dò dư luận Ai Cập Baseera công bố hôm 14/5, ông el-Sisi giành được 76% ý kiến ủng hộ, tăng 4% so với cuộc thăm dò hôm 3/5 vừa qua. Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ ông Sabahi vẫn giữ nguyên ở mức 2%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục