Cục Trồng trọt: Không có việc nông dân phá tiêu còn tốt để bán rễ

Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẳng định chắc chắn không có việc nông dân phá tiêu còn tốt để bán rễ mà chỉ là việc tận thu rễ trong quá trình vệ sinh hố trồng.
Cục Trồng trọt: Không có việc nông dân phá tiêu còn tốt để bán rễ ảnh 1Nông dân thu gom rễ tiêu chết. (Ảnh minh họa: Hoàng Nhị/TTXVN)

Trước những thông tin về việc thương lái thu mua rễ tiêu ở một số địa phương được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, khẳng định chắc chắn không có việc nông dân phá tiêu còn tốt để bán rễ mà chỉ là việc tận thu rễ trong quá trình vệ sinh hố trồng.

Vừa qua, một số hộ trồng hồ tiêu tại vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên đã tiến hành chuyển đổi vườn trồng hồ tiêu già cỗi, nhiễm sâu bệnh, năng suất và hiệu quả kinh tế thấp sang trồng một số cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn hoặc trồng mới lại cây hồ tiêu.

Trong quá trình thực hiện chuyển đổi, nông dân đã tiến hành tiêu hủy cây tiêu, vệ sinh đồng ruộng để trồng cây mới. Khi đào hố trồng cây mới, một số nông dân đã dọn vệ sinh, thu gom rễ tiêu để tiêu hủy.

Tuy nhiên, có 3 hộ nông dân khác và một công ty tìm thu mua rễ sử dụng vào mục đích không rõ ràng (một số nguồn tin cho rằng sử dụng làm thuốc bắc).

Việc thu mua rễ tiêu chỉ xảy ra ở xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai với 14 hộ dân tham gia thu gom, bán rễ.

Theo tính toán, mỗi gốc tiêu nông dân thu được khoảng từ 0,5-1 kg, với giá bán khoảng 20.000 đồng/kg, số tiền thu được từ 10-20 triệu đồng/ha.

[Bà Rịa-Vũng Tàu: Thương lái Trung Quốc lùng sục thu mua rễ cây tiêu]

Trong khi đó, nông dân phải chi phí từ 5-7 triệu đồng thuê máy xúc đào gốc và khoảng 5 triệu đồng/ha công thu gom.

Do đó chắc chắn không có việc nông dân phá tiêu còn tốt để bán rễ mà chỉ là việc tận thu rễ trong quá trình vệ sinh hố trồng. Hiện nay, các hộ nông dân thu mua rễ tiêu đã dừng việc thu mua.

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, điều đáng lo ngại hơn là việc làm này có nguy cơ phát tán nguồn bệnh lây lan qua rễ tiêu từ các vùng tiêu nhiễm bệnh sang các vùng trồng khác.

Để quản lý tốt dịch bệnh, đảm bảo phát triển hồ tiêu bền vững, Cục Trồng trọt đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên tuyên truyền hướng dẫn người sản xuất về quản lý dịch hại tổng hợp và sản xuất hồ tiêu an toàn trên địa bàn; hướng dẫn người sản xuất thực hiện tốt quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch hồ tiêu; tổ chức vệ sinh vườn tiêu theo hướng dẫn của Cục Trồng trọt, đặc biệt lưu ý thực hiện tốt vệ sinh các điểm có trụ tiêu bị chết do bệnh chết nhanh, chết chậm; không tổ chức mua, bán hoặc phát tán rễ tiêu ra vùng lân cận.

Cán bộ chức năng phổ biến cho nhân dân biết và thực hiện tốt quy trình kỹ thuật quản lý bệnh chết nhanh, chết chậm hại hồ tiêu theo hướng dẫn của Cục Bảo vệ thực vật./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục