Cùng phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, bình đẳng giới

Hơn 15.200 phụ nữ vùng cao tại Lào Cai, Sơn La đã được tạo điều kiện nâng cao quyền tham gia vào nền kinh tế qua "GREAT" - dự án thúc đẩy bình đẳng giới qua sản xuất nông nghiệp-phát triển du lịch.
Cùng phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, bình đẳng giới ảnh 1Những người phụ nữ dân tộc Dao tham gia dự án GREAT nhằm hướng tới sự phát triển kinh tế và bình đẳng giới. (Ảnh: Australian Aid)

Một dự án về giới quan trọng của Australia thực hiện tại Việt Nam từ 2017-2021, với tổng kinh phí hỗ trợ lên tới 33,7 triệu AUD (tương đương khoảng 600 tỷ đồng) đã đạt được những kết quả tích cực sau 5 năm triển khai.

Đó là dự án “Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch” (GREAT, do chính phủ Australia tài trợ) với các báo cáo về thành tích đã được cung cấp sáng ngày 27/5 tại Hà Nội, qua tọa đàm với chủ đề “Kết nối phụ nữ với thị trường-Nhân rộng mô hình thành công từ cấp tỉnh lên cấp quốc gia."

[GREAT hỗ trợ tăng thu nhập cho hơn 40.000 phụ nữ tại Lào Cai và Sơn La]

Hơn 15.200 phụ nữ dân tộc thiểu số tại Lào Cai và Sơn La đã được GREAT hỗ trợ để nâng cao quyền tham gia vào nền kinh tế, từ đó tăng thu nhập của bản thân và gia đình đồng thời thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số, tập trung vào các tỉnh có nhiều nhóm dân tộc thiểu số sinh sống là Sơn La và Lào Cai ở khu vực Tây Bắc của Việt Nam.

Dự án được triển khai dưới hình thức hợp tác với doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước và các tổ chức phi chính phủ để tạo cơ hội cho phụ nữ trong ngành nông nghiệp và du lịch. Những ngành đang phát triển mạnh mẽ và có tiềm năng gia tăng đáng kể sự tham gia của phụ nữ dân tộc thiểu số trong các hoạt động kinh tế.

Kết thúc giai đoạn 1 từ năm 2017-2021, GREAT đã đạt được những kết quả tích cực liên quan đến bình đẳng giới và phát triển thị trường du lịch và nông nghiệp bao trùm tại Lào Cao và Sơn La. Trong số hơn 15.200 phụ nữ tham gia dự án tăng thu nhập, 86% phụ nữ tự tin vào năng lực kỹ thuật của mình. Dự án đã giúp tăng 23% số lượng doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo.

Cùng với đó, GREAT có hơn 70 quan hệ đối tác hợp tác, hơn 8,6 triệu AUD đã đươc đầu tư từ khu vực tư nhân. Gần 300 cuộc đối thoại chính sách đã được thực hiện trong khuôn khổ dự án này.

Cùng phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, bình đẳng giới ảnh 2Nhiều sản phẩm thủ công địa phương được giới thiệu tới khách tham quan tại hội thảo ngày 27/5. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tại hội thảo, bà Robyn Mudie - Đại sứ Australia tại Việt Nam khẳng định mục đích của GREAT không phải để từ thiện mà là tạo ra môi trường kinh doanh mạnh mẽ và đem lại lợi ích cho nhiều người. “Rõ ràng việc đầu tư cho phụ nữ sẽ mang lại lợi tức đầu tư cao cũng như nhiều lợi ích kinh tế cho cộng đồng và của cả quốc gia. Tôi tự hào vì GREAT đã giúp cải thiện cuộc sống của hơn 15.000 gia đình tại hai tỉnh Sơn La và Lào Cai,” bà nói thêm.

Bà Robyn Mudie khẳng định mối quan hệ hợp tác chặt chẽ và gắn bó với các đối tác đã đảm bảo cho sự thành công của GREAT đồng thời nhấn mạnh rằng mặc dù đã đạt được những thành công nhưng vẫn còn rất nhiều việc quan trọng cần làm để tiếp tục đảm bảo phụ nữ, bao gồm phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận các cơ hội kinh tế và tham gia đầy đủ vào thị trường.

Dự án GREAT đã kết thúc giai đoạn 1 (2017-2021) và hiện đang bước sang giai đoạn thứ hai từ năm 2022-2027. Trong giai đoạn 2 của dự án, mục tiêu của GREAT vẫn tập trung vào cải thiện địa vị kinh tế-xã hội và tăng khả năng phục hồi sau khủng hoảng vì dịch COVID-19 của phụ nữ sống ở Tây Bắc. 

Cùng phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, bình đẳng giới ảnh 3Buổi hội thảo cũng là dịp để người dân, khách mời tại Thủ đô có cơ hội sử dụng những sản phẩm chất lượng từ địa phương, có nguồn gốc xuất xứ được đảm bảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Dự án sẽ tiếp tục tập trung xác định các lĩnh vực cụ thể trong nông nghiệp và du lịch để tạo cơ hội trao quyền kinh tế cho phụ nữ. Đặc biệt, dự án sẽ hỗ trợ nhân rộng các kinh nghiệm và cách làm hay của Lào Cai và Sơn La vào các chương trình khác ở cấp quốc gia và cấp tỉnh trong giai đoạn tiếp theo.

Ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai, Trưởng Ban chỉ đạo dự án GREAT tại tỉnh này, cũng bày tỏ mong muốn giai đoạn 2 của dự án sớm được triển khai để tiếp tục duy trì thành quả đã đạt được, tạo nền tảng phát triển nông nghiệp và du lịch địa phương, triển khai hiệu quả chương trình thực hiện mục tiêu quốc gia, tăng cường vị thế kinh tế-xã hội, thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ nói riêng và cuộc sống ấm no cho người dân nói chung./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục