'Cuộc chiến thương mại không dễ phá hủy được nền kinh tế Trung Quốc'

Giới chuyên gia nhận định phần lớn tác động của cuộc chiến thương mại rơi vào các doanh nghiệp toàn cầu có hoạt động sản xuất tại Trung Quốc – chiếm 40-50% xuất khẩu của Bắc Kinh.
'Cuộc chiến thương mại không dễ phá hủy được nền kinh tế Trung Quốc' ảnh 1Công nhân làm việc trong một nhà máy ở Chiết Giang, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Các chuyên gia đang tham dự diễn đàn Fortune Global Forum do tạp chí Fortune tổ chức tại thành phố Toronto, Canada nhận định rằng một cuộc chiến thương mại chưa chắc có thể phá hủy nền kinh tế Trung Quốc.

Fortune Global Forum năm nay diễn ra từ ngày 15-17/10 ở Toronto, quy tụ các nhà lãnh đạo của những tập đoàn lớn nhất thế giới, các chuyên gia kỳ cựu…. với mục tiêu “chẩn đoán” những vấn đề chủ chốt đang định hình hoạt động kinh doanh trên quy mô toàn cầu.

Theo Jonathan Woetzel, Giám đốc McKinsey Global Institute (thuộc tập đoàn tư vấn quản lý McKinsey, Mỹ), xung đột thương mại Mỹ-Trung tất nhiên không phải là một nhân tố tích cực có thể hỗ trợ kinh tế Trung Quốc tăng trưởng, nhưng cũng không nhất thiết sẽ tác động đến nền kinh tế vĩ mô nói chung.

Chuyên gia này giải thích rằng phần lớn tác động của cuộc chiến thương mại rơi vào các doanh nghiệp toàn cầu có hoạt động sản xuất tại Trung Quốc – chiếm 40-50% xuất khẩu của Trung Quốc - vì thế ảnh hưởng lên Trung Quốc “thực tế là rất nhỏ.”

[Tổng thống Mỹ cảnh báo sẽ tiếp tục gây áp lực với Trung Quốc]

Trong khi đó, tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ lớn hơn đối với các nền kinh tế như Vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), Singapore và Malaysia.

Đối với Trung Quốc, người tiêu dùng Mỹ là nhân tố có ý nghĩa lớn hơn nhiều so với Chính phủ Mỹ nếu xét trên khía cạnh tăng trưởng kinh tế. Người tiêu dùng Trung Quốc cũng là một nhân tố chính. Hiện 80% sức tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc đến từ hoạt động tiêu dùng.

Louisa Cheang, Giám đốc điều hành, kiêm Phó Chủ tịch Hang Seng Bank, ngân hàng có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc), cũng nhất trí với quan điểm trên và khẳng định sức mạnh của tiêu dùng không chỉ đến từ giới nhà giàu châu Á, mà còn từ hàng triệu công dân thuộc tầng lớp trung lưu đang ngày một lớn mạnh ở Trung Quốc.

Theo bà Louisa Cheang, ngày càng nhiều doanh nghiệp nước ngoài quan tâm tới hoạt động thu mua-sáp nhập với các doanh nghiệp có trụ sở ở Trung Quốc; và cũng ngày càng nhiều công ty Trung Quốc tiến ra thị trường quốc tế và sở hữu doanh nghiệp nước ngoài.

Afsaneh Beschloss, nhà sáng lập và cũng là Giám đốc điều hành của quỹ đầu tư toàn cầu RockCreek, bày tỏ lạc quan về tương lai của kinh tế Trung Quốc và dự báo Trung Quốc sẽ sớm vượt tất cả các nước khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục