Cuộc chơi mới đầy mạo hiểm của Iran tại khu vực Trung Đông

Trong tháng Một, Tehran đã nối lại hoạt động làm giàu urani lên mức 20% tinh khiết tại một cơ sở hạt nhân của nước này, cấp độ mà Iran đã đạt được trước khi ký kết JCPOA.
Cuộc chơi mới đầy mạo hiểm của Iran tại khu vực Trung Đông ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Dailyadvent.com)

Iran ngày 26/1 đã đe dọa nước này sẽ cản trở các cuộc thanh sát đột xuất của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đối với những cơ sở hạt nhân của nước này, đồng thời yêu cầu Mỹ đảo ngược các đòn trừng phạt kinh tế trước khi Tehran quay lại tuân thủ một thỏa thuận hạt nhân mới mà Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn khôi phục. Động thái này khiến các nước phương Tây vội vàng đưa ra những phản ứng lạc điệu.

Ông Biden, người lên nắm quyền tổng thống Mỹ hôm 20/1 vừa qua, có ý định đảo ngược chính sách của người tiền nhiệm Donald Trump khi muốn đưa Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân mà Mỹ và các cường quốc thế giới đã ký với Iran hồi năm 2015 (còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện- JCPOA).

Thỏa thuận này đã gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Iran để đổi lại Tehran ngừng chương trình hạt nhân của mình. Tuy nhiên, sau khi ông Trump đưa Mỹ ra khỏi thỏa thuận này, ông đã tái áp đặt các biện pháp trừng phạt, còn Iran đã vi phạm các điều khoản của thỏa thuận.

Cho đến thời điểm này, quan điểm của Biden muốn Iran phải tuân thủ trở lại các điều khoản thỏa thuận trước khi Mỹ gỡ bỏ trừng phạt. Trong khi đó, Tehran lại muốn Mỹ trước tiên cần gỡ bỏ các đòn trừng phạt. 

Cũng theo thỏa thuận, IAEA được quyền tiếp cận trên diện rộng các cơ sở hạt nhân của Iran để thu thập thông tin và dữ liệu, bao gồm quyền yêu cầu được thanh sát bất ngờ bất kỳ cơ sở hạt nhân nào nếu IAEA cho là cần thiết.

Người phát ngôn của chính phủ Iran Ali Rabiei cho biết những bước đi đầu tiên nhằm hạn chế các hoạt động thanh sát đột xuất sẽ bắt đầu trong tuần từ ngày 19/2. Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Ali Rabiei khẳng định: “Luật lệ của chúng tôi về vấn đề này là rất rõ ràng. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Iran sẽ cản trở các hoạt động thanh sát khác của IAEA”.

Iran… lại khiêu khích

Hồi tháng 12/2020, Quốc hội Iran vốn đa phần là lực lượng theo đường lối cứng rắn với Mỹ đã thông qua luật yêu cầu chính quyền Tehran phải cho Washington thấy “bàn tay thép” về quan điểm hạt nhân của nước này nếu Mỹ không gỡ bỏ các đòn trừng phạt trong vòng 2 tháng.

Trước đó, Tehran liên tiếp khẳng định rằng nước này có thể nhanh chóng đảo ngược các vi phạm đối với thỏa thuận hạt nhân nếu Washington gỡ bỏ trừng phạt. Tại một cuộc họp báo diễn ra ở Moskva hôm 26/1, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đã tái khẳng định điều trên: “Nếu những hành động thuận chiều được đưa ra trước thời điểm đó… thì Iran sẽ không can thiệp nhiệm vụ của các thanh sát viên IAEA theo nghị định thư kèm theo thỏa thuận hạt nhân.”

Sau đó, trong một dòng trạng thái trên mạng xã hội Twitter, ông Zarif nhắc lại rằng tùy thuộc quyết định của Mỹ có hành động trước hay không, đồng thời nói rằng chính Mỹ đã phá vỡ thỏa thuận này một cách vô cớ, khiến Iran phải đáp trả. 

Trong tháng Một, Tehran đã nối lại hoạt động làm giàu urani lên mức 20% tinh khiết tại một cơ sở hạt nhân của nước này, cấp độ mà Iran đã đạt được trước khi ký kết JCPOA.

Những phản ứng lạc điệu

Cùng điệu với Iran, Nga ngày 26/1 cho rằng giải pháp tùy thuộc vào việc Mỹ tiến hành những bước đi đầu tiên nếu Tổng thống Joe Biden muốn cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Nga và Iran “có cùng quan điểm” về việc duy trì thỏa thuận hạt nhân, đồng thời kêu gọi Washington gỡ bở các đòn trừng phạt như một điều kiện để Tehran tuân thủ trở lại các điều kiện của thỏa thuận.

Thông điệp này của Nga được đưa ra tại cuộc đối thoại đầu tiên với người đồng cấp Iran kể từ sau chiến thắng của ông Joe Biden. Cuộc đối thoại này diễn ra nhiều ngày sau khi Ngoại trưởng Iran Zarif kêu gọi Mỹ cần đưa ra “lựa chọn quan trọng” để chấm dứt chính sách trừng phạt và đảo ngược “những chính sách thất bại” mà chính quyền tiền nhiệm có quan điểm diều hâu áp dụng đối với Tehran. 

Trong khi đó, ngay sau thông điệp của Moskva, Tổng thống Pháp cùng ngày đã đưa ra thông điệp trái chiều khi kêu gọi Iran tuân thủ thỏa thuận trước khi Mỹ đảo ngược chính sách trừng phạt. Quan chức chính phủ Pháp giấu tên tuyên bố: “Nếu Iran nghiêm túc về đàm phán và muốn đạt được cam kết mới của tất cả các bên tham gia JCPOA thì họ trước tiên phải kiềm chế hành động khiêu khích và tiếp đó cần tôn trọng những gì mà họ đã vi phạm.” 

Hãng tin Reuters cho hay Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi cuối tuần qua đã điện đàm với Tổng thống Biden về hàng loạt vấn đề, bao gồm cách thức tái khởi động các cuộc đàm phán với Iran sau khi quốc gia Hồi giáo này tiếp tục vi phạm các điều khoản của thỏa thuận.

Hồi tuần trước, ông Antony Blinken, người được Biden lựa chọn là Ngoại trưởng Mỹ, cho biết Washington không vội vàng quyết định về việc liệu có trở lại thỏa thuận này hay không và muốn thấy Tehran thể hiện thiện chí là bên trước tiên quay trở lại tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận. 

Từ Jerusalem, phản ứng phát đi có phần sốt sắng khi Tổng tham mưu trưởng quân đội Israel, tướng Aviv Kochavi ngày 26/1 tuyên bố ông đã ra lệnh quân đội nước này hoạch định trước các kế hoạch để đối phó và đáp trả những năng lực hạt nhân của Iran trong trường hợp chính phủ Israel đưa ra quyết định chính trị nhắm vào các lực lượng của quốc gia Hồi giáo này.

Phát biểu tại một sự kiện do Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia của Israel tổ chức, Tướng Aviv Kochavi nói: “Các kế hoạch tấn công cần được chuẩn bị và sẵn sàng được triển khai. Cần tiếp tục gây sức ép đối với Iran, Tehran không được phép sở hữu năng lực phát triển hạt nhân.”

Là đối địch “không đội trời chung” với Iran, Israel luôn phản đối JCPOA vốn được ký giữa Iran và các cường quốc phương Tây gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc và Nga. Giới chức Israel công khai bày tỏ lo ngại trước khả năng Mỹ sẽ quay trở lại JCPOA. Tướng Aviv Kochavi nói: “Bất kỳ thỏa thuận nào giống với thỏa thuận năm 2015 đều là thứ tồi tệ, cả về mặt chiến lược và chiến thuật.”

Hãng tin AP dẫn lời giới chức Israel giải thích rằng bất kỳ thỏa thuận mới nào sẽ xóa bỏ các điều khoản “mặt trời lặn” vốn loại bỏ dần những giới hạn nhất định đối với các hoạt động hạt nhân của Iran, xử lý chương trình tên lửa tầm xa của Iran và sự can dự quân sự cũng như sự hậu thuẫn của Tehran đối với các lực lượng thù địch của Israel trong khu vực.

AP ghi nhận rằng căng thẳng quốc tế liên quan vấn đề Iran ngày một gia tăng trong thời gian qua. Trong những ngày cuối cùng ông Trump nắm quyền, Tehran đã bắt giữ tàu chở dầu treo cờ Hàn Quốc và bắt đầu làm giàu urani ở mức gần với cấp độ chế tạo vũ khí hạt nhân.

Iran cũng tăng cường tiến hành các cuộc tập trận, trong đó có diễn tập bắn tên lửa hành trình trong cuộc diễn tập hải quân tại vịnh Oman ngay trong tháng Một. Trong khi đó, Mỹ điều động phi đội máy bay ném bom B-52, tàu sân bay USS Nimitz và tàu ngầm hạt nhân đến khu vực Trung Đông./.  

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục