Cuộc hội ngộ của các chuyên gia 'đời đầu' ngành cơ khí chính xác

Hiện tại, giá trị của ngành công nghiệp cơ khí chính xác tại Việt Nam đạt trên 1 tỷ USD/năm với tỷ lệ tăng trưởng 18%/năm, đang thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Cuộc hội ngộ của các chuyên gia 'đời đầu' ngành cơ khí chính xác ảnh 1(Nguồn: sme.hust.edu.vn)

Ngày 3/1, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc hội ngộ của những chuyên gia thế hệ đầu tiên tại Việt Nam về lĩnh vực cơ khí chính xác nhân dịp hướng tới kỷ niệm 36 năm Ngày thành lập Trung tâm Cơ khí chính xác thuộc Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (1985-2021).

Hầu hết những chuyên gia này nguyên là các nhà lãnh đạo, các nhà khoa học, giảng viên, sinh viên chuyên ngành cơ khí-chế tạo máy Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cán bộ Trung tâm Cơ khí chính xác trong thập niên 80, 90 của thế kỷ trước.

Tại cuộc gặp mặt, Phó Giáo sư-Anh hùng Lao động Trần Tuấn Thanh ôn lại chặng đường hình thành, phát triển của ngành cơ khí chính xác ở Việt Nam nói chung và cũng là của Trung tâm Cơ khí chính xác thuộc Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nói riêng.

Vị Giám đốc đầu tiên của Trung tâm Cơ khí chính xác Trần Tuấn Thanh cho biết, Trung tâm có quyết định thành lập chính thức vào tháng 3/1985 nhưng thời kỳ bắt đầu “thai nghén” là từ tháng 8/1973.

Trong các thập niên 70-80, nước ta đang ở giai đoạn quyết liệt của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, sau đó là thời kỳ thống nhất, xây dựng lại đất nước trong hoàn cảnh bị cấm vận nhiều mặt, trong đó có cấm vận về sở hữu trí tuệ, về máy móc thiết bị, phụ tùng thay thế.

[Hiệp định UKVFTA: Mở ra cơ hội lớn cho ngành thép và cơ khí chế tạo]

Để đẩy mạnh việc sản xuất các loại các loại phụ tùng ôtô, tàu thủy đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng quy mô sản xuất phục vụ nhu cầu mỗi năm một tăng của ngành vận tải, ngày 1/8/1973, Phó Thủ tướng Đỗ Mười thay mặt Chính phủ đã ký quyết định giao Trường Đại học Bách Khoa (cụ thể là Khoa Chế tạo máy) thiết kế công nghệ và dụng cụ gá lắp các dây chuyền sản xuất phụ tùng bơm cao áp cho ôtô IFA và cho động cơ thủy NYD; cụm giảm xóc cho ôtô Zil, Giải Phóng, Gaz, IFA.

Với quyết tâm hoàn thành đề tài với thời gian sớm nhất, các nhà khoa học ở Trường Đại học Bách Khoa làm việc hăng say, sáng tạo, không kể ngày đêm và gần như phải bắt đầu từ con số không, lần mò lắp gá các công cụ cơ bản như: máy bào, máy tiện…

Bà Hà Phương Sâm, nguyên cán bộ kỹ thuật của Xí nghiệp (sửa chữa ôtô) 3-2, nhớ lại: Trong 10 năm ròng rã thực hiện đề tài “Phục hồi và chế tạo bộ đôi bơm cao áp xe IFA W 50” với mã số 52.01 thì trên thực tế Xí nghiệp 3-2 đã sáp nhập vào Khoa Chế tạo máy của Trường Đại học Bách Khoa.

Cả hai bên chung lưng đấu cật để hoàn thành công trình lớn trong bối cảnh đất nước còn rất nghèo nàn, khó khăn.

Đề tài thành công vào năm 1982, mở ra một trang mới đối với ngành chế tạo chính xác ở Việt Nam, đối với Xí nghiệp 3-2 và đặc biệt là đối với Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Ngày 15/3/1985, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp Nguyễn Đình Tứ đã ký quyết định thành lập Trung tâm Nghiên cứu kỹ thuật cơ khí chính xác (tên rút gọn là Trung tâm Cơ khí chính xác) tại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Phó Giáo sư Trần Tuấn Thanh được bổ nhiệm làm Giám đốc.

Cũng trong năm 1985, Phó Giáo sư Trần Tuấn Thanh đón nhận danh hiệu cao quý của Nhà nước - Anh hùng Lao động.

Theo đánh giá của các chuyên gia về cơ khí chính xác, đề tài “Phục hồi và chế tạo bộ đôi vòi phun bơm cao áp xe IFA W 50” trong thời gian được thực hiện đã kéo theo sự hình thành một chuỗi các nhà máy cơ khí có năng lực làm ra những sản phẩm cơ khí đạt độ chính xác cao.

Thoạt đầu, chuỗi các nhà máy cơ khí nói trên được lập ra chỉ để phục vụ cho đề tài mang mã số 52.01. Tuy nhiên, từ đó trên thực tế ngành cơ khí chính xác ở Việt Nam đã bước vào một thời kỳ phát triển mới.

Hiện tại, giá trị của ngành công nghiệp cơ khí chính xác tại Việt Nam đạt trên 1 tỷ USD/năm; với tỷ lệ tăng trưởng 18%/năm. Lĩnh vực này đang thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Trong giá trị 1 tỷ USD của ngành công nghiệp cơ khí chính xác tại Việt Nam thì các doanh nghiệp trong nước chiếm 42%, còn lại là nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, ông Nguyễn Xuân Huy, Giám đốc Công ty KOKYO Việt Nam (KTFV), một doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ khí chính xác, chia sẻ: “Tôi là một sinh viên của Khoa Chế tạo máy (Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội), được Phó Giáo sư Trần Tuấn Thanh trực tiếp giảng dạy và được Trung tâm Cơ khí chính xác tạo điều kiện để sang Nhật Bản tu nghiệp. Từ chỗ là một người học việc, giờ đây tôi là một đối tác bình đẳng về sản phẩm cơ khí chính xác của các doanh nghiệp Nhật Bản”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục