Ngày 12/5, tòa án thành phố Milan đã quyết định xóa bỏ tất cả các lệnh cấm đối với cựu Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi trong vụ án liên quan đến công ty truyền thông Mediset năm 2013, trong đó có lệnh cấm tham gia tranh cử. Diễn biến mới này được ghi nhận trong bối cảnh tiến trình đàm phán thành lập Chính phủ Italy vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi bế tắc.
Theo phóng viên TTXVN tại Italy, với quyết định này của tòa án, ông Berlusconi có thể tái tham gia tranh cử, đồng thời có thể trở thành nghị sỹ trong Hạ viện và Thượng viện Italy. Các luật sư của cựu Thủ tướng cũng đã kêu gọi Tòa án Nhân quyền châu Âu tuyên bố luật Severino của Italy, theo đó ông Berlusconi không được tham gia tranh cử trong 6 năm, có hiệu lực hồi tố để trả lại địa vị pháp lý cho cựu Thủ tướng Italy.
Năm 2013, ông Berlusconi bị kết tội gian lận thuế. Sau đó tòa phúc thẩm Milan quyết định giữ nguyên bản án 4 năm tù trong vụ án công ty truyền thông Mediaset do gia đình cựu Thủ tướng sở hữu. Sau bản án trên, Thượng viện Italy đã bỏ phiếu tước tư cách nghị sĩ của ông Berlusconi, đồng thời không cho phép cựu Thủ tướng xuất cảnh và ứng cử trong vòng 6 năm.
[Thủ tướng mới của Italy có thể là một nhân vật trung lập]
Với phán quyết của tòa án Milan, ông Berlusconi đã đạt được mục đích chính trị quan trọng là trở lại chính trường và được quyền tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử có khả năng diễn ra vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau nếu Italy không thể thành lập được chính phủ sau cuộc bầu cử hồi tháng 3 vừa qua.
Trong khi đó, dù có những bước tiến đáng kể, tiến trình đàm phán giữa đảng M5S và đảng cực hữu Liên đoàn nhằm thành lập chính phủ liên minh ở Italy vẫn còn nhiều bế tắc sau 9 tuần thương thảo. Một trong những bất đồng then chốt còn tồn đọng là việc đề cử một thủ tướng. Tổng thống Italy Sergio Mattarella đã cho thời hạn đến ngày 13/5 tới để hai bên báo cáo về triển vọng thành lập chính phủ.
Lâu nay, M5S luôn tuyên bố sẽ chỉ liên minh với riêng đảng Liên đoàn chứ không liên minh với toàn bộ phe cánh hữu gồm bốn đảng, trong đó có đảng Tiến lên Italy (FI) của cựu Thủ tướng Berlusconi. Trong khi đó, đảng Liên đoàn vẫn duy trì quan điểm không từ bỏ đồng minh FI của họ. Nếu nỗ lực thành lập một liên minh của M5S và đảng Liên đoàn tiếp tục thất bại, Tổng thống Mattarella dự kiến sẽ thành lập một “chính phủ trung lập”, dưới dạng chính phủ kỹ trị, để điều hành đất nước và Italy có thể tổ chức tổng tuyển cử lại vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới./.