Đà Nẵng: Nguy cơ từ việc "bêtông hóa" tại điểm du lịch dọc bờ sông

Nhiều khu du lịch sinh thái, khu cắm trại dã ngoại đang sử dụng bêtông để đắp đập, be bờ, san nền tại sông Luông Đông gây ảnh hưởng đến nguồn nước, tiềm ẩn nguy cơ bị sạt lở vào mùa mưa.
Đà Nẵng: Nguy cơ từ việc "bêtông hóa" tại điểm du lịch dọc bờ sông ảnh 1Khu cắm trại Róch Rách Glamping xây dựng kè đá bêtông, ảnh hưởng đến dòng chảy tự nhiên của thượng nguồn sông Luông Đông. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Các cấp chính quyền thành phố Đà Nẵng đã kiên quyết xử lý nhiều cơ sở du lịch sinh thái, kinh doanh ăn uống vi phạm các quy định về xây dựng, gây ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên tại các quận Sơn Trà, Liên Chiểu.

Tuy nhiên, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam ghi nhận vẫn còn nhiều khu du lịch sinh thái, khu cắm trại dã ngoại đang sử dụng bêtông để đắp đập, be bờ, san nền tại sông Luông Đông (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang) gây ảnh hưởng đến nguồn nước, xâm phạm thiên nhiên, tiềm ẩn nguy cơ bị sạt lở vào mùa mưa.

Khoảng 5km đầu nguồn sông Luông Đông là một khe suối trong lành, mát mẻ, nơi đây có hàng chục điểm du lịch sinh thái, thu hút du khách tham quan.

Tại vị trí cao nhất, thượng nguồn dòng suối có Khu cắm trại Róch Rách Glamping hoạt động từ tháng 6/2022, cung cấp các dịch vụ ngủ lều, ăn uống, tắm suối, đốt lửa trại…

Theo ghi nhận của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam ngày 5/4, khu cắm trại này có nhiều nơi bị bêtông hóa, làm đê kè kiên cố hai bên dòng suối để dựng lều cắm trại, khu ăn uống. Chủ đầu tư khu cắm trại đổ đất đá, bêtông san nền hàng trăm mét vuông ngay sát bờ suối để sử dụng kinh doanh, gây ảnh hưởng đến dòng chảy của khe suối.

Dọc theo dòng suối nguồn sông Luông Đông, ngay dưới khu Róch Rách Glamping là Khu cắm trại Green World Glamping hoạt động từ tháng 9/2022 với các dịch vụ tương tự cũng làm kè đá kiên cố, đổ bêtông san nền, chặn dòng chảy. Khu cắm trại này còn xây dựng đường bêtông và cầu sắt ngang qua suối, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vào mùa mưa lũ.

Các khu du lịch khác trên tuyến đường có hàng chục điểm được xây dựng đê kè kiên cố, chặn dòng nước, nhiều công trình bêtông hóa được xây ngay sát bờ sông, gây ảnh hưởng đến thiên nhiên, cảnh quan và nguy cơ mất an toàn nguồn nước sông Luông Đông.

[“Thoải mái như ở nhà” - ấn tượng đẹp về Đà Nẵng thân thiện, mến khách]

Theo thống kê của Ủy ban Nhân dân xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng), khu vực trên có 4 khu du lịch đang hoạt động là Lái Thiêu, Hòa Phú Thành, Suối Hoa và Công viên suối khoáng nóng ĐHC (còn gọi là Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài); ngoài ra còn một khu du lịch đang vận hành thử nghiệm là V-Village (thôn Hòa Hải).

Ông Nguyễn Văn Bửu, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hòa Phú, cho biết các khu cắm trại Róch Rách Glamping và Green World Glamping nằm trong khuôn viên Khu Du lịch sinh thái Lái Thiêu đã được cấp phép từ nhiều năm nay. Giữa năm 2022, chủ đầu tư Khu du lịch Lái Thiêu đã cho các đơn vị thuê đất để hoạt động kinh doanh cắm trại, dã ngoại.

Đà Nẵng: Nguy cơ từ việc "bêtông hóa" tại điểm du lịch dọc bờ sông ảnh 2Các khu dã ngoại đổ bêtông, cát sỏi nhằm san nền, xây dựng khu lưu trú ngay sát bở sông Luông Đông. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Tháng 10/2022, khu vực sông Luông Đông bị lũ quét, sạt lở, thiệt hại nặng nên các chủ đầu tư đã cho xây dựng đê kè, trải thảm sỏi để khắc phục sạt lở.

Về giấy phép xây dựng, mật độ xây dựng và quản lý lưu trú tại các cơ sở du lịch này, ông Nguyễn Văn Bửu cho biết các cơ quan chức năng của huyện cấp phép, quản lý, Ủy ban Nhân dân xã chỉ xử lý khi phát hiện sai phạm.

Về việc "bêtông hóa" tại các điểm du lịch dọc bờ sông Luông Đông, ông Nguyễn Văn Bửu cho biết hàng năm, Đội Kiểm tra quy tắc đô thị của huyện Hòa Vang thường xuyên kiểm tra, báo cáo Ủy ban Nhân dân huyện về đảm bảo trật tự xây dựng tại các khu du lịch dọc sông Luông Đông.

Với các hạng mục mới được xây dựng như phóng viên phản ánh, chính quyền địa phương sẽ tổ chức kiểm tra thực tế, xử lý nghiêm nếu có sai phạm và sớm thông báo lại cho cơ quan báo chí./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục