Đặc khu kinh tế: 'Có 10 đồng, được 2 đồng, chấp nhận không?'

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa tỏ ra lo lắng việc nhiều quy định cho các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt liệu có quá dễ dãi.
Đặc khu kinh tế: 'Có 10 đồng, được 2 đồng, chấp nhận không?' ảnh 1Phú Quốc là một trong 3 đặc khu hành chính kinh tế trong dự thảo luật vừa được trình Quốc hội (Ảnh: TTXVN)

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa tỏ ra lo lắng việc nhiều quy định cho các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt liệu có quá dễ dãi. Ông ví von, “nếu làm 10 đồng nhưng chỉ lãi được 2 đồng thì không có lợi.” Thế nhưng, ý kiến tranh luận lại cho rằng, nếu tính kiểu “được mất” như vậy thì lãi 2 đồng Việt Nam có thể cũng không có.

Lo quy định dễ dãi

Một trong những vấn đề được đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) coi là mở trong dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là thời gian cấp quyền sử dụng đất cho các dự án lên tối đa 99 năm. Đề xuất trên theo ông là dài hơn so với quy định hiện hành là 70 năm.

Khoảng thời gian 99 năm này cũng khiến đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp đặt ra câu hỏi, như vậy “không khác gì cho không với người thuê đất đai.”

[Đại biểu Quốc hội lo giám sát quyền lực tại các đặc khu lỏng lẻo]

Nói kỹ hơn về vấn đề này, ông Trương Trọng Nghĩa cũng cho rằng, quy định về nhà đầu tư chiến lược để được cấp quyền sử dụng đất 99 năm cũng rất dễ dãi. Ông lấy ví dụ việc nhà đầu tư casino bỏ 44.000 tỷ đồng là có thể sử dụng đất trong 99 năm.

Ông nghĩa đặt ra câu hỏi: "50 năm nữa chúng ta có tiếp tục đánh casino không hay 30 năm nữa sau, dự án casino này thất bại thì có thu hồi đất không?"

Ông Nghĩa đề xuất cần bỏ quy định cấp quyền sử dụng đất lên tới 99 năm và chỉ đề tối đa là 70 năm như quy định hiện hành. Ngoài ra, khái niệm nhà đầu tư chiến lược theo ông cũng cần xem xét lại và không thể để dễ dãi như trong dự án.

Vấn đề theo ông Nghĩa là Việt Nam không thể thu hút đầu tư bằng mọi giá mà quan trọng hơn là xây dựng đặc khu để tạo nội lực cho Việt Nam.

“Ta hay nói đầu tư cùng có lợi nhưng nếu 10 đồng họ lãi 8 đồng, mình lãi 2 đồng thì không có lợi, làm sao phải tăng cường nội lực của Việt Nam, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ bản sắc văn hóa,” vị đại biểu này lên tiếng.

Ông cũng thẳng thắn đề xuất, nếu nhà đầu tư nào đáp ứng được điều kiện trên thì làm còn nếu có cam kết nhưng nửa chừng không thực hiện được thì phải dứt khoát thu hồi dự án.

Đưa ra quan điểm khác, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) lại cho rằng: “Nếu không làm thì kể cả 2 đồng cũng không được.” Ông bày tỏ, đằng sau các án thường sẽ nhiều vấn đề liên quan, ví dụ như đầu tư casino có thể thu hút lao động, du lịch, khách sạn,... Bởi vậy, ông Thân phản biện, cách tư duy như trên của đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh là “không mang tính kinh tế.”

Ông Thân cũng bày tỏ thêm việc nhiều quốc gia cũng cho phép cấp quyền sử dụng đất lên tới 90 năm. Vị đại biểu này khẳng định, cần có cơ chế vượt trội để khuyến khích nhà đầu tư trong và ngoài nước, từ đó thể hiện tính ưu việt của các đặc khu.

Có khi vướng lại ở các bộ, ngành

Ở hướng khác, đại biểu Thạch Phước Bình, đoàn Trà Vinh cho rằng, tính tự chủ, tự quản phải là linh hồn của các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Ông góp ý, không nên quy định các đặc khu này trực thuộc tỉnh mà nên để trực thuộc Chính phủ và trưởng đặc khu được Thủ tướng Chính phủ phân cấp một số quyền của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh.

[Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Đặc khu hành chính để tạo sân chơi mới]

Đại biểu Nguyễn Sơn, đoàn Hà Tĩnh lại tỏ ra quan tâm nhiều tới sự thông thoáng của thủ tục hành chính tại các đặc khu. Ông góp ý, các quy định phê duyệt dự án, khung pháp lý tại đây phải làm sao tạo thuận lợi cho nhà đầu tư và điều này còn quan trọng hơn cả những ưu đãi về đất đai hay thuế, phí.

“Chậm trễ trong quy trình thủ tục sẽ làm mất cơ hội của nhà đầu tư, bởi vậy, cần xóa các rào cản tiếp cận chính sách,” vị đại biểu này lên tiếng.

Ông cũng cảnh báo việc, những vướng mắc có khi lại xuất hiện tại các bộ, ngành chức năng và địa phương bởi vậy trong dự án luật cần quy định rõ vấn đề này.

Ông đề nghị nên có quy định rõ đầu mối xử lý các vấn đề tại các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.

“Phần nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, cơ quan ngang bộ cần có quy đinh đẻ đảm bảo tránh dè dặt, tránh việc dựng hàng rào chuyên môn, tạo sự đặc biệt với các đặc khu,” ông Sơn lên tiếng.

Một vấn đề khác còn hai luồng ý kiến là có nên quy định cụ thể 3 đặc khu là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc trong dự án luật.

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương, đoàn Cần Thơ cho rằng, hiện tại Việt Nam chưa có thực tiễn về vấn đề này nên cần quy định cụ thể với 3 đơn vị trên, tránh tình trạng “trăm hoa đua nở.”

Tuy vậy, ở chiều ngược lại, ông Trương Trọng Nghĩa, đoàn Thành phố Hồ Chí Minh lại bày tỏ, chỉ nên ban hành luật chung với đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt và 3 đặc khu có thể cho vào nghị quyết.

Điều này được ông giải thích nhằm tránh việc phải sửa luật nếu sau này có thêm các đặc khu khác. Ngoài ra, theo ông, nếu có sự thay đổi như một trong ba đặc khu không thành công thì có thể dùng nghị quyết để sửa đổi. Cách làm này theo ông là tốt hơn cho các đặc khu.

Đây cũng là ý kiến được đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp đồng tình. Ông đề nghị thêm, dự án luật nên có quy định tiêu chí cụ thể để các địa phương nếu đạt được yêu cầu có thể cho lập đặc khu./.

Quốc hội thảo luận về dự án Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. (Nguồn: VNEWS)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục