Đại biểu Quốc hội: Công khai người nhiễm HIV nhằm phòng chữa bệnh

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu, việc công khai người nhiễm HIV nhằm mục đích phòng bệnh và chữa bệnh chứ không phải ảnh hưởng uy tín cá nhân người bệnh.
Đại biểu Quốc hội: Công khai người nhiễm HIV nhằm phòng chữa bệnh ảnh 1Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu trao đổi với phóng viên bên lề Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm hệ thống miễn dịch mắc phải ở người (gọi tắt là Luật Phòng, chống HIV/AIDS) tiếp tục nhận được nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội trong phiên họp sáng 23/10.

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, sau khi Luật HIV 2006 được ban hành, hệ thống chính sách, pháp luật và các hướng dẫn chuyên môn về phòng, chống HIV/AIDS đã được xây dựng đầy đủ, kịp thời. Hệ thống phòng, chống HIV/AIDS các tuyến được kiện toàn. Các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS được triển khai rộng rãi, đồng bộ và có hiệu quả cao.

Trong 12 năm qua, tình hình dịch HIV/AIDS liên tục thuyên giảm. Tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng được khống chế ở mức dưới 0,3%. Theo ước tính của UNAIDS, Việt Nam đã dự phòng cho khoảng 400.000 người không bị nhiễm HIV và 150.000 người không bị tử vong do HIV/AIDS.

Đáng chú ý, Việt Nam thuộc 4 quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới hiện nay cùng với Anh, Đức, Thụy Sĩ. Cộng đồng quốc tế đánh giá Việt Nam là một trong những điểm sáng trên thế giới về phòng, chống HIV/AIDS.

Để làm rõ hơn một số nội dung sửa đổi của Dự án luật lần này, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đã có chia sẻ với phóng viên bên lề Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

- Xin đại biểu cho biết về những nội dung mới của dự án Luật phòng chống HIV-AIDS?

Đại  biểu Nguyễn Lân Hiếu: Theo tôi sự cần thiết ban hành và sửa đổi Luật phòng chống HIV/AIDS rất cấp thiết, vì luật cũ ra đời đã không theo kịp được diễn biến mới của bệnh dịch này.

Có thể thấy rất rõ, sau 20 năm, Việt Nam đã thu được rất nhiều thành quả trong công tác phòng chống HIV/AIDS và được coi là một trong những nước thành công nhất trong việc phòng chống đại dịch này trên thế giới.

[Tăng nguồn lực trong nước cho công tác phòng, chống HIV/AIDS]

Bên cạnh đó, Luật sửa đổi có vai trò rất quan trọng giúp đội ngũ y bác sỹ có thể ứng dụng trong việc điều trị và đặc biệt là phòng chống đại dịch và đưa mục tiêu quan trọng nhất chấm dứt đại dịch trong những năm tới đây.

Thực tế, việc  hỗ trợ và viện trợ của các tổ chức trên thế giới ngày càng giảm, do vậy chúng ta cần phải tìm kiếm các nguồn lực từ chính chúng ta để phòng chống, bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Do vậy, điều mà chúng tôi băn khoăn đối với việc sửa đổi luật này chính là khi áp dụng luật vào cuộc sống thì chất lượng phòng bệnh, khám chữa bệnh có tốt hơn không?

- Hiện nay có quy định khám xét nghiệm cho bà mẹ đang mang thai dùng kinh phí của Nhà nước song lại không phù hợp với luật bảo hiểm, vậy ý kiến của ông như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu: Hiện ngân sách Nhà nước và đặc biệt quỹ Bảo hiểm y tế có giới hạn nhất định. Việc đồng chi trả theo tôi là một hướng đi đúng vì vậy cơ quan soạn thảo điều luật đã đưa ra quy định rất rõ ràng và giao Bộ y tế quy định chi tiết trong từng hoàn cảnh cụ thể. Theo tôi đây là một hướng đi đúng.

- Nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ quỹ phòng chống HIV/AIDS, vậy cá nhân ông thì thế nào?

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu: Quỹ này trước đây là nguồn tiền từ các tổ chức phi Chính phủ và các quốc gia khác trên thế giới cung cấp, nhưng hiện nguồn tiền đã bị cắt giảm rất nhiều thậm chí sắp về 0, nên việc có quỹ hay không có quỹ không còn hiệu quả nữa.

Chúng ta cũng biết, khi có quỹ lại sinh ra thêm nhiều vấn đề liên quan như: nhân lực, việc vận hành và điều hành..., trong khi Bộ y tế đã có hẳn Cục phòng chống HIV/AIDS hoàn toàn có thể điều tiết và vận hành bộ máy phòng chống căn bệnh này.

- Trong trường hợp người bệnh không khám chữa bệnh và cố tình che giấu bệnh, dự thảo luật mới có biện pháp gì khắc phục không ạ?

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu: Trước đây tỷ lệ người giấu bệnh khá cao, nhất là những người có vị trí trong xã hội. Tuy nhiên, với luật mới sửa đổi, quy định về sự công khai danh tính khá rõ ràng và Bộ Y tế cũng rất chặt chẽ việc bảo đảm thông tin. Chúng ta công khai nhằm mục đích phòng bệnh và chữa bệnh chứ không phải ảnh hưởng uy tín cá nhân người bệnh. Theo tôi, các quy định trong luật rất rõ ràng về vấn đề này.

- Xin cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục