Đại biểu quốc hội: Kế hoạch đầu tư công dàn trải, giải ngân chậm dần

Đại biểu Quốc hội cho rằng, việc hàng năm không cân đối đủ nguồn vốn sẽ tạo ra cơ chế xin cho. Ngoài ra, Chính phủ chưa cụ thể được phương án nguồn nên mức độ dàn trải, xin cho còn nặng nề hơn.
Đại biểu quốc hội: Kế hoạch đầu tư công dàn trải, giải ngân chậm dần ảnh 1Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Mặc dù ghi nhận nhiều cố gắng của Chính phủ trong việc thu ngân sách và kiểm soát lạm phát... nhưng nhiều đại biểu cho rằng, việc đầu tư công còn dàn trải, một số công trình lớn thực hiện kéo dài, chưa hiệu quả.

[Giải pháp, nhiệm vụ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội]

"Nghịch cảnh" đầu tư công

Tại phiên thảo luận hại hội trường sáng 29/10, Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) cho biết, tổng mức đầu tư cho giai đoạn 2016-2020 là 2 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, tương đương với số tiền này thì số dự án cũng không nhỏ, với số lượng thống kê lên đến 9.620 dự án.

Đáng chú ý, theo đại biểu này, hiện ở nhiều địa phương số lượng các dự án dở dang, thiếu vốn là rất lớn.

"Khi đánh giá việc thực hiện kế hoạch đầu tư công thì cụm từ 'đầu tư dàn trải' dường như trở nên quen thuộc. Mặc dù đến ngày hôm nay đã có những bước tiến mới nhưng trong báo cáo của Chính phủ đã đề cập đó là một hạn chế lớn cần vượt qua," bà Mai nói.

Mặc dù đánh giá cao các giải pháp của Chính phủ trong việc kiểm soát đầu tư thời gian qua song đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) chỉ ra "nghịch cảnh" trong đầu tư công khi cho rằng, vẫn còn tình trạng đầu tư dàn trải, đầu tư cho các dự án chưa giải ngân...

Ông nhấn mạnh thêm: "Trong bối cảnh nền kinh tế đang rất cần vốn thì tốc độ giải ngân vốn đầu tư công trong 3 năm qua lại có xu hướng chậm dần đều. Mặc dù Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ có nhiều lần họp chỉ đạo quyết liệt và có văn bản chỉ đạo thúc đẩy nhưng tình hình vẫn chưa có nhiều cải thiện," đại biểu Hoàng Văn Cường cho hay.

Ở góc độ khác, Đại biểu Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) lại lưu ý về phương án phân bổ đầu tư từ ngân sách Trung ương trong kế hoạch trung hạn. Theo ông Hàm, Chính phủ trình kế hoạch còn dàn trải, kém hiệu quả và tạo cơ chế xin cho, trong khi cân đối hai năm cho đầu tư chỉ được khoảng 440.000 tỷ đồng, thiếu gần 60.000 tỷ đồng cho các dự án đã có danh mục đầu tư được phân bổ trong kế hoạch trung hạn.

Từ thực tế này, đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng, việc hàng năm không cân đối đủ nguồn vốn sẽ tạo ra cơ chế xin cho. Hơn nữa, Chính phủ chưa cụ thể được phương án nguồn nên mức độ dàn trải, xin cho còn nặng nề hơn.

Vì vậy, theo ông Hàm, phương án một, nếu Chính phủ vẫn giữ khả năng cân đối nguồn như đã trình thì phải rà soát các dự án đã ghi mức vốn để cắt giảm kế hoạch trung hạn đã giao các dự án không thể giải ngân hết vốn hoặc các dự án có mức độ cấp thiết ít nhất để bù cho các dự án cấp thiết đang thiếu hụt vốn.

Bên cạnh đó, ông Hàm đề nghị phải cân đối thêm nguồn vốn bằng cách xin Quốc hội cho phép tăng thu ngân sách, báo cáo các cấp có thẩm quyền quyết định cho phép nguồn cổ phần thoái vốn thặng dư tại quỹ phát triển doanh nghiệp.

Đại biểu quốc hội: Kế hoạch đầu tư công dàn trải, giải ngân chậm dần ảnh 2Các đại biểu tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Thẩm định hiệu quả các dự án

Dẫn báo cáo của Chính phủ, theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, trong giai đoạn 2011-2015 tổng số dự án hoàn thành là 1.789 dự án và đến hết 2018 sẽ đạt 6.290 dự án. Thế nhưng đến nay vẫn chưa có báo cáo nào thẩm định tất cả các dự án đều mang lại hiệu quả thiết thực hay trong hàng nghìn công trình hoàn thành có bao nhiêu công trình hiệu quả cao, bao nhiêu công trình hiệu quả thấp, chưa hiệu quả...

Thông tin thêm, vị đại biểu đoàn Hà Nội cho biết, tại Nghị quyết 25 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm có đề cập đến nguyên tắc cơ bản đó là thực hiện kế hoạch ngân sách theo kết quả đầu ra. Tuy nhiên, việc thực hiện nguyên tắc này còn nhiều khó khăn.

"Trong nhiều năm qua khâu phân bổ nguồn lực đã được chú trọng song khâu đánh giá hiệu quả sau đầu tư thực sự chưa được quan tâm. Thậm chí, ngay trong hệ thống văn bản pháp luật thì các quy định mới chỉ tập trung ở phê duyệt, thẩm định, phân bổ mà thiếu vắng các quy định về trách nhiệm, hiệu quả sau đầu tư đặc biệt thiếu các quy định về đánh giá hiệu quả đầu ra," đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nói.

Trong khi đó, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh, chúng ta mới chỉ dừng lại ở những nguyên tắc để xác định lĩnh vực nào là ưu tiên, chưa có tiêu chí cụ thể để phân loại xem dự án nào được đưa vào ưu tiên đó và dự án nào sẽ ưu tiên được lựa chọn sẽ đặt trong việc lựa chọn để đưa vào danh mục đầu tư công cũng như phân bổ đầu tư.

Do vậy, ông Cường đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo xây dựng và công bố công khai những tiêu chí đánh giá và xếp thứ tự ưu tiên lựa chọn các dự án đầu tư đưa vào danh mục đầu tư công và phân bổ vốn.

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) đề nghị điều tra, xử lý nghiêm các dự án đầu tư công bị thất thoát. Có như vậy mới làm gương cho các dự án khác.

"Nhiều dự án dang dở, gây lãng phí. Đề nghị Chính phủ bổ sung trong báo cáo việc thanh tra, xử lý các sai phạm đến đâu, mức độ xử lý các cá nhân, tổ chức đến đâu," đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nhấn mạnh./.

Theo báo cáo của Chính phủ, bội chi Ngân sách nhà nước ước bằng dự toán là 204 nghìn tỷ đồng. Ước dư nợ công năm 2018 là 61,4% GDP, nợ nước ngoài là 49,7% GDP, trong phạm vi cho phép.

Nếu so với kết quả của các năm trước (2016 là 63,7% GDP, năm 2017 là 61,4%), tỷ trọng nợ công/GDP có xu hướng giảm, kỳ hạn vay dài hơn, lãi suất thấp hơn, tỷ trọng vay trong nước cao hơn là một kết quả tích cực, có thể bảo đảm thực hiện mục tiêu của Quốc hội về chỉ tiêu nợ công của giai đoạn 2016-2020.

Tuy nhiên, số tuyệt đối về nợ công tiếp tục đà tăng và vay để trả nợ gốc hằng năm có xu hướng tăng. Với vấn đề này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ tính toán kỹ lộ trình vay, trả nợ và đặc biệt lưu ý đến những chương trình, dự án mới đã ký kết và đang đàm phán nhưng chưa giải ngân nên chưa tính vào nợ công sẽ là yếu tố tăng nợ công trong thời gian tới./.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục