Daimler sản xuất động cơ điện sau khi tạm dừng sản xuất động cơ diesel

Hãng sản xuất ôtô Daimler của Đức cho biết sẽ đầu tư hàng trăm triệu euro vào nhà máy 120 năm tuổi Berlin-Marienfelde trong 6 năm tới để tự sản xuất động cơ điện.
Daimler sản xuất động cơ điện sau khi tạm dừng sản xuất động cơ diesel ảnh 1(Nguồn: Reuters)

Ngày 18/11, Daimler - “đại gia” trong lĩnh vực sản xuất ôtô của Đức, thông báo sẽ tự sản xuất động cơ điện tại nhà máy lâu đời nhất của hãng ở thủ đô Berlin.

Quyết định này nhằm xoa dịu tâm lý lo lắng của các công nhân về địa điểm sản xuất động cơ diesel này đang có kế hoạch cắt giảm mạnh nhân công.

Các công nhân lo lắng về tương lai công việc của mình sau khi Daimler hồi tháng Chín năm ngoái thông báo sẽ dừng sản xuất động cơ diesel 6 xi-lanh trong vòng 1 năm.

Để trấn an công nhân, Daimler cho biết sẽ đầu tư hàng trăm triệu euro vào nhà máy 120 năm tuổi Berlin-Marienfelde trong 6 năm tới để tự sản xuất động cơ điện.

[BMW và Daimler bị kiện vì chậm thực hiện các mục tiêu khí hậu]

Động cơ này do công ty khởi nghiệp YASA của Anh - vốn được Daimler mua lại vào đầu năm ngoái – thiết kế.

Động cơ điện được sản xuất đơn giản hơn so với động cơ diesel, đồng nghĩa nhà máy cũng sẽ cần ít nhân công hơn.

Tuy nhiên, Daimler không công bố chính xác số việc làm sẽ bị cắt giảm, cũng như thời điểm bắt đầu sản xuất động cơ điện.

Theo hãng này, trung tâm đào tạo kỹ thuật số, do Daimler hợp tác với Siemens để phát triển hồi tháng Ba và đi vào hoạt động vào năm 2022, cũng sẽ tạo ra nhiều việc làm mới.

Theo thỏa thuận công đoàn hiện có, khoảng 2.300 nhân viên làm việc tại nhà máy trên đã được đảm bảo công việc cho đến đầu năm 2030./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục