Đằng sau đề xuất của Nga về cấu trúc an ninh đa phương ở vùng Vịnh

Đề xuất về một cấu trúc an ninh đa phương ở vùng Vịnh của Nga nhằm giúp giảm căng thẳng và có khả năng ngăn chặn Yemen trở thành một “Afghanistan thứ hai” ở biên giới phía Nam Saudi Arabia, Vịnh Aden.
Đằng sau đề xuất của Nga về cấu trúc an ninh đa phương ở vùng Vịnh ảnh 1Hình ảnh một vụ tấn công tại Yemen. (Nguồn: thestar.com)

Theo trang mạng eurasiareview.com, Nga đang hy vọng sẽ tạo ra luồng gió mới cho đề xuất về một cấu trúc an ninh đa phương ở vùng Vịnh, với sự chấp thuận ngầm của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Nếu thành công, sáng kiến này sẽ giúp ổn định khu vực, đồng thời củng cố các nỗ lực giảm căng thẳng và có khả năng ngăn chặn Yemen trở thành một “Afghanistan thứ hai” ở biên giới phía Nam Saudi Arabia, Vịnh Aden và ở cửa ngõ của Biển Đỏ.

Theo Newsweek, hiện tại, Vitaly Naumkin - học giả nổi tiếng, cố vấn học thuật của Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp Nga, đồng thời là người đứng đầu Viện Nghiên cứu Phương Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga - đang đưa ra phép thử với khu vực này.

Tuần trước, ông đã mời các cựu quan chức, học giả và nhà báo từ các nước đối địch tại Trung Đông tới một cuộc họp kín ở Moskva để thảo luận về các tranh chấp và xung đột trong khu vực, cũng như cách ngăn chặn tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát.

Naumkin, người được cho là thân cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin, là đồng tác giả của kế hoạch được công bố lần đầu vào năm 2004. Năm 2019, Bộ Ngoại giao Nga cho ra mắt phiên bản kế hoạch đã qua chỉnh sửa.
Nga dường như đã lựa chọn kỹ thời điểm khôi phục đề xuất của nước này để tạo ra một khuôn khổ đối phó với phiến quân Houthi, lực lượng dường như đang giành ưu thế trước Saudi Arabia trong cuộc chiến tàn khốc kéo dài 7 năm tại Yemen.

Các phiến quân do Iran hậu thuẫn dường như tiến gần hơn đến việc chiếm được tỉnh Marib giàu trữ lượng dầu khí sau 2 năm xảy ra một số cuộc giao tranh đẫm máu nhất trong cuộc chiến này.

Cuộc chinh phục sẽ mở đường cho việc Houthi tiếp quản khu vực láng giềng Shabwa, cũng rất giàu tài nguyên, qua đó giúp phiến quân kiểm soát toàn bộ miền Bắc Yemen.

[Khi Syria trở lại bàn cờ vùng Vịnh: Nhân tố của cuộc cạnh tranh mới?]

Các bước tiến quân sự sẽ giúp Houthi nâng cao đáng kể vị thế trong các cuộc đàm phán chấm dứt chiến tranh. Điều này cũng làm xuất hiện nguy cơ chia cắt Yemen thành 2 miền - miền Bắc do Houthi kiểm soát, còn miền Nam phụ thuộc vào Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Nabil Hetari - nhà văn và nhà hoạt động nhân quyền Yemen - nói: “Trận chiến giành Marib có thể là chỗ dựa cuối cùng để Yemen giữ được sự thống nhất.”

Một Bắc Yemen tự tuyên bố độc lập sẽ giống với một Afghanistan đang rơi vào một trong những điểm nút quan trọng của thế giới về vận chuyển dầu và khí đốt. Bắc Yemen sẽ do một nhóm Hồi giáo theo chủ nghĩa dân tộc điều hành.

Đây là nhóm chịu trách nhiệm giải quyết một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới, đấu tranh để được quốc tế công nhận, khôi phục các dịch vụ công và ổn định nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá, trong bối cảnh một nhánh ủy nhiệm của mạng lưới khủng bố Al-Qaeda đang hoạt động ở phía Nam.

Sáng kiến của Nga có lẽ cũng nhằm tận dụng nỗ lực của các đối thủ Trung Đông là Saudi Arabia, UAE, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran nhằm giảm căng thẳng trong khu vực, tìm ra sự khác biệt giữa các nước này và đảm bảo rằng họ không vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

Nga dường như đang khai thác các cuộc đàm phán bị nhiều người cho là đình trệ giữa Saudi Arabia và Iran, do Iraq làm trung gian. Giới chức Iraq nhấn mạnh các cuộc đàm phán đang tạm dừng cho đến khi nước này thành lập chính phủ mới sau cuộc bầu cử hồi tháng 10 vừa qua. Các cuộc thảo luận này sẽ tập trung một phần vào việc tạo dựng thỏa thuận chấm dứt chiến tranh Yemen.

Naumkin gợi ý rằng sáng kiến của Nga mang lại cơ hội đưa Trung Đông trở thành một khu vực hợp tác cũng như cạnh tranh với Mỹ, trái ngược với khu vực Đông Nam Âu và Ukraine, nơi căng thẳng Mỹ-Nga đang gia tăng.

Chia sẻ với Newsweek, ông cho rằng ở Trung Đông, Nga và Mỹ “có một mối đe dọa chung, đó là mối đe dọa chiến tranh. Cả Mỹ và Nga đều không có lợi ích nào trong cuộc chiến này.”

Một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Chúng tôi vẫn sẵn sàng hợp tác với Nga trong các lĩnh vực mà hai bên có lợi ích chung, đồng thời phản đối các chính sách của Nga đi ngược với lợi ích của Mỹ.”

Nga đề xuất tích hợp “ô bảo trợ” của Mỹ ở vùng Vịnh với một cấu trúc an ninh tập thể bao gồm Nga, Trung Quốc, châu Âu và Ấn Độ cùng với Mỹ. Cơ cấu này không loại trừ Iran và sẽ phải mở rộng sang Israel và Thổ Nhĩ Kỳ.

Mặc dù không phải do sáng kiến của Nga thúc đẩy, song các nỗ lực của UAE nhằm trao trả Tổng thống Syria Bashar al-Assad cho quốc gia Arab này (nếu không phải quốc tế) sẽ tạo điều kiện thuận lợi, với điều kiện tất cả các sáng kiến khác đều bình đẳng.

Lấy cảm hứng từ Tổ chức An ninh và Hợp tác ở châu Âu (OSCE), đề xuất cho thấy kiến trúc mới sẽ được đưa ra tại một hội nghị quốc tế về an ninh và hợp tác ở vùng Vịnh. Nga cho rằng cấu trúc này cho phép tạo ra một “liên minh chống khủng bố (gồm) tất cả các bên liên quan,” sẽ là động cơ để giải quyết các xung đột trong khu vực và thúc đẩy việc giữ gìn an ninh chung.

Kế hoạch này sẽ liên quan đến việc loại bỏ "các hoạt động quân sự thường xuyên của các nước ngoài khu vực trên lãnh thổ của các nước vùng Vịnh," ám chỉ đến các lực lượng và căn cứ của Mỹ, Anh và Pháp ở các nước vùng Vịnh và một số nước khác ở Trung Đông.

Kế hoạch cũng kêu gọi thành lập một hệ thống an ninh “phổ quát và toàn diện”, tính toán đến “lợi ích của tất cả các bên liên quan ở trong và ngoài khu vực, trên tất cả các khía cạnh của lĩnh vực an ninh, trong đó có quân sự, kinh tế và năng lượng.”

Theo Naumkin, các đối thủ Trung Đông đã “chán ngấy với những gì đang diễn ra” và “lo sợ nguy cơ chiến tranh.” Đàm phán là lựa chọn duy nhất của họ. Điều đó dường như thúc đẩy các nhân vật như Thái tử UAE Mohammed bin Zayed, Quốc vương Mohammed bin Salman của Saudi Arabia, Emir Tamim bin Hamad Al Thani của Qatar, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và nhà lãnh đạo Iran Ebrahim Raisi tương tác với nhau trong các hoạt động chung.

The Economist cảnh báo: “Đây là những cuộc đàm phán giữa những kẻ chuyên quyền muốn bảo vệ quyền lực và thúc đẩy nền kinh tế của họ: không phải hòa bình trong thời đại của chúng ta mà chỉ trong phạm vi biên giới”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục