Đánh giá những rủi ro từ xung đột giữa Israel và Palestine

Các vụ bạo lực mới nhất cũng có thể khiến các chính đảng của Israel gặp khó khăn hơn trong việc chấm dứt tình trạng bế tắc chính trị nội bộ để tiến tới thành lập chính phủ.
Đánh giá những rủi ro từ xung đột giữa Israel và Palestine ảnh 1Lính cứu hỏa nỗ lực dập lửa căn nhà bị trúng oanh kích của máy bay Israel tại thành phố Rafah, Dải Gaza. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo AP/Reuters/Washington Post/Foxnews, máy bay phản lực, xe tăng và quân đội của Israel đã tiến hành một chiến dịch quy mô từ rạng sáng 14/5 (giờ địa phương) nhằm phá hủy hệ thống đường hầm mà Phong trào Hồi giáo Hamas xây dựng tại Dải Gaza, trong khi tên lửa không ngừng dội xuống Israel trong đêm, và các nhà ngoại giao vẫn đang vật lộn để đàm phán về một lệnh ngừng bắn giữa lúc các cuộc đụng độ trên đường phố Israel tiếp diễn giữa những người Do Thái và gốc Arab.

Theo người phát ngôn quân đội Israel Jonathan Conricus, cuộc tấn công kéo dài 40 phút vào nửa đêm là cuộc tấn công lớn nhất trong 5 ngày giao tranh vừa qua, với sự tham gia của 160 máy bay chiến đấu, cùng nhiều xe tăng và ba lữ đoàn bộ binh.

Trung úy Jonathan Conricus cho biết dù lực lượng bộ binh có tham gia cuộc tấn công, song họ không tiến vào Gaza - điều mâu thuẫn với tuyên bố được đưa ra ngay đêm trước rằng Israel đang tiến hành một cuộc tấn công trên bộ.

Ông Conricus nói rằng cuộc tấn công nhằm vào hệ thống đường hầm quy mô mà Hamas đã dành nhiều năm để xây dựng bên dưới các đường phố tại Dải Gaza, và sử dụng các loại “đạn điều hướng chính xác."

Theo Conricus, vẫn còn quá sớm để xác định thiệt hại của hệ thống đường hầm kể trên.

Trong khi đó, tờ Times of Israel cho biết bất chấp chiến dịch truy quét của Israel, lực lượng Hamas vẫn không có dấu hiệu dừng các cuộc tấn công bằng tên lửa, bom và tên lửa vẫn liên tục trút xuống Israel các cuộc đụng độ tiếp tục diễn ra tại các thị trấn có cả người Do Thái và người Arab sinh sống.

Theo quân đội Israel, trong đêm 14/5, các lực lượng ở Gaza đã bắn 55 quả tên lửa, nâng tổng số tên lửa nã vào lãnh thổ Israel là 1.800 quả. Trong khi đó, tờ Haaretz của Israel dẫn nguồn tin từ Bộ Y tế Gaza cho biết số người thiệt mạng đã lên tới 115, và 600 người bị thương.

Trong một bài phát biểu trên truyền hình quốc gia, Thủ tướng Israel Netanyahu tuyên bố đất nước đang chiến đấu “trên hai mặt trận,” một là tại Dải Gaza, và hai là tại “các thành phố của Israel.”

[Xung đột Israel-Palestine: Israel nhất trí ngừng bắn với Hamas]

Nhà lãnh đạo cứng rắn nhắc lại cam kết đưa ra một ngày trước đó là triển khai quân đội để ngăn chặn “tình trạng vô chính phủ” từ các vụ bạo lực đám đông đã xuất hiện tại một số thành phố trong tuần qua.

Ông nhấn mạnh sẽ “dùng toàn lực để chống lại những kẻ thù không đội trời chung và những kẻ vi phạm pháp luật trong nội bộ để khôi phục sự ổn định cho nhà nước Israel."

Trong khi đó, người phát ngôn của Hamas, được biết đến với cái tên Abu Obaida, nhấn mạnh trong một tuyên bố trên truyền hình ngày 13/5: “Chúng tôi vẫn còn nhiều thứ khác… Quyết định tấn công Tel Aviv, Dimona và Jerusalem dễ hơn cả uống nước. Công nghệ và những vụ ám sát của họ không làm chúng tôi sợ hãi.” Dimona, theo AP, là nơi Israel đặt lò phản ứng hạt nhân.

Một diễn biến khác cho thấy giao tranh có thể leo thang hơn nữa với việc Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz thông qua việc huy động thêm 9.000 quân dự bị, và người phát ngôn quân đội Israel cho biết các lực lượng đang tập trung tại biên giới với Dải Gaza. Ngày 13/5, Bộ Quốc phòng gọi chiến dịch điều động mới là "lời hiệu triệu đặc biệt."

Người phát ngôn hàng đầu của quân đội, Chuẩn tướng Hidai Zilberman cho biết các lực lượng đang chuẩn bị phương án cơ động trên bộ. Phát biểu trên đài truyền hình Kan của Israel, ông nói rằng xe tăng, xe thiết giáp chở quân và pháo binh đã trong trạng thái sẵn sàng huy động vào bất kỳ thời điểm nào.

Tuy nhiên, theo đánh giá của AP, mức độ triển khai quân chưa đủ để chuẩn bị cho một cuộc tấn công trên bộ.

Hãng tin Reuters cũng nhận định rằng khó có khả năng Israel tiến tới với một cuộc xâm lược bằng bộ binh, nhất là bởi quốc gia này vẫn chần chừ trước nguy cơ thiệt hại quân số tại chiến trường do Hamas kiểm soát.

Các nhà ngoại giao từ Trung Đông, châu Âu và Mỹ vẫn đang xoay xở tìm cách làm trung gian cho một thỏa thuận ngừng bắn trước khi xung đột leo thang hơn nữa. Nhân ngày lễ Eid al-Fitr của người Hồi giáo, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã kêu gọi các bên kiềm chế.

Theo Reuters, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ thảo luận công khai tình trạng bạo lực ngày càng tồi tệ giữa Israel và lực lượng dân quân Palestine trong ngày 16/5 tới, sau khi Mỹ từ chối tiến hành cuộc gặp này trong ngày 14/5. Nỗ lực thúc đẩy ngừng bắn của Ai Cập, Qatar và LHQ cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu tiến triển.

Xung đột hiện tại bùng phát sau các cuộc đụng độ hồi đầu tháng tại Jerusalem giữa người Palestine, cảnh sát Israel và những người Do Thái cánh hữu. Căng thẳng gia tăng một phần do những người định cư Israel tìm cách trục xuất một số gia đình Palestine khỏi khu Sheikh Jarrah, phía Đông Jerusalem.

Mâu thuẫn leo thang khi các cuộc đụng độ gần Nhà thờ Hồi giáo al-Aqsa ở Thành phố thiêng Jerusalem giữa cảnh sát Israel và những người biểu tình Arab khiến hơn 300 người Palestine bị thương.

Các cuộc giao tranh trước đây giữa Israel và lực lượng Hamas nắm quyền kiểm soát Gaza, gồm cả cuộc chiến tàn khốc năm 2014, phần lớn chỉ giới hạn trong lãnh thổ Palestine nghèo nàn và bị phong tỏa hoặc các khu định cư Do Thái. Tuy nhiên, những xung đột hiện nay có nguy cơ leo thang nghiêm trọng hơn hẳn những gì từng diễn ra từ cuộc nổi dậy Intifada năm 2000 của người Palestine.

Trong số những thách thức lớn nhất, tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhất chính là tình trạng bạo lực đã lan đến cả cộng đồng người Arab tại Israel, một diễn biến khiến chính trường Israel rơi vào tình trạng hỗn loạn hơn nữa và có khả năng sẽ khiến người Do Thái tại Israel xem xét lại mối quan hệ của họ với 1,9 triệu người Arab, chiếm khoảng 20% trong số 10 triệu dân tại quốc gia này, hậu duệ của những người Palestine ở lại Israel sau cuộc chiến năm 1948 - sự kiện khai sinh nhà nước Do Thái.

Các vụ bạo lực mới nhất cũng có thể khiến các chính đảng của Israel gặp khó khăn hơn trong việc chấm dứt tình trạng bế tắc chính trị nội bộ để tiến tới thành lập chính phủ.

Bất chấp 4 cuộc bầu cử thiếu quyết đoán trong 2 năm, cả Netanyahu và các đối thủ đều không thể tập hợp được một liên minh đa số để cầm quyền. Chuẩn tướng Yossi Kuperwasser, từng phụ trách đơn vị nghiên cứu của cơ quan tình báo quân đội Israel, cho rằng cả hai đối thủ chính của Netanyahu là Yair Lapid và Naftali Bennett đều không sẵn sàng dựa vào các chính đảng Arab để thành lập chính phủ.

Tại hội thảo trực tuyến ngày 12/5, sự kiện do Diễn đàn Trung Đông, có trụ sở tại Philadelphia, tài trợ, ông Kuperwasser nói rằng Israel không thể mạo hiểm việc bị coi là phụ thuộc vào người Arab tại Israel khi họ “đang phải chiến đấu không chỉ ở Gaza mà còn trong nội bộ."

Nếu các chính đảng tại Israel không thể tự thành lập chính phủ đa số, một cuộc bầu cử lần thứ 5 dường như là điều không thể tránh khỏi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục