Đất mũi Cà Mau tăng cường tạo điểm nhấn để kích cầu du lịch

Tỉnh đẩy mạnh chương trình liên kết hợp tác với các tỉnh, lựa chọn một số địa điểm khảo sát hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch; tiếp tục xây dựng Đề án phát triển du lịch tỉnh Cà Mau.
Đất mũi Cà Mau tăng cường tạo điểm nhấn để kích cầu du lịch ảnh 1Du khách tham quan bãi bồi Cà Mau, Khu du lịch Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, địa phương đang tập trung thực hiện các chương trình kích cầu du lịch; chú trọng tuyên truyền, quảng bá gắn với tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát chất lượng cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ, đảm bảo an toàn cho du khách trong phạm vi quản lý.

Cơ quan chức năng tăng cường nhắc nhở đơn vị kinh doanh lữ hành nghiêm túc thực hiện kinh doanh theo quy định của pháp luật; quản lý chặt chẽ chương trình hoạt động của các đoàn khách và hướng dẫn viên du lịch.

Tỉnh đẩy mạnh chương trình liên kết hợp tác với các tỉnh, lựa chọn một số địa điểm khảo sát hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch; tiếp tục xây dựng Đề án phát triển du lịch tỉnh Cà Mau, giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 và nhiệm vụ Quy hoạch chung Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau.

[Cà Mau tìm tòi để đa dạng các sản phẩm và loại hình du lịch]

Cà Mau đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số trong hoạt động du lịch thông qua các nền tảng số hỗ trợ hoạt động du lịch như, ứng dụng “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel,” nền tảng “Quản trị và kinh doanh du lịch,” Hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch Việt Nam, hệ thống thẻ-vé điện tử, thẻ du lịch thông minh, hệ thống thuyết minh đa phương tiện (multimedia guide), kênh truyền thông trên các nền tảng số

Địa phương tiếp tục duy trì, phát triển trang web du lịch Cà Mau và các trang mạng xã hội (Facebook, fanpage “Du lịch Mũi Cà Mau”); hỗ trợ hộ làm du lịch cộng đồng quảng bá dịch vụ theo chương trình, kế hoạch đã đề ra.

Điểm nhấn thu hút khách du lịch ở Cà Mau là việc tổ chức các sự kiện trong Chương trình “Cà Mau - Điểm đến 2023" như: Lễ hội tri ân Quốc Tổ, Ngày hội Bánh dân gian Nam Bộ lần 3, sự kiện Hương rừng U Minh, Ngày hội Khinh khí cầu...

Đặc biệt, địa phương đang chuẩn bị đón khách du lịch đến Cà Mau dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2023) và Ngày Quốc tế Lao động 1/5.

Đất mũi Cà Mau tăng cường tạo điểm nhấn để kích cầu du lịch ảnh 2Du khách đón bình minh ở Khu du lịch Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Hoạt động du lịch của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, các đơn vị kinh doanh hoạt động du lịch có sự quan đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ, cơ sở vật chất, hoạt động tuyên truyền quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch phát huy hiệu quả.

Chất lượng dịch vụ tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn được nâng lên, việc niêm yết giá, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch thực hiện tốt, từ đó tạo ấn tượng đẹp và thu hút khách du lịch đến Cà Mau.

Quý 1/2023, Cà Mau đón 565.433 lượt khách, tăng 104% và tổng thu đạt 713,8 tỷ đồng, tăng 123% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, Khu Du lịch Mũi Cà Mau thu hút đông khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm sản phẩm mới lạ, hấp dẫn, mang tính đặc trưng riêng.

Ông Võ Công Trường, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đất Mũi, cho biết địa bàn xã có Khu Du lịch Khai Long và Khu Du lịch Mũi Cà Mau đang phát triển mạnh, với nhiều công trình nổi bật.

Đó là Cột mốc tọa độ Quốc gia PGS 0001 - điểm cuối vùng địa đầu cực Nam Tổ quốc, biểu tượng Cột cờ Hà Nội, điểm cuối đường Hồ Chí Minh trên bộ.

Xã Đất Mũi đã hình thành ba tuyến tham quan xuyên rừng Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, gồm tuyến tham quan rừng ngập mặn-bãi bồi, tuyến khám phá giếng trời-rừng nguyên sinh, tuyến vùng chuyển tiếp từ biển Đông sang biển Tây.

Bên cạnh đó, xã có 9 điểm du lịch sinh thái cộng đồng và hình thành 4 sản phẩm du lịch đặc trưng.

Do vậy, Ủy ban Nhân dân xã Đất Mũi tiếp tục phát huy tốt tiềm năng lợi thế về du lịch hiện có trên địa bàn; phát triển đa dạng sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; ưu tiên phát triển thêm nhiều cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng, giải trí, trải nghiệm và ẩm thực thu hút du khách, nhất là khách quốc tế.

Cà Mau hiện có 84 cơ sở lưu trú với 2.682 phòng; trong đó có 18 cơ sở được thẩm định xếp hạng từ 1-5 sao với 1.045 phòng và 41 cơ sở được công nhận đủ điều kiện phục vụ khách du lịch với 940 phòng.

Địa bàn tỉnh có 24 khu, điểm và hộ làm du lịch cộng đồng, trong đó có hai khu du lịch cấp tỉnh.

Cà Mau xây dựng thương hiệu du lịch gắn liền với vị trí địa lý là điểm cực Nam của Tổ quốc; tổ chức các hoạt động du lịch mang đậm nét văn hóa địa phương thông qua các loại hình du lịch phù hợp như du lịch biển đảo, du lịch sinh thái-trải nghiệm, du lịch cộng đồng gắn với hệ thống rừng ngập nước và du lịch ngư, nông, lâm nghiệp... thu hút sự quan tâm của du khách.

Cùng với đó, ngành du lịch tỉnh quan tâm đầu tư nâng cấp và xây dựng mới các tour du lịch sinh thái; đẩy mạnh liên kết vùng trong khai thác và phát triển du lịch, đặc biệt là chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Cà Mau với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; tạo điều kiện thuận lợi kết nối các doanh nghiệp lữ hành và các doanh nghiệp dịch vụ du lịch giữa các địa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục